Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là "ngoại lệ" tại Đông Nam Á
Phương Anh - 05/12/2018 21:34
 
Theo báo cáo Tiêu điểm kinh tế khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ) mới nhất của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Việt Nam là một ngoại lệ khi tăng trưởng GDP tăng lên 6,9% cả năm, trong khi phần lớn các nền kinh tế ĐNÁ, bình quân tăng trưởng GDP giảm còn 4,8%.
.
Biểu đồ tăng trưởng GDP của Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. (Nguồn ICAEW)

Cụ thể, Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) cho biết,  trong quý 3/2018, tăng trưởng kinh tế tiếp tục giảm nhẹ ở phần lớn các nền kinh tế ĐNÁ, khi bình quân tăng trưởng GDP giảm còn 4,8% so với cùng kỳ và so với 5,2% của quý 2/2018. Việt Nam là một ngoại lệ khi tăng trưởng GDP tăng lên 6,9% cả năm, so với 6,7% của quý 2 do thu hút đầu tư FDI tiếp tục là nguồn hỗ trợ cho tăng trưởng của các lĩnh vực chế tạo, chế biến và xuất khẩu.

Tăng trưởng GDP toàn khu vực dự kiến sẽ chậm lại trong năm tới, do căng thẳng Mỹ-Trung, kéo theo là sự giảm tốc nguồn cầu của Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng của ĐNÁ, nhất là đối với những nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu cao sang Trung Quốc như Singapore, Malaysia.

Trong số các nền kinh tế ĐNÁ, Singapore dự kiến sẽ có mức giảm mạnh nhất, khi tăng trưởng GDP của nước này được dự báo sẽ giảm từ mức dự tính 3,3% của năm 2018 xuống còn 2,5% cho năm 2019. Ngược lại, Indonesia và Philipines sẽ ít bị ảnh hưởng nhất.

Theo đó, tăng trưởng dù dự kiến sẽ giảm nhẹ ở Việt Nam, Indonesia và Philipines trong năm 2019 nhưng các nước này sẽ vẫn nằm trong số 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Trưởng Chuyên gia kinh tế Oxford khu vực Châu Á, cho biết, theo mô phỏng của ICAEW về tương quan thuế quan Mỹ-Trung,  dự tính các nền kinh tế Châu Á có quan hệ mật thiết nhất với Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

“Trong bối cảnh toàn cầu nhiều thách thức, chúng tôi dự tính ảnh hưởng lan tỏa của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn lớn hơn nữa trong năm 2019, kéo theo dự báo tăng trưởng khu vực giảm xuống còn 5% cho năm 2019, dù vậy, tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu sẽ vẫn tương đối tích cực”, bà Sian Fenner cho hay.

Trước bối cảnh này, ICAEW cho rằng, nguồn cầu trong nước nhiều khả năng sẽ là chỗ dựa phần nào trong bối cảnh triển vọng kém thuận lợi về xuất khẩu. Chính sách tài chính nới lỏng sẽ là một sự hỗ trợ, cùng với chi tiêu tài khóa dự kiến sẽ ở mức cao. Ngoài ra, chính phủ nhiều nước trong khu vực, như Indonesia, Malaysia, dự kiến sẽ không đạt được các chỉ tiêu tham vọng về tăng cường tài khóa cho năm 2019. Về phần Việt Nam, tuy tình hình tài khóa của chính phủ đã được cải thiện nhưng cũng không có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tài khóa trong năm sau.

Nói về vấn đề này, ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á, chia sẻ, nguồn cầu trong nước dù khá khả quan trong năm nay nhưng sẽ khó đạt được tốc độ tăng vượt bậc như của năm 2018, một phần do ít hỗ trợ hơn từ chính sách tiền tệ.

“Cùng với sự giảm nhẹ về tăng trưởng xuất khẩu, chúng tôi dự tính tăng trưởng GDP của toàn bộ các nền kinh tế ĐNÁ sẽ giảm nhẹ trong năm sau do ảnh hưởng của xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay và việc thắt chặt chính sách tiền tệ trên toàn cầu” ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á, nói

ICAEW: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 6,5%
Theo dự báo của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 vượt năm 2016, đạt trên 6,5%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư