Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 12 tháng 10 năm 2024,
Việt Nam đứng top 5 ASEAN về chỉ số hiệu quả logistics
Hải Yến - 09/09/2024 15:41
 
Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn trong khu vực, Việt Nam đứng top 5 ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines.
Các chuyên gia tại tọa đàm: “Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”.
Các chuyên gia tại Tọa đàm “Thích ứng logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”.

Việt Nam đứng top 5 ASEAN về chỉ số hiệu quả logistics

Chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, còn trong khu vực, Việt Nam đứng top 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines.

Bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ thông tin này tại Tọa đàm "Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, sáng 9/9.

Logistics đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam, cùng đó là tiềm năng tăng trưởng còn lớn.

Báo cáo năm 2023 của Agility, Việt Nam nằm trong top10 thị trường logistics mới nổi và đứng thứ 4 về Chỉ số cơ hội logistics quốc tế.

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics Việt Nam cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15%, quy mô thị trường từ 40 đến 42 tỷ USD/năm.

Thị trường logistics hiện có sự tham gia của 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, trong đó có những tên tuổi rất lớn của thế giới như DHL, CJ logistics và Maersk Lines…

Doanh nghiệp Việt Nam cũng có những doanh nghiệp, như Transimex, Sotran, Tân cảng Sài Gòn... Đây là những doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Nếu như năm 2010, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỷ USD, thì năm 2023 đã tăng lên 680 tỷ USD. Trong giai đoạn khó khăn do Covid-19, tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu vẫn đạt bình quân 11,3%/năm.

Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 có sự chững lại, tuy nhiên 8 tháng đầu năm 2024 đã phục hồi và đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 511 tỷ USD, tăng  16,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Nghiên cứu dự báo của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại của toàn cầu và dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt trên 680 tỷ USD và với mức tăng trưởng trung bình 7%/năm.

"Tăng trưởng xuất nhập khẩu, sản xuất và sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ là những động lực chính cho sự phát triển của dịch vụ logistics trong thời gian tới", bà Nhung nói.

Áp lực chuyển đổi xanh

Logistics đóng vai trò rất là quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu và Việt Nam, nhưng đây cũng là ngành có phát thải rất lớn và mức độ tiêu hao năng lượng cao. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts, hoạt động vận tải đã đóng góp đến 8% tổng lượng phát thải CO2 trên toàn thế giới. Nếu cộng thêm kho bãi thì con số này có thể lên đến 11%.

TS. Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường đại học Thương mại cho rằng: "Việt Nam mới chỉ tham gia được một phần trong chuỗi logistics toàn cầu, do đó, ngành này đang áp lực lớn về đẩy nhanh xanh hóa để có thể cạnh tranh với các công ty logistics nước ngoài".

Áp lực ở chỗ doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ những quy định mới của các Chính phủ và các tổ chức quốc tế đối với chuyển đổi xanh trong việc hạn chế rác thải và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm.

Chẳng hạn, Tổ chức Hàng hải thế giới (IMO) đang siết chặt những quy định về nhiên liệu hàng hải và những quy định này sẽ tác động đến toàn bộ ngành hàng hải thế giới và Việt Nam cũng không tránh khỏi các quy định đó.

Tại Việt Nam, hiện có gần 30 tập đoàn logistics lớn trên thế giới, hơn 34.000 các doanh nghiệp logistics nội địa. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam mới chỉ đóng vai trò là vệ tinh, cung cấp các dịch vụ logistics cho các công ty logistics nước ngoài khi thực hiện dịch vụ logistics quốc tế.

"Điều này sẽ áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là khi các tập đoàn lớn, các công ty logistics đóng vai trò là người điều hành chuỗi logistics trên toàn cầu chuyển đổi xanh mạnh mẽ và họ yêu cầu các doanh nghiệp logistics Việt Nam khi tham gia vào chuỗi logistics của họ phải cũng phải đáp ứng được yêu cầu để xanh hóa toàn bộ chuỗi logistics", bà Hương lý giải.

Là doanh nghiệp logistics trong ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á (DPL) cho biết, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp cắt giảm chi phí trong các khâu hoạt động, từ đó đầu tư lại cho các hạng mục nhằm xanh hóa.

Về nguyên vật liệu đóng gói, trước đây sử dụng những vật tư: xốp nổ, nilon không tái sử dụng được thì doanh nghiệp tính chuyện tái chế những thùng carton, những vật liệu đóng gói để có thể tái sử dụng, giúp cắt giảm chi phí; 

Để giảm khí CO2, doanh nghiệp làm việc với rất nhiều nhà thầu Trung Quốc để tìm kiếm dự án có thể đầu tư về mặt xe tải, xe tải lạnh để chạy đường dài, hỗ trợ cắt giảm những khí thải và giảm chi phí so với xe xăng, đồng thời tìm cách cắt tiết kiệm chi phí xử lý rác thải trong các kho hàng hóa...

Theo ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á: "Áp dụng logistics xanh phải bắt đầu từ câu chuyện cắt giảm chi phí, doanh nghiệp phải tự thay đổi mình để đáp ứng được những yêu cầu mới, xanh của khách hàng".

Bởi, logistics xanh giờ không còn là xu hướng, hay sự lựa chọn của doanh nghiệp mà sẽ là yêu cầu bắt buộc với doanh nghiệp

Nhưng, thực tế triển khai rộng rãi logistics xanh còn gặp nhiều thách thức, doanh nghiệp đối mặt với trở ngại liên quan đến các rào cản kỹ thuật và công nghệ, vấn đề về chi phí đầu tư, hạn chế trong nhận thức của chính doanh nghiệp, hạ tầng logistics chưa đồng bộ.

Kết quả khảo sát của Trường đại học Thương mại cho thấy, có khoảng 66% doanh nghiệp logistics Việt Nam đã bắt đầu có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, khi đi vào thực tế thì thấy rằng mới chỉ số ít. Đơn cử, với việc áp dụng tiêu chuẩn  ISO 14.000, hiện mới chỉ có hơn 33% doanh nghiệp có áp dụng tiêu chuẩn này, cho thấy từ chiến lược cho đến thực tế triển khai tại doanh nghiệp vẫn là một khoảng cách.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư