Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Viện Kiểm sát… có quyền gì trong phá sản DN
Hàn Tín - 15/01/2014 19:44
 
Viện Kiểm sát đóng vai trò gì trong quá trình phá sản doanh nghiệp là nội dung được nhiều đại biểu tham dự Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/1) tranh luận khá gay gắt. >>> Giúp doanh nghiệp không phá sản tự phát >>> Phải xoay ngược quy trình phá sản >>> Nguy cơ phá sản Luật Phá sản sửa đổi ngay khi trình >>> Thêm căn cứ xác định doanh nghiệp phá sản
Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao
Ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao

Việc Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi không cho phép Viện Kiểm sát được quyền kháng nghị, theo ông Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì chẳng khác gì Viện Kểm sát chẳng còn quyền năng gì trong giải quyết thủ tục phá sản.

Viện dẫn Hiến pháp: “Viện Kiểm sát thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”, ông Thể cho rằng, nếu tước quyền kháng nghị của Viện Kiểm sát thì không bảo đảm quá trình giải thể doanh nghiệp đúng pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích của tổ chức, cá nhân.

“Nếu chỉ có quyền kiến nghị thì trên thực tế Viện Kiểm sát… chẳng có quyền gì vì tổ chức, cá nhân có liên quan có thể thực hiện, có thể không. Điều này khác với kháng nghị là buộc tòa án phải ra phán quyết. Trong trường hợp này, Dự thảo Luật Phá sản đã đánh đồng kháng nghị với kiến nghị. Đây là sự nhận thức sai cơ bản”, ông Thể bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (nguyên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), ông Nguyễn Văn Hiện lại cho rằng, cần phải thay đổi quan điểm về quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được quy định trong Hiến pháp.

Theo ông Hiện, Viện Kiểm sát nên thực hiện tốt chức năng công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp, còn giải quyết các vụ án dân sự thì thực hiện theo nguyên tắc “việc dân sự cốt ở hai bên”.

“Khi ra tòa, chủ nợ và các tổ chức, cá nhân liên quan cùng con nợ (doanh nghiệp) đồng ý phương án xử lý, giải quyết, phân chia tài sản, Tòa án ra quyết định chấp thuận với phương án của các bên liên quan đưa ra và ra quyết định phá sản doanh nghiệp mà tự nhiên Viện Kiểm sát lại “nhảy vào” kháng nghị trong khi không có đơn từ khiếu nại, khiếu kiện thì chỉ làm rắc rối thêm tình hình”, ông Hiện nói.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng băn khoăn: “Mở thủ tục phá sản doanh nghiệp là thủ tục hành chính hay thủ tục tư pháp? Nếu là thủ tục hành chính thì không nhất thiết trao cho Viện Kiểm sát quyền kháng nghị, còn là thủ tục tư pháp thì đương nhiên Viện Kiểm sát có quyền kháng nghị theo đúng tinh thần của Hiến pháp là Viện Kiểm sát có trách nhiệm, nghĩa vụ kiểm sát hoạt động tư pháp”.

Bà Phóng đề xuất, trong khi chưa biết mở thủ tục phá sản là thủ tục hành chính hay thủ tục tư pháp thì cứ quy định: “Viện Kiểm sát thực hiện giám sát theo quy định của pháp luật, còn giám sát thế nào thì khi sửa Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân… tính sau”.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi, thậm chí ngay cả tiến sỹ luật học, Phó chủ tịch Quốc hội (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp) Uông Chu Lưu cũng băn khoăn không biết có nên trao cho Viện Kiểm sát quyền kháng nghị hay không. Bởi ngay như bản thân ông cũng không chắc thủ tục phá sản có phải là thủ tục tư pháp hay không.

Theo ông Lưu, đúng là Viện Kiểm sát có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, nhưng giải quyết phá sản doanh nghiệp là giải quyết tranh chấp dân sự tại tòa án, không hẳn là hoạt động tư pháp nếu không vi phạm pháp luật và không có khiếu nại khiếu kiện.

Quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, theo ông Nguyễn Văn Hiện không phải là Viện Kiểm sát tham gia vào tất cả hoạt động của Tòa án. “Ví dụ, Tòa án ra quyết định tạm giữ máy bay, tàu biển nước ngoài; ra quyết định công nhận hoặc hủy bỏ phán quyết của trọng tài viên; xử lý tranh chấp trong bầu cử… Tất cả các hoạt động này đều không có sự tham gia của Viện Kiểm sát”, ông Hiện nói.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng liên quan đến việc ra tuyên bố của Tòa án, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, nhiều vụ án, khi tuyên án, Tòa án “nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, nhưng chủ yếu là án hình sự, hành chính, kinh tế; còn đối với tranh chấp dân sự thì Tòa án chỉ ra quyết định công nhận hoặc không công nhận quyết định, sự thỏa thuận, giải quyết tranh chấp của đương sự chứ không nhân danh ai cả.

“Sau này, nếu chúng ta quy định, tất cả mọi tuyên bố của Tòa án đều “nhân danh nước Cộng hòa hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì sẽ xem xét lại quyền của Viện Kiểm sát trong thủ tục phá sản doanh nghiệp. Còn hiện tại thì “việc dân sự cốt ở hai bên”, không nhất thiết trao quyền kháng nghị cho Viện Kiểm sát”, ông Nguyễn Sơn phát biểu và nói thêm: “Mặc dù là Viện Kiểm sát chỉ kiến nghị, nhưng Tòa án các cấp sẽ nghiên cứu, xem xét nghiêm túc các kiến nghị liên quan đến phá sản doanh nghiệp”.

Phải xoay ngược quy trình phá sản
Tại phiên thảo luận về Luật Phá sản sửa đổi sáng nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Phá  sản bị “chết yểu” là do… ban...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư