Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Việc tích nước của Thủy điện Thượng Kon Tum liên quan đến hoạt động động đất?
Nhiệt Băng - 19/04/2022 11:55
 
Theo đánh giá sơ bộ của Viện Vật lý địa cầu, các trận động đất kích thích liên tục xảy ra thời gian qua tại huyện Kon Plong, Kon Tum là do Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước.
Hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: P.V
Hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Ảnh: P.V

Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, chuyên gia để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra do động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Thông tin tại cuộc họp cho biết, từ 15/4-18/4, tại Kon Tum đã xảy ra 20 trận động đất với cường độ khác nhau.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, việc tích nước của các hồ chứa thủy điện đều liên quan đến hoạt động động đất. "Theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi đây là động đất kích thích xảy ra sau khi Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước", Viện trưởng Nguyễn Xuân  Anh nói. 

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, trong năm 2020 trên địa bàn huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum xảy ra hơn 33 trận động đất. Nhưng từ tháng 4/2021 đến nay, số vụ động đất có sự gia tăng đặc biệt, mà cụ thể là Viện Vận lý địa cầu đã ghi nhận đến 169 vụ động đất (có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên).

Riêng 4 ngày qua, Viện Vật lý địa cầu ghi nhận hơn 20 trận, trong đó có 2 trận lớn với cường độ lớn là 4,1 độ richter và 4,5 độ richter. Cường độ này lớn hơn lịch sử động đất ở khu vực này từ trước đến nay. Như vậy, tần suất và độ lớn các trận động đất đã gia tăng. Việc này phải tiếp tục quan sát, theo dõi các hệ thống đứt gãy.

"Với tần suất và độ lớn đã tăng lên như vậy thì có nguy cơ tăng hơn nữa về cường độ hay không, để chúng ta đưa ra lời giải, chuẩn bị phương án ứng phó?”, ông Trần Quang Hoài đặt câu hỏi với ông Nguyễn Xuân Anh.

Đáp lại, ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, động đất ở khu vực Sông Tranh khó vượt qua độ lớn 5,5 richter. Tuy nhiên, khu vực này (huyện Kon Plong) phải tiến hành nghiên cứu, đánh giá chi tiết, vì từ trước đến nay, những đứt gãy ở đây chưa được đánh giá.

Đại diện xã Măng Bút, huyện Kon Plong (nơi liên tục xảy ra động đất mấy ngày qua) cho biết, từ ngày 15/4 đến 19/4, trên địa bàn xã này xảy ra rất nhiều lần rung chấn. Trong đó, lần rung chấn mạnh nhất vào lúc12h55 ngày 18/4. Trận rung chấn kéo dài khoảng 15 giây, nhưng rung lắc cực kỳ mạnh.

“Khoảng 21h30 đêm qua (18/4), rung chấn tiếp tục xảy ra, nhưng cường độ nhỏ hơn”, đại diện xã Măng Bút nói và cho biết, cứ mỗi lần rung chấn, nhân dân trên địa bàn xã rất hoang mang, tinh thần không ổn định. “Tuy vậy, hiện trên địa bàn xã cũng chưa có thiệt hại gì từ các vụ rung chấn”, vị này nói.

Quang cảnh cuộc họp trực tuyến do Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai.
Quang cảnh cuộc họp trực tuyến do Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức vào sáng ngày 19/4.

Đại diện UBND huyện Kon Plong cho biết, nếu tháng 3/2022 trên địa bàn xảy ra 7 trận động đất, trong tháng 4 là 20 trận. Tuy nhiên, tất cả các vụ động đất này đều có cường độ dưới 3,8 độ richter, nên không ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

“Nhưng riêng hôm qua (18/4), sau rung chất có nổ lớn trong lòng đất. Bà con tâm trạng hơi bất ổn. Bản thân tôi chuẩn bị đi làm rung hết cả ngôi nhà tôi đang ở và sau đó có tiến nổ”, vị đại diện này nói.

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Kon Tum cho rằng, tâm lý chung của người dân hiện nay là lo sợ. Vì vậy, ông này đề nghị các cơ quan Trung ương sớm có biện pháp ứng phó kịp thời để người dân ổn định cuộc sống.

Ông Trần Công Đàm, đại diện Thủy điện Thượng Kon Tum cho biết, ngày 26/2/2020, thủy điện này tích nước và đến ngày 27/9/2020, hồ chứa tích nước đến 1157m, duy trì mực nước max trước lũ. Đến ngày 20/11/2020, hồ tích đầy nước đến 1160m. “Đến ngày 8/2/2021, chúng tôi phát hiện rung chấn. Rung chấn giai đoạn đầu chủ yếu là cấp III, IV, lớn nhất là 4,5 độ richter (vào ngày 18/4/2022). Các đợt rung chất xuất hiện với tần suất lớn”, ông Đàm thông tin.

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Xuân Anh, ông Trần Quang Hoài cho rằng, các trận động đất kích thích có thể đánh giá ban đầu là do hoạt động tích nước của hồ chứa.

Kết luận tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài đề nghị các bộ, ngành, các đơn vị, địa phương, bộ ngành liên quan tăng cường theo dõi tình hình diễn biến động đất. Hoan nghiên Viện vật lý địa cầu đã cung cấp thông tin thường xuyên về các vụ động đất, nhưng ông Hoài đề nghị việc cung cấp thông tin phải được nhanh chóng hơn.

Ông Hoài đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo văn phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch để khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các dấu hiệu xảy ra trong thời gian vừa qua, tiến hành xác định nguyên nhân xảy ra sự cố và nguy cơ xảy ra sự cố. Ông Hoài cũng đề nghị các cơ quan có liên quan tăng cường thông tin tuyên truyền đến người dân, loại bỏ các thông tin thất thiệt, khiến người dân hoang mang. 

"Thủy điện Thượng Kon Tum không được tích thêm nước, vì hiện mùa thu, nhưng có thể mưa trái mùa", ông Hoài yêu cầu và cho rằng, về lâu dài, Viện Vật lý địa cầu cần có một báo cáo tổng thể về tình trạng này cho Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai để có các bước xử lý tiếp theo.

Nhiều sai phạm tại Dự án thủy điện Đắk Re của Công ty Thiên Tân
Công ty cổ phần thủy điện Thiên Tân không lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi điều chỉnh quy mô và diện tích dự án, nhưng cơ quan...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư