Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam đã trưởng thành hơn trong hội nhập quốc tế
T.T - 02/05/2021 09:00
 
Việt Nam đang có cái nhìn rất khác từ cộng đồng quốc tế khi tham gia các tổ chức quốc tế lớn, cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao uy tín của Việt Nam khi tham gia các tổ chức quốc tế lớn, cũng như đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Đ.T

Việc Việt Nam lần thứ hai là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, cùng với việc kiểm soát tốt Covid-19 và tăng trưởng kinh tế khá tích cực đã đem lại cho Việt Nam cái nhìn rất khác từ cộng đồng quốc tế.

Ông Kari Kahiluoto làm Đại sứ Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam được gần 4 năm. Ông có nhiều cơ hội quý báu để quan sát sự phát triển vững chắc của Việt Nam với những thành công và thách thức.

“Tôi rất thích sống ở Việt Nam và nhìn thấy hoài bão phát triển của đất nước và nghiên cứu cách Việt Nam giải quyết con đường phát triển của mình trong nội bộ và với các bên liên quan quốc tế. Vị thế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng tăng trong khu vực và trên thế giới. Thật vinh dự và đồng thời cũng là trách nhiệm to lớn đối với Việt Nam khi được là thành viên HĐBA Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020 - 2021 và giữ chức Chủ tịch của hội đồng này vào tháng 4/2021”, Đại sứ Kari Kahiluoto chia sẻ.

Uy tín được nâng cao

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jaya Ratnam, Đại sứ Singapore tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã tham gia HĐBA “một cách đặc biệt” kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thành viên không thường trực vào tháng 1/2020.

“Trong lần đầu tiên Việt Nam làm Chủ tịch HĐBA vào tháng 1/2020, Việt Nam đã tận dụng trách nhiệm của mình với tư cách là Chủ tịch HĐBA và Chủ tịch ASEAN để thúc đẩy hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc lớn hơn”, ông Ratnam nói.

Điều này được các nước thành viên ASEAN đánh giá cao vì đã nâng cao hình ảnh và nhận thức về ASEAN trong cộng đồng quốc tế và góp phần tăng cường hợp tác đa phương. Sáng kiến của Việt Nam về việc tổ chức một cuộc tranh luận mở về việc duy trì Hiến chương Liên hợp quốc cũng rất kịp thời, trước những thách thức ngày càng gay gắt và phức tạp mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt. Sự kiện này đã góp phần tăng cường ủng hộ luật pháp quốc tế và thúc đẩy tôn trọng pháp quyền.

“Việt Nam đã đóng một vai trò tích cực và mang tính xây dựng ở cả khu vực và toàn cầu để thúc đẩy các chương trình nghị sự quan trọng liên quan đến phát triển quốc tế, hợp tác đa phương, hòa bình và an ninh. Singapore tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục có những đóng góp có ý nghĩa cho cộng đồng quốc tế”, Đại sứ Ratnam nhấn mạnh.

Rõ ràng, việc đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của HĐBA là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng toàn cầu, đồng thời là cơ hội tốt để Việt Nam chia sẻ thành tựu phát triển với thế giới.

Theo Bộ Ngoại giao, việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ HĐBA, trong đó có 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA, sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc và với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tạo đà cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới.

Động lực lớn

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020 (thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới) và 4,48% trong quý I/2021, Việt Nam đã tự tin hơn khi đề ra các sáng kiến tại HĐBA và nhận được sự tán thưởng từ các tổ chức quốc tế lớn.

Công tác trong ngành ngoại giao nhiều chục năm, ông Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao cho rằng, thành công của Việt Nam tại HĐBA từ năm 2020 đến nay đã gắn trực tiếp với thành công của đất nước trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

“Điều này đã khiến cộng đồng quốc tế và các thành viên khác của HĐBA tin tưởng hơn vào Việt Nam. Một trong những nguyên tắc trong đối ngoại là, một nước muốn làm đối ngoại tốt, thì nước đó phải có thực lực quốc gia. Thực lực này bao gồm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó, yếu tố cơ bản nhất là phát triển kinh tế”, ông Quảng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Kể từ khi đổi mới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là khá tốt, nhưng tăng trưởng năm 2020 có ý nghĩa to lớn hơn nữa, vì kết quả đạt được trong bối cảnh gần như tất cả các nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm.

“Chính tăng trưởng kinh tế đã tạo nên thực lực, dù chỉ là 2,91%, nhưng nó đã tạo ra một vị thế rất lớn cho đối ngoại Việt Nam, không chỉ ở HĐBA, mà còn là trong cộng đồng quốc tế nói chung”, ông Quảng nhấn mạnh.

Một trong những minh chứng thể hiện uy tín quốc tế cao của Việt Nam và cũng là động lực lớn để Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cộng đồng quốc tế chính là việc sáng 7/12/2020, tại phiên họp toàn thể, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Với sáng kiến này, Việt Nam đã “ghi thêm điểm” trong mắt cộng đồng quốc tế, bởi Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh, theo ông Quảng, rất hợp thời và các nước thành viên đều rất mong chờ.

“Muốn đưa ra một sáng kiến ở bất kỳ một tổ chức quốc tế nào đó thì sáng kiến đó phải rất có ý nghĩa và phải xem trong tổ chức đó đã có những sáng kiến gì rồi. Việt Nam thấy rằng, cho đến thời điểm Việt Nam đảm đương chức vụ đó, thế giới chưa có ngày phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, 2020 là năm Covid-19 bùng phát. Vậy là ta đã chọn đúng sự kiện và chọn đúng thời điểm. Ngoài ra, Việt Nam đã thành công trong phòng chống dịch bệnh, nghĩa là ta ‘nói được và làm được’, nâng thêm ý nghĩa của việc chúng ta đưa ra sáng kiến này”, ông Quảng phân tích.

Đặt nhiều kỳ vọng

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với vai trò ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế và trong các tổ chức lớn như HĐBA, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương đương và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng đã đánh giá cao uy tín của Việt Nam khi tham gia các diễn đàn và tổ chức lớn như HĐBA Liên hợp quốc, ca ngợi tiềm năng và triển vọng tăng trưởng lớn của nền kinh tế trong năm nay. Đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021, HSBC đưa ra con số 7%, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo ở mức 6,5%… Điều này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều đầu tư hơn.

Tính đến ngày 20/3/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng vốn giải ngân trong 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

IMF cho biết, triển vọng kinh tế của Việt Nam sẽ “sáng sủa hơn trong năm 2021 nhờ các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của Chính phủ và việc kiểm soát tốt Covid-19 đã giúp củng cố niềm tin của các doanh nghiệp và nhà đầu tư”.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt mức 6,5%, nhờ hoạt động kinh tế tiếp tục bình thường hóa, các doanh nghiệp phục hồi, tiêu dùng tư nhân và đầu tư kinh doanh phục hồi”, IMF đánh giá.

Vài tuần trước, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Fitch Ratings nhận định: “Kỳ vọng hoạt động kinh tế của Việt Nam mạnh mẽ hơn trong năm 2021, với dự báo tăng trưởng GDP thực tế là 8,6%”.

Đặc biệt, lợi ích thương mại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ ngày càng nâng cao uy tín của Việt Nam, tạo thêm động lực cho lĩnh vực sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Bộ Ngoại giao, với thực lực, kinh nghiệm và mạng lưới đối tác lớn của mình, Việt Nam đang là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn chủ động và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào công việc chung của khu vực và quốc tế.

“Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhất vai trò là ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021”, Bộ Ngoại giao cho biết.

Với Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Kari Kahiluoto, từ kinh nghiệm của Phần Lan, cách tốt để thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng là tạo ra hạnh phúc và xây dựng đời sống chính trị - xã hội lành mạnh cho công dân ở mọi quốc gia và trên thế giới.

“Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ vai trò Chủ tịch nếu tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các giá trị phổ quát trong quá trình phát triển đất nước và sẽ trở thành tấm gương cho cộng đồng thế giới. Chúng tôi muốn cùng Việt Nam tiếp bước thành công trong nhiệm vụ của mình tại HĐBA và đặc biệt là thành công trong sự phát triển hơn nữa của đất nước”, Đại sứ Kari Kahiluoto nói.

 

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), với vai trò ngày càng tăng trong cộng đồng quốc tế và trong các tổ chức lớn như HĐBA, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương đương và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.

 

Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng đánh giá tổng thể, có thể nói chúng ta đã sẵn sàng đảm nhiệm vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư