Thứ Bảy, Ngày 03 tháng 05 năm 2025,
Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp châu Âu
Bích Ngọc - 03/05/2025 09:28
 
Trong 5 năm qua, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã đóng vai trò then chốt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ông Alain Cany, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Jardine Matheson (Việt Nam), nguyên Chủ tịch EuroCham Việt Nam chia sẻ về hành trình đầy thách thức này.
Ông Alain Cany, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Jardine Matheson (Việt Nam).

Thưa ông, EVFTA đã có tác động thế nào đến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU?

EVFTA đã góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU, biến EU trở thành một trong những nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 51,7 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm trước đó. EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2025, EU vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ, với kim ngạch đạt 8,8 tỷ USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

EVFTA giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số ít đối tác truyền thống, đồng thời thúc đẩy tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và nâng cao giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước.

Một điểm tích cực là thương mại với EU không bị ảnh hưởng bởi các căng thẳng thương mại toàn cầu, do EU không có thay đổi lớn nào về chính sách.

Tuy nhiên, về đầu tư, dòng vốn từ EU vào Việt Nam còn khiêm tốn. Với tư cách là một nhà đầu tư đại diện cho cộng đồng châu Âu nhiều năm, tôi chưa thực sự hài lòng với mức đầu tư hiện tại. Hai bên cần nỗ lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy luồng vốn đầu tư của châu Âu vào Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, cảm nhận của các nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Việt Nam đang bước vào một giai đoạn đầy hứa hẹn, điều mà người Pháp gọi là “sự hội tụ hoàn hảo của các yếu tố chính trị và kinh tế”.

Sự quan tâm đến Việt Nam của doanh nghiệp châu Âu đã gia tăng rõ rệt. Khi trao đổi với giám đốc khu vực của các tập đoàn châu Âu tại Singapore hay châu Âu, tôi nhận thấy, họ quan tâm tới Việt Nam nhiều hơn so với cách đây 5 năm. Có một niềm tin thực sự rằng, Việt Nam đang đi đúng hướng trong phát triển kinh tế.

Tôi nhận thấy, vốn FDI vào Việt Nam đến nay vẫn chủ yếu đến từ châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây là điều dễ hiểu vì các nhà đầu tư thường đẩy mạnh đầu tư trong khu vực trước khi tiến ra các vùng khác.

Tại Nhật Bản, đất đai hạn chế, dân số già hóa và chi phí vận hành cao khiến việc mở rộng đầu tư trong nước gặp khó khăn, nên việc các nhà đầu tư Nhật Bản tìm cách đầu tư sang các nước khác là tất yếu. Singapore và Trung Quốc cũng đang đối mặt với những giới hạn tương tự. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn, thậm chí còn hơn cả Philippines vào thời điểm hiện tại.

Với các nhà đầu tư châu Âu và Mỹ, sự ổn định và tính tương đồng của môi trường pháp lý so với nước sở tại là yếu tố then chốt. Họ cần một hệ thống pháp luật có thể dự đoán được, không xa lạ và minh bạch.

Theo ông, làm thế nào để nâng cao hiệu quả của EVFTA trong bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới nhiều biến động hiện nay?

Để nâng cao hiệu quả của EVFTA, điều quan trọng là phải thực hiện đầy đủ các cam kết, đặc biệt là các chương về tự do hóa đầu tư.

Việt Nam cần công nhận EU là thị trường tiêu dùng lớn và năng động nhất thế giới, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội mà hiệp định này mang lại, duy trì sức hút FDI thông qua việc xóa bỏ các rào cản pháp lý, cải thiện tiếp cận thị trường và ưu tiên tự do hóa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển, việc bảo vệ và củng cố các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA là quan trọng hơn bao giờ hết.

Doanh nghiệp EU đang gặp khó khăn gì khi hoạt động tại Việt Nam, thưa ông?

Một số rào cản lớn vẫn tồn tại. Đầu tiên là thủ tục hành chính và rào cản pháp lý. Việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài còn phức tạp, quy định khắt khe về kinh doanh mỹ phẩm, như yêu cầu giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) vẫn áp dụng với hàng EU, trong khi hàng nhập từ các nước CPTPP và ASEAN  được miễn.

Một vấn đề nữa là cần phải đảm bảo các doanh nghiệp EU được đối xử công bằng, không bị phân biệt so với các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh đó, nguy cơ tăng thuế từ Hoa Kỳ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam cũng là một mối lo. Một số quốc gia ASEAN đang được hưởng ưu đãi hơn, nên có thể khiến các nhà đầu tư cân nhắc lại quyết định và ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tình hình hiện tại của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam (EVIPA) đang ở bước nào và nó có vai trò ra sao trong quan hệ đầu tư giữa hai bên?

EVIPA đã được các cơ quan EU phê chuẩn, song vẫn còn 9 quốc gia thành viên EU chưa hoàn tất thủ tục. Nguyên nhân phần lớn đến từ yếu tố chính trị nội bộ, chứ không phải quan hệ với Việt Nam.

EVIPA là hiệp định rất quan trọng. Nó sẽ giúp cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia cho nhà đầu tư EU và cung cấp cơ chế bảo hộ mạnh mẽ, bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.

Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên còn lại nhanh chóng hoàn tất phê chuẩn EVIPA.

EVFTA nâng bước hàng Việt sang thị trường EU
Sau 5 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã mang lại nhiều kết quả tích cực, với xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư