Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để hướng tới nền kinh tế số
Kỳ Thành - 17/08/2019 17:15
 
Dân số trẻ cùng xu hướng tiêu dùng mới, hạ tầng viễn thông phát triển cùng sự quyết tâm của Chính phủ và những yếu tố mà các chuyên gia nhìn nhận rằng, Việt Nam chuyển mình sang một nền kinh tế số và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong 20 năm tới.

Trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế trẻ Châu Á 2019 do Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức đã diễn ra phiên thảo luận “Việt Nam và nền kinh tế số”.

Cuộc thảo luận bàn tròn tập trung vào các vấn đề như xu hướng chuyển đổi số trong phạm vi toàn cầu, tương lai nền kinh tế số của Việt Nam, ảnh hưởng của xu hướng chuyển đổi số đến sự phát triển của các ngành/lĩnh vực ở Việt Nam và những hàm ý cho chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Giáo sư Andrew Sheng, Thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Fung (FGI) tại Hong Kong cho rằng, Việt Nam là một quốc gia năng động, lực lượng lao động dồi dào và chất lượng đang tăng mạnh. Vì vậy, Việt Nam là quốc gia có lợi thế hàng đầu tại châu Á khi tham gia vào nền kinh tế số.

Những năm gần đây, lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam rất phát triển, nhiều ứng dụng tiện ích ra đời, tích hợp vào đó là sự gia tăng về nhiều loại dịch vụ khiến kinh tế số dần dần có chỗ đứng trong nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Andrew Sheng, Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức như nạn tấn công mạng còn nhiều, việc kết nối liên thông giữa hệ thống quản lý còn hạn chế và hệ thống cơ sở dữ liệu chưa thực sự bền vững… Việt Nam cần học tập các bài học của các nước có quy mô và trình độ phát triển tương tự để có chiến lược phát triển phù hợp.

Thảo luận
Thảo luận "Việt Nam và nền kinh tế số" tại Hội nghị Kinh tế trẻ châu Á 2019

Trong khi đó, từ hóc nhìn trong nước, PGS-TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách đánh giá, các quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc đã phát triển ở quy mô lớn, trong khi nền kinh tế Việt Nam đang ở quy mô nhỏ, do đó nên học hỏi từ các nước có quy mô tương tự, đặc biệt là các nước ở châu Á.

Ông Thành cũng cho rằng, nền kinh tế số Việt Nam thời gian qua tuy phát triển mang tính tự phát nhưng vẫn phát triển khá nhanh. Nguyên nhân là do có nền tảng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tốt, phủ sóng khắp nơi với mật độ người sử dụng cao, người dân Việt Nam ưa thích sử dụng công nghệ…

“Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội, dân số trẻ Việt Nam sẽ được tiếp cận với nhiều thông tin hơn và do đó, là động lực để Chính phủ đưa ra những biện pháp quản trị tốt hơn. Ứng dụng công nghệ số vào quản trị sẽ là xu hướng tất yếu để hỗ trợ Chính phủ trong việc quản lý và đáp ứng với thế hệ công dân mới. Thế hệ trẻ với những nhóm nhu cầu tiêu dùng thiên về các sản phẩm công nghệ, thiết bị di động sẽ là nhóm khách hàng lớn cho thời kỳ công nghệ số, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nhận định.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ DTT, Thành viên Tổ công tác Chính phủ điện tử của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, 20 năm tới hứa hẹn cơ hội để Việt Nam chuyển mình sang một nền kinh tế số và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Sự thành công và tốc độ của việc chuyển đổi này phụ thuộc phần lớn vào năng lực của lực lượng lao động Việt Nam hiện nay và lực lượng này đang bị già hóa nhanh chóng. Do đó, các chính sách, thể chế và chính sách cần đào tạo nên lực lượng lao động có kỹ năng, là yếu tố then chốt cho việc chuyển đổi và thành công của thời đại số.

Trao đổi với phóng viên về kết quả từ phiên thảo luận, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết, các học giả, chuyên gia thống nhất rằng, Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi nhất định để hướng tới nền kinh tế số.

Thứ nhất là Việt Nam trong thời gian gần đây đã xuất khẩu liên quan đến sản phẩm số, công nghệ, phần mềm. Thứ hai là Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao, cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước nói chung. Nhưng quan trọng hơn, đó là trong nền kinh tế số dựa vào định hướng của người tiêu dùng thì với lợi thế dân số trẻ, cách thức tiêu dùng, cách tiếp cận với công nghệ mới sẽ tốt hơn, giúp Việt Nam trở thành môi trường có những mô hình kinh doanh mới. Thứ ba là Chính phủ hiện đã có nhiều chính sách, quyết tâm lớn trong tận dụng cơ hội của CMCN 4.0 để phát triển kinh tế đất nước, hướng tới nền kinh tế số.

Tuy nhiên, bên cạnh đó là các thách thức như nguồn nhân lực chưa thực sự sẵn sàng trong nền kinh tế số; cơ sở hạ tầng bao gồm CNTT, chính sách luật pháp cần tiếp tục cải thiện; và sự cạnh tranh, đi trước của các nước phát triển.

“Do đó, việc tận dụng cơ hội trong nền kinh tế số cần rất nhiều sự sáng tạo của bản thân doanh nghiệp và sự hỗ trợ chính sách, hạ tầng tốt từ Chính phủ”, bà Thu nói.

Trao đổi sâu về thách thức do nguồn nhân lực, PGS-TS. Nguyễn Anh Thu cho rằng vấn đề này có vai trò, trách nhiệm lớn của hệ thống giáo dục.

“Thế giới đang thay đổi nhanh, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế xã hội. Do đó, đào tạo phải thay đổi để đáp ứng sự thay đổi của thế giới. Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng đang có những thay đổi để thích ứng trong bối cảnh hiện nay”, bà Thu cho hay.

Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - ĐHQGHN dẫn chứng, nhà trường đã có Đề án đổi mới trong đào tạo đại học, trong đó thiết kế những chương trình phù hợp với sự phát triển mới, đồng thời thay đổi cả cách tiếp cận đào tạo theo cách tiếp cận liên ngành và cá thể hóa, thay vì theo lối truyền thống.

Liên ngành không có nghĩa là không chuyên môn hóa, mà là cách tiếp cận liên ngành trong đào tạo. Ví dụ khi đào tạo một nhà kinh tế, chúng ta phải đào tạo trên góc nhìn liên ngành, bao gồm cả môi trường, xã hội...

Trong khi đó, cá thể hóa là ngoài đào tạo nền tảng chung sẽ phải đào tạo sâu theo hướng cá thể hóa. Nhà trường sẽ cho các sinh viên tham gia vào các dự án của doanh nghiệp, trong quá trình tìm cách giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức đã học, sinh viên sẽ tự hoàn thiện bản thân.

Bên cạnh đó, Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cũng áp dụng kết hợp đào tạo truyền thống với online (còn gọi là Blended learning). Trong đó, các bạn sinh viên sẽ chủ động trong thời gian học tập, tìm kiếm các môn học, tín chỉ phù hợp với nghề nghiệp đang hướng đến dựa trên khung chương trình nhà trường đã xây dựng.

Các nhà lãnh đạo G20 khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số
Ngày 28/6, các nhà lãnh đạo G20 đã có cuộc họp đặc biệt đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư