Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Việt Nam kiêu hãnh tiến lên bằng tâm thế của một dân tộc không biết cúi đầu (phần 3)
Ngọc Doanh - 08/02/2019 08:44
 
Bằng cách nhìn độc đáo, với những dữ liệu được phân tích một cách khoa học, GS-TSKH. Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, với những điều thần kỳ đã làm được và với tâm thế của một dân tộc không biết cúi đầu, Việt Nam luôn kiêu hãnh tiến lên phía trước.
Chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nam tại AFF Suzuki Cup 2018 khơi dậy lòng tự hào và tự tôn dân tộc.
Chiến thắng của Đội tuyển bóng đá nam tại AFF Suzuki Cup 2018 khơi dậy lòng tự hào và tự tôn dân tộc.

Phần 3: Lòng tin được hội tụ dưới lá cờ của "Đảng Văn Minh"

Thưa giáo sư, bản chất con người Việt như ông đã nói là bất khuất, kiên cường, là không bao giờ chịu đầu hàng, tuy nhiên, nhất định phải có một yếu tố nào đó khiến cho cả dân tộc cùng nhìn về một hướng và cùng đi về hướng đó? Tôi đã từng nghe một so sánh khá hình tượng về sự thiếu gắn kết trong một tập thể là cái bị khoai tây, khi cởi dây buộc đổ ra thì mỗi củ lăn theo một hướng?

Đấy là một câu hỏi hay. Tôi đã từng nghe nhiều học giả nước ngoài cho rằng, họ không nghi ngờ về truyền thống yêu nước, ý thức dân tộc trong huyết quản mỗi người Việt. Họ cho rằng, đó là bản sắc của người Việt, nhưng họ lại thấy rằng, cái bản sắc đó không thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mà chỉ xuất hiện một khi nào đó, thậm chí, họ còn phát hiện ra, đôi lúc bản sắc đó lại… tác động theo chiều ngược lại - sự biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cái toan tính vụ lợi cao hơn lợi ích chung. Vì sao vậy?

Phải thấy rằng, từ xa xưa con người đã ý thức được sức mạnh cộng đồng, nhưng theo những nghiên cứu của cá nhân tôi, có hai loại sức mạnh cộng đồng, trong đó loại sức mạnh có từ co cụm lại thành một khối để chống đỡ nhằm vượt qua khó khăn, thử thách; loại thứ hai là liên kết nhau lại để đi chiếm lĩnh vùng đất khác, kiếm tìm nguồn lợi khác.

Nếu nhìn qua thì thấy đó đều là liên kết cộng đồng, nhưng về bản chất thì lại khác nhau, loại cố kết thứ nhất cần điều kiện biên, tức là phải đứng trước sự đe dọa thì mới tạo nên sức mạnh cộng đồng, nếu không có sức ép đó, các cá thể không có nhu cầu cố kết lại.

Với loại cố kết thứ hai thì cần có đầu óc tổ chức, cần phải bàn thảo kế hoạch cụ thể. Loại cố kết này thì dân tộc nào cũng có, nhưng với người Việt Nam, dường như nhu cầu và năng lực để thực hiện không cao. Tôi nói vậy bởi, người Việt với xuất phát điểm là văn minh lúa nước, họ ưa cuộc sống thanh bình, hiền hòa, chỉ khi nào có bão lũ, thiên tai thì mới xuất hiện lá lành đùm lá rách, vì thế, nhu cầu của loại năng lực cố kết thứ hai gần như không có. Với chống giặc ngoại xâm cũng vậy, họ sẽ cùng nhau bỏ cuốc, cày để cầm gươm, súng, khi giặc đi rồi, họ buông súng và lại hát ca, bản chất của cố kết đó trong người Việt là hằng xuyên.

Khi mà cộng đồng không có áp lực từ nguy cơ thì cái ham muốn có tính chất vụ lợi cá nhân vốn bị đè nén lập tức trỗi dậy, khi không có bất kỳ điều gì kiềm chế họ thể hiện theo cách mà tôi vẫn gọi là “tranh thủ thu lợi”. Về việc này, trong nghiên cứu về hành vi, người ta đưa ra khái niệm “tự biết xấu hổ với bản thân”, nhưng những cư dân trong cộng đồng làng xã thì hầu như chỉ ý thức được “xấu hổ trước cộng đồng”, cho nên mức độ chịu trách nhiệm cá nhân rất thấp.

Phải có mô hình điều tiết vô hình, nhưng hiện hữu để duy trì thế năng cho động cơ cố kết cộng đồng, mà theo tôi, mô hình đó là chủ nghĩa bình quân, nên lưu ý rằng, đây là bình quân trong trách nhiệm với cộng đồng và với điều kiện hiện nay, chủ nghĩa bình quân đang có mảnh đất màu mỡ để sống.

Cần phải nói lại rằng, khi mà việc “vượt đèn đỏ” không bị khống chế thì hiện tượng ích kỷ hạ nhân lại có đất sống theo hướng tự phát và thật đáng tiếc, trong một thời gian dài vừa qua, ích kỷ hạ nhân đã hoành hành, thậm chí là lộng hành! Cộng đồng phải tạo nên một cơ chế giám sát để mỗi cá nhân đều phải hiểu rằng, dù anh chưa biết “tự xấu hổ” thì cũng phải thấy việc “vượt đèn đỏ” là vi phạm quy ước của cộng đồng…

Thưa giáo sư, việc đề ra quy ước có lẽ không phải là quá khó, nhưng để giám sát mọi lúc, mọi nơi thì lại quá khó, vấn đề đặt ra là, mọi người đều phải ý thức được là có sự giám sát đó và đều tin rằng, ai cũng sẽ tuân thủ quy ước đó, có nghĩa là, mọi cá thể phải tin rằng, ai cũng giống mình, nếu “vượt đèn đỏ” thì sẽ bị trừng phạt. Như vậy, có thể thấy rằng, cốt lõi cho việc áp dụng “bình quân trách nhiệm với cộng đồng” chính là niềm tin? Tin vào mình, tin vào cộng đồng và tin vào sự công bằng trong cộng đồng?

Trước hết, về mặt nguyên lý, niềm tin là thuộc tính có trong mỗi con người.

Trở lại với các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, niềm tin về một đất nước độc lập, về cuộc sống không bị nô lệ của người người được chụm lại. Niềm tin đó như tôi đã nói, khi được gửi vào một chốn thiêng liêng thì sẽ trở thành nguồn năng lượng chung cho cả dân tộc để không hề quản ngại khó khăn, hy sinh.

Trong cuộc trao đổi này, tôi không bàn về bản chất niềm tin có tính chất tôn giáo, nhưng thực tế lịch sử đã ghi nhận, với cái đã được gọi là niềm tin, việc lớp trước ngã xuống, lớp sau vẫn tiếp tục tiến lên là hiện tượng đã từng xảy ra và đã từng lặp lại nhiều lần trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt. Với niềm tin đó, người ta có thể chịu giáo đâm vào chân tóe máu mà không nhăn mặt, bóp nát quả cam mà không hề biết, nhưng hơn hết, khi đã có niềm tin và đặt niềm tin đúng với ước vọng, thì đối với họ, vinh quang không đồng nghĩa với việc phải có mặt trong ngày chiến thắng và chân lý được thể hiện ở chỗ, những người đó - những người anh hùng ấy - dẫu có khắc khoải, dẫu có những ước vọng rất đời thường, nhưng họ sẵn sàng chấp chấp nhận có thể sẽ vắng mặt trong ngày khải hoàn và đó là suy nghĩ của những người anh hùng.

Có lòng tin là điều kiện cần, nhưng đặt lòng tin vào đâu để niềm tin trở thành sự tin cậy mới là điều kiện đủ, bởi lẽ, xét về trình tự tư duy, việc tạo được niềm tin và đặt niềm tin vào đâu lại thuộc những phạm trù khác nhau?

Trước hết, về nhận thức, chúng ta phải thống nhất về khái niệm, lòng tin là khái niệm phi vật chất, người ta không thể sờ nắn được, không thể định lượng để xem giá trị của nó đến đâu. Không nói đến những câu chuyện như việc ra đời của Tập đoàn Thép Posco, Samsung  được coi là những câu chuyện thần kỳ của Hàn Quốc, mà tôi chỉ đề cập tới câu chuyện thành công của bóng đá Việt Nam, điều được coi là tiền nhân - hậu quả. Chúng ta có niềm tin vào thành công của đội U23 và đặt niềm tin vào các cầu thủ cùng người đứng đầu là ông huấn luyện viên Park Hang-seo, bởi vậy, khi thành công đến, tức là niềm tin được cụ thể hóa bằng thành công và niềm tin đó đã được đặt đúng chỗ sẽ tạo ra hệ quả như tôi đã nói ở trên - sức mạnh vô địch.

Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều trường hợp như  vậy. Đó là việc 34 người của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân không có đủ súng trang bị cho từng người, nhưng họ đã đương đầu và chiến thắng đội quân được vũ trang hùng hậu của Nhật, của Pháp; Đó là hàng ngàn cây vàng được huy động trong Tuần lễ vàng năm 1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi…

Việc đấu tranh để giành độc lập tự do, để thoát kiếp nô lệ thì ít ra có thể định lượng được, nhưng với những việc rất khó định lượng, nhưng vẫn tạo nên những làn sóng của toàn xã hội như việc nghệ sỹ Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X, hay nhà toán học Ngô Bảo Châu đoạt Giải thưởng Fields (TNO), ông lý giải như thế nào về hiện tượng đó?

Thực ra, đối với phần lớn người Việt Nam, nhạc giao hưởng thính phòng là khái niệm xa lạ và Frédéric Chopin là cái tên không hẳn ai cũng biết, cùng với đó, cũng có mấy ai hiểu tường tận về Giải thưởng Fields (TNO) đâu, nhưng dẫu vậy, những gì làm cho “Việt Nam ngẩng cao đầu” hoặc “sánh vai với cường quốc năm châu” sẽ là liều thuốc kích thích tới từng tế bào của mỗi con dân nước Việt.

Xin trở lại khái niệm “lòng tin được gửi vào một chốn thiêng liêng thì nó trở thành nguồn năng lượng” như giáo sư vừa nói tới, vậy có khi nào… “hết năng lượng”?  

Trong một thời gian dài vừa qua, từ nhiều lý do, lòng tin bị sứt mẻ và bị thuyên giảm. Việc này không cần phải nghiên cứu, mà có thể cảm nhận từ trực quan, bởi vì người dân có cảm giác rằng, “một bộ phận không nhỏ” của những người được gửi gắm lòng tin đang có dấu hiệu phản bội lại họ.

Cụ thể là như thế này, lòng tin về một đất nước có thể nối tiếp sự thần kỳ của cuộc chiến tranh vĩ đại bằng việc tiếp bước trên chặng đường phục hồi kinh tế đã bị phôi pha qua hiện tượng một số người có chức, có quyền có mức sống và cách sống khác xa với phần còn lại của xã hội. Người dân coi đó là sự bất công và tệ hại hơn, sự bất công đó không bị xử lý. Sự chán nản là biểu hiện của giảm sút lòng tin và tôi có thể cho rằng, “hết năng lượng” thì chưa, nhưng tại một thời điểm nào đó đã chớm xuất hiện cái gọi là khủng hoảng lòng tin.

Và thật may, chúng ta chưa rơi vào tình trạng… “hết năng lượng” tệ hại đó, thưa giáo sư?

Thật may, chiến dịch được phát động bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trung ương Đảng tiến công mạnh mẽ vào những hiện tượng đó và kết quả là sự hồi hướng của người dân đã tạo nên những dấu hiệu hồi phục lòng tin. Vì sao lại có hiện tượng “chuyển trạng thái” nhanh như vậy?

Theo tôi, điều này tương đối dễ giải thích. Người dân ta, hay tại quốc gia nào cũng vậy thôi, họ nhìn vào ngọn cờ để đi theo, họ nhìn vào lãnh tụ mà đặt lòng tin. Ngọn cờ sẽ trở nên phấp phới trong lòng người dân khi người cầm cờ luôn nói đi đôi với làm, nghĩ cho dân, làm vì dân, vì nước. Cần phải hiểu rằng, tâm thế của dân tộc sẽ chuyển từ dạng tiềm năng thành năng lượng thực sự khi người người nhất tề cùng hướng theo ngọn cờ đó.

Nói đi đôi với làm, nghĩ cho dân, làm vì dân, vì nước, thưa giáo sư, đó có phải chính xác là hình ảnh của “Đảng văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói?

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, gây dựng lại lòng tin cho nhân dân, tôi chắc chắn rằng, không ai cảm thấy sung sướng hả hê khi sỹ quan này bị bắt, thứ trưởng kia bị khởi tố, thậm chí, việc nhiều cán bộ bị xử lý do có hành vi tham nhũng còn khiến họ đau lòng, bởi đó chính là những đồng bào của họ, hơn thế, những lực lượng thù địch còn lợi dụng và xuyên tạc thêm những hiện tượng đó và tuyên truyền theo hướng xấu để làm hoen ố hình ảnh đất nước ta.

Tuy nhiên, mong muốn của người dân là phải tìm ra nguyên nhân của những hành vi tham nhũng để xây dựng một cơ chế nào đó nhằm ngăn chặn từ xa những hành vi tham nhũng. Vì thế, tôi cho rằng, điều kiện cần là xử lý những hành vi tham nhũng, nhưng điều kiện đủ là xây dựng được cơ chế như tôi đã nói ở trên mới thực sự tạo nên hình ảnh của một Đảng văn minh như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng đã từng nói “phải nhốt quyền lực vào cái lồng thể chế”, điều này nên hiểu rằng, quyền lực cần được kiểm soát một cách hữu hiệu và khi quyền lực được kiểm soát, tham nhũng sẽ bị đẩy lùi, khi đó, mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về một Đảng văn minh sẽ trở thành hiện thực và khi mà gần 100 triệu người dân nước Việt cùng hướng theo ngọn cờ do Đảng văn minh phất cao, Việt Nam sẽ có một tâm thế mới, đó là tâm thế của một dân tộc không biết cúi đầu và luôn kiêu hãnh tiến lên phía trước.

Việt Nam kiêu hãnh tiến lên bằng tâm thế của một dân tộc không biết cúi đầu (phần 1)
Bằng cách nhìn độc đáo, với những dữ liệu được phân tích một cách khoa học, GS-TSKH. Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư