Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định
Mạnh Bôn - 21/10/2019 08:20
 
Hôm nay (21/10/2019), Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ 8. Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, năm 2019, Việt Nam đạt được nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều khía cạnh, trong đó đặc biệt là duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Thưa ông, năm 2019 được đánh giá là đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Vậy những chuyển biến tích cực, toàn diện thể hiện ở những điểm nào?

Đánh giá khái quát về tình hình KTXH năm 2019, có thể nói, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó dự báo, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát dưới 3%. Đây là thành tích rất quan trọng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thể hiện ở việc tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ còn chiếm 13,63% GDP, giảm 1,05 điểm phần trăm so với năm 2018; tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,29 điểm phần trăm, chiếm 34,52% GDP. Khu vực dịch vụ tăng mạnh nhất (tăng 0,29 điểm phần trăm), chiếm tỷ trọng 41,95% GDP. Trong đó, đáng lưu ý là một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao như công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông, logistics, hàng không, tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại điện tử... được tập trung phát triển.

Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động (5,9%). Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu cao nhất thế giới, xếp hạng ở vị trí 67, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Theo ông, những thành công nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019 có thể kể đến là gì?

Đó là lạm phát được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra, cho thấy việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện linh hoạt. Hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện, đáng lưu ý là lần đầu tiên sau 9 năm, Standard & Poor (một trong 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia uy tín nhất thế giới) đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam từ BB- lên BB vào tháng 4/2019. Còn Fitch nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “Ổn định” lên “Tích cực”. Năng lực cạnh tranh quốc gia có chuyển biến vượt bậc.

Ước cả năm 2019, có 134.000 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký bình quân/doanh nghiệp đạt 11,2 tỷ đồng, số doanh nghiệp đang hoạt động đạt 760.000 đơn vị, tăng so với năm 2018.

Việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng GDP sẽ tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Kết quả tích cực này đã tạo ra hiệu ứng lan toả trên nhiều lĩnh vực, giúp củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Năm 2019 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 2016 - 2020, việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm theo Nghị quyết 142/2016/QH13, tạo cơ sở cho việc chuẩn bị xây dựng kế hoạch của 5 năm tiếp theo, giai đoạn 2021 - 2026. 

Về giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 thì sao, thưa ông?

Để giải quyết điểm nghẽn trong tổ chức thực hiện pháp luật về đầu tư công, liên quan đến giải ngân vốn, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, thông báo, kết luận, tổ chức nhiều cuộc họp về vấn đề này. Hầu như phiên họp thường kỳ nào, Chính phủ cũng quan tâm tới việc giải ngân vốn đầu tư công, tuy vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm hơn so với giai đoạn 2016 - 2018 (9 tháng đầu năm mới giải ngân đạt hơn 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và vốn ODA đạt vô cùng thấp).

Trước thực tế này, cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt như điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ những dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn; từ bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân chậm, sang bộ, cơ quan trung ương, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn. Công khai tình hình thực hiện và tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành, địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lập danh mục dự án trọng điểm, phân công lãnh đạo theo dõi, đôn dốc quyết liệt; xử lý nghiêm và kịp thời nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết…

Với những giải pháp này, hy vọng giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng cuối năm sẽ tăng mạnh, tăng trưởng GDP còn có thể cao hơn dự kiến.

Ông đáng giá ra sao về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ?

Trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến đều đánh giá rất cao công tác điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã năng động, quyết liệt, hiệu quả, chú trọng xử lý nhiều vấn đề lớn, dài hạn; tháo gỡ những rào cản cho phát triển, khích lệ đổi mới sáng tạo trong xu hướng cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này thể hiện sự nhất quán, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, thực hiện hiệu quả các giải pháp trong việc cải cách thể chế, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. 

Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức thành công trên 40 hội nghị quốc gia, hội nghị chuyên đề về các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại của các địa phương, qua đó nhận diện các khó khăn, thách thức và đề ra nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư