Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa bán nợ chưa?
Thùy Liên - 19/08/2013 06:51
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Robert Young, Giám đốc Dịch vụ tư vấn các tổ chức tài chính của Deloitte cho rằng, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, Việt Nam cần cải thiện hành lang pháp lý nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN).

Theo ông, với sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Việt Nam sẽ mất bao lâu để xử lý nợ xấu?

Ông Robert Young, Giám đốc Dịch vụ tư vấn
các tổ chức tài chính của Deloitte

Việc xử lý nợ xấu nhanh hay chậm phụ thuộc vào 3 yếu tố: các chỉ số kinh tế vĩ mô có tốt lên hay không, thị trường bất động sản có phục hồi nhanh không, Việt Nam có nỗ lực thay đổi hệ thống pháp lý để giúp VAMC và các ngân hàng xử lý nhanh nợ xấu hay không.

Vậy theo kinh nghiệm của ông, sau khi mua lại các khoản nợ xấu, VAMC nên xử lý các khoản nợ xấu này thế nào cho hiệu quả?

Theo tôi, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải nghiên cứu kỹ từng khoản nợ, kế hoạch kinh doanh, khả năng phục hồi của con nợ cũng như khả năng thu hồi vốn của từng ngân hàng.

Từ việc phân tích kỹ càng đó, VAMC sẽ có chiến lược đối với toàn bộ danh mục khoản nợ xấu mà VAMC sẽ mua về.

Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng để xử lý nợ xấu là chất lượng nguồn nhân lực của VAMC. Để có thể xử lý nợ xấu thành công, VAMC phải có đội ngũ nhân lực đủ khả năng và có được sự huấn luyện cần thiết.

Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, một trong những yếu tố để xử lý nợ xấu thành công là phải tạo lập được thị trường mua bán nợ xấu quốc tế. Vậy Việt Nam cần làm gì để tạo lập được thị trường này?

Theo tôi, yếu tố cơ bản đầu tiên mà các nhà ĐTNN quan tâm đến mua nợ xấu là Việt Nam có hành lang pháp lý phù hợp không.

Cụ thể là những đạo luật, những quy định liên quan đến tái cơ cấu, phá sản doanh nghiệp, cưỡng chế thu hồi tài sản cần rõ ràng để các nhà ĐTNN yên tâm rằng, khi đầu tư vốn vào thì có thể thu hồi được vốn và có lợi nhuận.

Yếu tố thứ hai là quy mô thị trường mua bán nợ phải đủ lớn. Quy mô của thị trường không chỉ thể hiện ở số lượng nợ xấu chúng ta ước lượng, mà còn ở quyết tâm của VAMC và các ngân hàng thương mại trong việc bán nợ xấu cho các nhà đầu tư.

Vậy theo ông, hiện tại, các nhà ĐTNN có thực sự quan tâm và sẵn sàng mua nợ xấu tại Việt Nam? Các nhà ĐTNN đã sẵn sàng. Vấn đề là, Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa bán nợ cho các nhà đầu tư hay chưa?

Tôi đã trao đổi với nhiều quỹ đầu tư và họ tỏ ra rất quan tâm.

Theo ông, đâu là những công việc Việt Nam cần làm ngay để thu hút nhà ĐTNN?

Hệ thống pháp lý của Việt Nam phải thay đổi theo hướng rõ ràng, chặt chẽ, minh bạch và ổn định.

Có vậy, nhà ĐTNN mới có thể tham gia quá trình mua bán nợ xấu tại Việt Nam.

Hiện nay, số liệu nợ xấu của Việt Nam chưa rõ ràng. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp cũng chưa theo chuẩn quốc tế. Đây có phải là rào cản đối với việc mua - bán nợ ở Việt Nam không, thưa ông?

Hệ thống kế toán và báo cáo tài chính của Việt Nam căn cứ chủ yếu vào giá trị sổ sách, chứ không phải là giá trị thị trường, do đó việc đánh giá, lập dự phòng các khoản vay và tài sản thế chấp còn chưa theo quy chuẩn báo cáo tài chính quốc tế.

Do đó, sẽ có sự khác nhau trong định giá khoản nợ xấu giữa bên mua và bên bán. Đó là thách thức lớn nhất đối với giao dịch mua - bán nợ.

Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới cũng đối mặt với vấn đề này khi xử lý nợ xấu và họ đã xử lý thành công, nên Việt Nam không phải quá lo lắng về vấn đề này.

Vì sao VAMC chậm mua nợ?
Sau vài tuần nữa, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới có thể bắt tay vào mua nợ vì hiện tại, các văn bản quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư