Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
VIDIPHA mở cửa tìm cơ hội
H.V - 19/06/2020 15:42
 
Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương VIDIPHA (mã: VDP) vừa thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới.
.
VIDIPHA đã thống nhất phát hành thêm 3,3 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ.

Cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 của VIDIPHA cuối tháng 5 vừa qua đã thống nhất phát hành thêm 3,3 triệu cổ phiếu cho các cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ.

Công ty TNHH Nutri - Pharma USA, Công ty TNHH Dược phẩm Trâm Bảo Khoa và Công ty TNHH Dược phẩm Minh Trí là 3 cái tên được nhắc đến với vai trò đối tác chiến lược.

Động thái xuất hiện sau khi VIDIPHA có một năm kinh doanh tốt, nhưng việc quản lý chi phí lại không tương xứng, dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.

Cụ thể, năm 2019, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của VIDIPHA đạt 630 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là doanh thu cao nhất kể từ khi công ty lên sàn vào năm 2007. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế là 56 tỷ đồng, chỉ đạt 84% so với cùng kỳ năm 2018 và đây cũng là mức thấp nhất Công ty đạt được trong 4 năm trở lại đây.

Tương tự, kết quả kinh doanh quý I/2020 của VIDIPHA đạt 167 tỷ đồng, tăng 128%, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ bằng 88% so với cùng kỳ năm ngoái khi chỉ đạt 15,1 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng, vận hành doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua do Công ty đang mở rộng thị trường. Như năm 2019, chi phí bán hàng và vận hành doanh nghiệp là 38 tỷ đồng và 37 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 37% so với cùng kỳ năm ngoái và xu hướng này vẫn đang tiếp diễn trong quý I vừa qua.

Trong khi đó, lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng chi phí nguyên liệu nhập khẩu (chiếm 90%) tăng mạnh trong năm qua. Còn lợi nhuận từ các mảng kinh doanh dịch vụ khác, như bán nguyên vật liệu và tài sản cố định không ổn định qua các năm, khiến đóng góp của mảng này không ổn định.

Biên lợi nhuận vì thế càng bị thu hẹp khi các mặt hàng công ty sản xuất với số lượng nhỏ khiến chi phí sản xuất chung cao và không tối ưu hóa được các loại chi phí đầu vào nhờ quy mô.

Áp lực càng đè nặng lên bộ máy lãnh đạo VIDIPHA khi ĐHCĐ thông qua kế hoạch hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2020 với doanh thu đạt 750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỷ đồng, tăng lần lượt 119% và 107% so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với tỷ lệ cổ tức  từ 20%/vốn điều lệ.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2020, các động thái của VIDIPHA cho thấy, Công ty tối ưu chi phí bằng cách tăng thêm mạng lưới bán hàng, tăng khả năng tài chính để chuẩn bị các gói thầu lớn và chuẩn bị cho mặt hàng mỹ phẩm sắp ra mắt.

Từ trước đến nay, kênh bán hàng chính của VIDIPHA là OTC dưới hình thức bán sỉ (chiếm 80% doanh số) nên không quá ngạc nhiên khi cổ đông chiến lược là các công ty phân phối.

Ông Kiều Hữu, Chủ tịch HĐQT VIDIPHA cho biết, 3 công ty cổ đông chiến lược của VIDIPHA đều là các công ty phân phối và bán những mặt hàng độc quyền có doanh số cao.

“Bên cạnh đó, các công ty này đồng ý mua theo giá bán bình quân trên sàn HoSE trong khi các đối tác không đồng ý”, ông Kiều Hữu nói.

Thứ đến, việc bổ sung nguồn vốn cũng sẽ giúp VIDIPHA đáp ứng đủ điều kiện để tham gia các gói thầu quốc gia có quy định về quy mô nguồn vốn lớn đối với các nhà thầu.

Các gói thầu quy mô lớn sẽ giúp Công ty cải thiện được biên lợi nhuận mảng OTC trong bối cảnh giá đấu thầu ngày càng có xu hướng giảm trong khi chi phí đầu vào tăng. Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng dễ dàng hơn.

Theo kế hoạch dự kiến, VIDIPHA sẽ thu được 99 tỷ đồng từ đợt chào bán cho các cổ đông chiến lược. Vốn điều lệ Công ty cũng tăng gần 40 tỷ đồng, đạt 160 tỷ đồng sau đợt phát hành.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư