Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Viễn thông bão hòa, dịch vụ số lên ngôi
Hữu Tuấn - 06/07/2023 08:05
 
Dịch vụ số đang là trụ đỡ giúp nhà mạng chống chọi với sự sụt giảm của mảng viễn thông truyền thống.

Bức tranh kinh doanh viễn thông 6 tháng đầu năm 2023

Số liệu mới nhất từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, giảm 8,66% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 39,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước đạt 45.405 tỷ đồng, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 43,66% so với kế hoạch năm 2023.

Sự sụt giảm của viễn thông truyền thống thể hiện qua doanh thu, cơ cấu doanh thu của các nhà mạng.

Tại Viettel, doanh nghiệp này đạt doanh thu 81.000 tỷ đồng, tăng 1,2% so với kế hoạch. Đáng chú ý là có sự đóng góp lớn của các thị trường viễn thông ở nước ngoài và mảng dịch vụ số.

Tập đoàn VNPT ước đạt doanh thu 26.323 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ đạt 18.600 tỷ đồng, chỉ bằng 47,1% kế hoạch năm, bằng 100,1% so với cùng kỳ.

Còn tại MobiFone, doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 13.482 tỷ đồng, bằng 89,3% cùng kỳ năm 2022.

Nhà mạng nhỏ hơn là Vietnamobile chỉ đạt doanh thu 772 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ và I-Telecom đạt doanh thu 275 tỷ đồng.

Doanh thu giảm hoặc đi ngang, nhưng các chỉ số khác như tăng trưởng số dùng cáp quang, tỷ lệ người dùng Internet, băng rộng cố định, băng rộng di động… khá lớn đã cho thấy, mảng dịch vụ truyền thống đang rất khó khăn. Điển hình như data, doanh thu mới chiếm 23,4% tổng doanh thu (trung bình thế giới đạt trên 43%), không đủ bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu thoại và SMS. Sự phát triển của các dịch vụ OTT, VoLTE đã dẫn đến mảng kinh doanh cốt lõi của các nhà mạng là viễn thông giảm mạnh.

Xu hướng tiêu dùng data bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ di động 4G/5G đang tạo áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc cân bằng giữa mục tiêu đầu tư phát triển vùng phủ sóng với gánh nặng đáp ứng nguồn vốn - tài chính cho các mục tiêu tăng trưởng (doanh thu, lợi nhuận hàng năm).

Ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh về data và dịch vụ số, trong khi doanh thu đối với các dịch vụ truyền thống (thoại và SMS) giảm dần và thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá gần như không kiểm soát được giữa các doanh nghiệp.

Trong khi đó, thị trường dịch vụ công nghệ thông tin cũng cạnh tranh khốc liệt, với sự tham gia đa dạng của các loại hình doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực mạnh về công nghệ, tài chính và các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động linh hoạt, cơ động.

Miền đất mới, không gian mới cho nhà mạng

Từ vài năm nay, các nhà mạng đã tích cực chuyển đổi, tìm kiếm không gian phát triển mới. Viettel, VNPT, MobiFone đã đồng loạt thay đổi chiến lược, từ nhà khai thác viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số, chuyển trọng tâm vào chuyển đổi số và công nghiệp công nghệ cao.

Tại VNPT, doanh thu từ mảng dịch vụ số như nhóm dịch vụ hạ tầng số, giáo dục số, quản trị doanh nghiệp, dịch vụ truyền hình trả tiền… đều có tốc độ tăng trưởng hai con số. VNPT đang tham gia sâu rộng vào việc cung cấp dịch vụ chuyển đổi số quốc gia.

“Những bài toán lớn ở cấp quốc gia về giáo dục, y tế, nông nghiệp, đất đai là những vấn đề không những mang lại hiệu quả quốc gia, mà còn giúp doanh nghiệp công nghệ số nâng cao, tích tụ năng lực tự chủ, tự cường về công nghệ”, ông Huỳnh Quang Liêm chia sẻ.

Tại MobiFone, nhà mạng này sớm nhận ra xu thế dịch vụ truyền thống bão hòa và chủ trương định hướng các trụ cột kinh doanh chính, với tầm nhìn “trở thành nhà cung cấp dịch vụ số có hệ sinh thái số hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế” vào năm 2025. Sản phẩm dịch vụ của nhà mạng này trong thời tới bao gồm hạ tầng số, nền tảng số/giải pháp số và nội dung số.

“Với các hướng dịch chuyển này, các trụ mới gồm hạ tầng số, nền tảng số/giải pháp số và nội dung số sẽ giúp MobiFone tạo ra một hệ sinh thái số mạnh mẽ và toàn diện, với đầy đủ các dịch vụ dành cho cá nhân, tổ chức. Các dịch vụ này tạo nên một MobiFone mới và hoàn toàn khác biệt, không còn là một doanh nghiệp viễn thông truyền thống như trước đây. Đó sẽ là một cuộc thay đổi ngoạn mục, đánh dấu sự hiện diện mới của MobiFone với vai trò dẫn dắt, trở thành nhà cung cấp dịch vụ số có hệ sinh thái số hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế”, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone cho hay.

Ở góc độ khác, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, thị trường viễn thông Việt Nam, cũng giống thị trường thế giới, đang trong quá trình bão hòa. Tuy nhiên, thị trường cáp quang đến hộ gia đình đang phát triển tốt (tỷ lệ cáp quang đến hộ gia đình là 75% và không nhiều nước trên thế giới làm được) tác động đến rất nhiều mô hình phát triển. Đi kèm với phát triển của cáp quang là sự phát triển của wifi và hệ sinh thái wifi. Khi ngày càng nhiều người kết nối qua wifi, đòi hỏi băng thông ngày càng lớn hơn.

“Đây là những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong chiến lược phát triển hạ tầng số, cũng như hệ sinh thái dịch vụ cho khách hàng”, ông Tuấn khuyến nghị.

Có thể thấy, “chiến trường” mới của các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone là dịch vụ số. Ở đó, họ không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn phải giành giật với những đối thủ mới đến từ các công ty công nghệ lớn ở trong nước và quốc tế. Dù khốc liệt, nhưng theo dự báo của Ernst & Young, lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam rất hấp dẫn, ước đạt 11,8 tỷ USD năm 2025 và có thể đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2030.

Ernst & Young nhận định, đến năm 2025, các dịch vụ số chiếm tỷ trọng lớn sẽ là thanh toán di động, thương mại điện tử, Internet vạn vật (IoT), quảng cáo số, nội dung số, giao dịch trên ứng dụng, truyền thông số, giáo dục số, game trực tuyến, nhạc số và y tế số...

Viễn thông bão hòa, doanh nghiệp trông mong dịch vụ số
Thị trường viễn thông năm 2022 tăng trưởng chậm, các doanh nghiệp tìm kiếm dư địa phát triển mới từ dịch vụ công nghệ số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư