Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam là một trong các nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới
Mạnh Bôn - 27/12/2020 16:43
 
Đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới nhờ kiểm soát được Covid-19, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

“Mặc dù tốc độ tăng GDP quý IV/2020 thấp nhất kể từ năm 2011 (chỉ tăng 4,48%) nhưng năm 2020, Việt Nam vẫn là một trong nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới với mức tăng 2,91%”, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vừa cho biết tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020.

.
.

GDP quý IV/2020 tăng trưởng khởi sắc

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, đóng góp vào mức tăng trưởng chung 2,91% của năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 2,91% là thành công lớn của Việt Nam. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, bà Hương phát biểu.

Đạt được tốc độ tăng trưởng GDP thuộc hàng cao nhất thế giới, theo bà Hương là dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đã tạo động lực cho nền kinh tế nên GDP quý IV/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý III/2020, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%; khu vực dịch vụ tăng 4,29%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07%.

Hầu hết mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, trong đó ngành dịch vụ bị tác động nghiêm trọng nhất. Khu vực dịch vụ trong năm 2020, đạt mức tăng thấp nhất của các năm 2011-2020, theo bà Hương hoàn toàn không bất ngờ, và có thể nói đã được dự báo từ trước, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Bắt đầu lo kiểm soát lạm phát năm 2021

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2020 chỉ tăng 3,23%. Trong đó, CPI tháng 12/2020 chỉ tăng 0,19% so với cùng kỳ năm 2019 được đánh giá là một trong những điểm sáng nhất trong điều hành kinh tế - xã hội năm 2020.

“CPI tháng 1/2020 tăng hơn 6% đã tạo ra áp lực vô cùng lớn trong việc kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Đặc biệt là giá thịt lợn những tháng đầu năm tăng liên tục, giá thịt lợn bình quân năm 2020 tăng trên 50%. Riêng thịt lợn đã đóng đóng góp 1,94 điểm phần trăm trong tốc độ tăng 3,23% chung của cả năm”, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chia sẻ.

Mặc dù vẫn cho rằng, năm 2021 việc kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đặt ra có thể thực hiện được. Tuy nhiên, bà Ngọc lo lắng trước thực tế giá dầu bắt đầu có xu hướng tăng trở lại sẽ tạo ra áp lực vô cùng lớn trong việc kiểm soát lạm phát - ngược lại với năm 2020, giá xăng dầu giảm liên tục chính là một trong những lý do kiểm soát được lạm phát.

“Giá xăng dầu đang tăng trở lại và nhiều khả năng sẽ tăng mạnh cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên thế giới phục hồi, nhu cầu sử dụng tiêu thụ xăng dầu trên thế giới tăng, giá xăng dầu sẽ tăng và ở trong nước tăng khoảng 10-15% góp phần tăng CPI”, bà Ngọc lo lắng.

“Ngoài ra, khi dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng, lưu trú... sẽ tăng trở lại thay vì giảm rất mạnh trogn năm 2020 nên gây áp lực rất lớn nên kiểm soát lạm phát năm 2021 ngay từ đầu năm”, bà Ngọc nói thêm.

Du lịch, khách sạn lo cạnh tranh khi Covid-19 qua đi

Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, lĩnh vực thương mại và dịch vụ chịu tổn thất vô cùng lớn bởi đại dịch.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 chỉ tăng 2,6%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 1,2% (năm 2019 tăng 9,5%). Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 13%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 59,5%; doanh thu dịch vụ khác giảm 4%.

Theo ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, cùng với hàng không, ngành du lịch bị tác động tiêu cực vô cùng khủng khiếp bởi đại dịch Covid-19.

Năm 2020, Việt Nam chỉ đón được 3.837.300 lượt khách quốc tế, giảm tới 78,7% so với năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.083,2 nghìn lượt người, chiếm 80,3% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 78,6%.

“Nếu như năm 2019, chúng ta đón được hơn 18 triệu lượt khách quốc tế thì năm nay chỉ có hơn 3.837.000 lượt khách, giảm tới gần 79%. Đây là mức sụt giảm khách du lịch quốc tế lớn nhất kể từ trước đến nay. Đáng nói là hầu lượng khách du lịch này đến Việt Nam trong quý I, còn từ tháng 4 trở lại đây, hầu như Việt Nam không đón được vị khách du lịch quốc tế nào. Chính vì vậy, doanh thu của ngành du lịch giảm từ 32 tỷ USD vào năm 2019 xuống chỉ còn khoảng 10 tỷ USD trong năm nay khiến đóng góp của ngành du lịch vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng giảm mạnh”, ông Bình phát biểu.

Ông Bình lo ngại suốt từ tháng 4/2020 trở lại đây Việt Nam hầu như “đóng cửa”với khách du lịch quốc tế do đại dịch và với diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, khó lường thì chưa biết đến khi nào ngành du lịch mới phục hồi.

Đánh giá cao Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục giảm giá bán điện cho người tiêu dùng, trong đó có hoạt động kinh doanh khách sạn, lưu trú. Tuy nhiên, theo ông Bình, hành động của EVN chưa đủ để ngành du lịch cầm cự trong thời gian tới nếu khách du lịch quốc tế vẫn tiếp tục “đóng băng”.

“Năm 2019, EVN đã giảm giá điện cho cả xã hội, trong đó, lĩnh vực kinh doanh khách sạn, cơ sở lưu trú được hưởng giá điện như hoạt động sản xuất, tức là được giảm 30% giá điện từ tháng 4 đến hết tháng 6. Tuy nhiên, hành động “nghĩa hiệp”của EVN đối với lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn... gần như không có tác dụng vì không có khách thì có dùng điện bao nhiêu đâu”, ông Bình than thở và đề nghị, EVN cần áp dụng giá bán điện đối với lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú như hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

“Rất là vô lý lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú phải trả giá tiền điện cao hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác. Ngành điện cần áp dụng giá bán điện cho lĩnh vực khách sạn, cơ sở lưu trú như các hoạt động sản xuất, kinh doanh khác theo đúng tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bởi nếu không, ngành du lịch Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực khi dịch bệnh Covid-19 qua đi, thị trường du lịch quốc tế tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài bị đóng băng. Có như vậy, lĩnh vực du lịch mới đóng góp được nhiều hơn cho tốc độ tăng trưởng GDP chung của toàn ngành kinh tế (năm 2019 đóng góp khoảng 10% vào GDP)”, ông Bình đề xuất.

Năm 2020, dự báo GDP tăng 2,48%; CPI tăng 3,85%
NCIF - Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Việt Nam đạt 2,48%; CPI...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư