Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Việt Nam có “làm nên chuyện” ở cuộc thi tay nghề thế giới?
Nhã Nam - 15/10/2017 19:31
 
13 thí sinh Việt Nam đã bắt đầu tranh tài ở Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44, tổ chức tại Abu Dhabi (UAE). Sau lần đầu tiên giành huy chương ở cuộc thi lần thứ 43 - năm 2015, liệu lần này Việt Nam có “làm nên chuyện”?

Kỳ vọng

Kết quả cuối cùng phải tới ngày 20/10 mới chính thức được công bố, song “nhật ký” cuộc thi được cập nhật hàng ngày trên website của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Điều đó đủ cho thấy, Việt Nam rất mong ngóng việc đạt thành tích cao tại cuộc thi này.

“Đến với Kỳ thi Tay nghề thế giới năm nay, đoàn Việt Nam đặt quyết tâm tiếp tục giành huy chương”, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết.

Thí sinh Việt Nam được đào tạo tại Trung tâm Kỹ năng Samsung 2.
Thí sinh Việt Nam được đào tạo tại Trung tâm Kỹ năng Samsung.

Bắt đầu tham gia các Kỳ thi Tay nghề thế giới từ năm 2007, trải qua 5 kỳ thi, cho tới tận Kỳ thi lần thứ 43 (năm 2015, tổ chức tại Brazil), Việt Nam mới lần đầu tiên có huy chương, với tấm Huy chương Đồng của Nguyễn Duy Thanh trong nghề thi Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin. Bởi thế, kỳ vọng lớn đang được đặt ra trong kỳ thi năm nay.

Tuy nhiên, câu chuyện sẽ là không dễ dàng. Bởi thông tin từ ông Cao Văn Sâm cho biết, Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44 là kỳ thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 51 nghề được tổ chức thi, gồm 49 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn. Số lượng thí sinh tham gia lên tới 1.258 người, đến từ 58 quốc gia. Điểm mới tại kỳ thi năm nay, đó là đề thi có mức độ khó, phức tạp hơn nhiều.

Thêm vào đó, Kỳ thi Tay nghề thế giới là nơi hội tụ những tài năng trẻ trên toàn thế giới để trình diễn và tranh tài về kỹ năng nghề đỉnh cao, với những công nghệ tối tân, trên máy móc và thiết bị hiện đại. Trong khi ấy, người lao động Việt Nam dù cần cù, chịu khó, nhưng lại thiếu kỹ năng, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao. Việc các thí sinh Việt Nam đã thất bại tới 4 lần trong các kỳ thi trước đây đã cho thấy điều đó.

Năm 2015, với sự hỗ trợ của Công ty Samsung Electronics Việt Nam, Việt Nam đã lần đầu tiên có huy chương tại kỳ thi lần thứ 43. Lần này, kỳ vọng lớn hơn, bởi theo ông Cao Văn Sâm, công tác xã hội hóa trong việc huấn luyện thí sinh và tổ chức tham dự Kỳ thi đã được đẩy mạnh hơn.

Ngoài các nghề thi nhận được sự hỗ trợ đào tạo của các doanh nghiệp trong nước, năm nay, có tới 4 nghề thi được các doanh nghiệp nước ngoài tài trợ toàn bộ. Trong đó, nghề Phay CNC và Điều khiển công nghiệp do Công ty TNHH Denso Việt Nam (Nhật Bản) tài trợ; còn nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và Kỹ thuật cơ khí CAD do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) tài trợ. Hàn Quốc và Nhật Bản chính là hai cái nôi đào tạo ra những người lao động có tay nghề cao, thường xuyên giành nhiều giải thưởng cao tại các kỳ thi tay nghề thế giới.

Tạo nền tảng để nâng cao tay nghề

Theo biên bản ghi nhớ được ký kết với Tổng cục Dạy nghề, Samsung đã tài trợ cho hai thí sinh Việt Nam là Trần Nguyễn Bá Phước (Đại học Công nghiệp TP.HCM) - nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin và Nguyễn Văn Tuấn (Đại học Công nghiệp Hà Nội) - nghề Thiết kế kỹ thuật Cơ khí CAD, sang huấn luyện tại Trung tâm Đào tạo kỹ năng Olympic Samsung (Suwon, Hàn Quốc), bắt đầu từ tháng 7/2016.

Sau 14 tháng được đào tạo riêng và miệt mài luyện tập từ sáng sớm tới tối khuya, cũng như được cọ sát với thí sinh Hàn Quốc, trình độ, kỹ năng của hai thí sinh Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều.

“Chúng tôi tin vào tay nghề khéo léo, trí tuệ thông minh và sự chăm chỉ của các thí sinh Việt Nam và sẽ nỗ lực tiếp sức để tạo ra những đột phá mới cho đoàn Việt Nam trên đấu trường quốc tế”, ông Jang Dong Seob, Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng Samsung đã nói như vậy.

Trong khi đó, ông Shim Won Hwan, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, ông hy vọng các thí sinh Việt Nam sẽ giành thành tích cao trong kỳ thi lần này. “Mục tiêu của chúng tôi là chuyển giao bí quyết huấn luyện kỹ năng tay nghề đã được đúc kết trong mấy chục năm qua của Samsung cho thí sinh Việt Nam, nhằm giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, mặt khác là để nuôi dưỡng đội ngũ nhân lực công nghệ ưu tú ở Việt Nam”, ông Shim Won Hwan nói.

Ngoài hỗ trợ thí sinh, Samsung còn hỗ trợ cho chuyên gia, phiên dịch viên của hai nghề nói trên tham gia khóa huấn luyện tại Hàn Quốc 2 tháng trước khi Kỳ thi diễn ra. Toàn bộ chi phí đi lại và ăn ở cho các thí sinh và chuyên gia trong suốt thời gian diễn ra Kỳ thi tại Abu Dhabi cũng do Samsung tài trợ.

Không chỉ Samsung, Denso - với kinh nghiệm của mình, với đội ngũ chuyên gia giỏi cũng đã hỗ trợ hết mình cho các thí sinh Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng rằng, hai em thí sinh dự Kỳ thi sẽ giành kết quả tốt”, ông Masahiko Aoyama, Giám đốc Điều hành Denso Việt Nam nói.

Cuộc thi đã bắt đầu, và liệu Việt Nam có tiếp tục “làm nên chuyện” ở Kỳ thi Tay nghề thế giới lần thứ 44. Kỳ thi, theo ông Cao Văn Sâm, sẽ giúp Việt Nam cập nhật công nghệ tiên tiến của thế giới, tạo nền tảng để nâng cao tay nghề cho người lao động. Đồng thời, cũng sẽ khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kỹ năng - công nghệ toàn cầu.

Trong khi đó, với bản thân các thí sinh, đó sẽ là những cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Cả hai thí sinh Việt Nam được Samsung hỗ trợ trong kỳ thi lần trước, sau khi tốt nghiệp đại học, đều đã trở thành nhân viên của Samsung. Một làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SVMC) và một ở bộ phận R&D - Nhà máy Samsung Điện tử Bắc Ninh (SEV).

Samsung đưa thí sinh Việt đi thi tay nghề thế giới
Sự hợp tác giữa ba bên Samsung Electronics Việt Nam, Trung tâm Đào tạo kỹ năng Samsung và Tổng cục Dạy nghề được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư