Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam ổn định là nơi các nhà đầu tư chọn làm cứ điểm
Nhóm PV - 31/12/2018 09:11
 
Trong bối cảnh thế giới phức tạp, khó lường, sự ổn định kinh tế vĩ mô và những cơ hội mới mở ra từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang là lý do kéo các nhà đầu tư thế giới đến Việt Nam.

“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài coi Việt Nam là cứ điểm đầu tư lớn nhất của họ” 

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam

Khi đi nhiều thị trường trong khu vực, có cả mục tiêu quảng bá đầu tư nước ngoài của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, trong bối cảnh bất ổn khu vực và quốc tế hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận định, Việt Nam là thị trường họ chọn làm cứ điểm đầu tư lớn nhất. 

Việt Nam được nhận định là nền kinh tế có cơ hội gặt hái lợi ích từ việc tham gia CPTPP. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất trong Nhà máy GE  Hải Phòng.
Việt Nam được nhận định là nền kinh tế có cơ hội gặt hái lợi ích từ việc tham gia CPTPP. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất trong Nhà máy GE Hải Phòng.

Cũng phải nói thêm, căng thẳng thương mại không phải là lý do chính thúc đẩy đầu tư đến Việt Nam, nhưng là lý do để các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng, FDI vào Việt Nam sẽ tốt không chỉ trong năm 2019, mà trong vòng 3-5 năm tới.

Khu vực sản xuất của Việt Nam cho cả phần FDI và doanh nghiệp trong nước cũng được dự báo là tăng trưởng tốt. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và đó là tiền đề thúc đẩy quá trình sản xuất, đặc biệt liên quan đến hoạt động xuất khẩu. 

Một điều nữa tôi thấy rất lý thú là khi nói chuyện với lãnh đạo các doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp lớn, bối cảnh căng thẳng thương mại hiện nay lại được họ xem là cơ hội để mở rộng thị phần, đặc biệt là thị phần tại Mỹ và Trung Quốc. Mọi người xác định trong cuộc cạnh tranh này, doanh nghiệp phải chớp lấy cơ hội, đầu tư tăng về quy mô. 

Nhiều doanh nghiệp Việt đang vay những khoản vay chung dài hạn để mở rộng quy mô, mở rộng thị trường. Quan trọng là các doanh nghiệp nhìn nhận đây là cơ hội để họ phát triển được, nâng cao hiệu suất hoạt động, đầu tư vào tự động hóa, kỹ thuật số vào. Đây là một tin rất vui.

"Chúng tôi sẽ cực kỳ bận rộn ngay từ đầu năm 2019”

Ông Hong Sun,  Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham)

Vừa rồi, tôi có trao đổi với Tập đoàn Hyundai, được biết, Tập đoàn Hyundai ở Việt Nam có thể là một cơ sở sản xuất, không chỉ là tiêu thụ nội địa, mà còn có thể xuất khẩu sang nước ngoài, không phải là chỉ Đông Nam Á. 

Nếu lao động Việt Nam, ngành ô tô ở Việt Nam phát triển, thì không lý do gì không phát triển cơ sở sản xuất ở đây lớn lên và xuất khẩu ra nước ngoài. Hàn Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam, không phải là các lĩnh vực truyền thống mà còn cả những lĩnh vực tiên tiến nhất về điện thoại và hơn thế nữa là ô tô. Rồi Nhà máy thép của POSCO đã hoạt động được hơn 25 năm ở Việt Nam…

Chúng tôi sẽ cực kỳ bận rộn ngày tư đầu năm 2019. Sau 26 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, từ năm 1992, số doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử.

Dự kiến, năm 2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ là hơn 100 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đối với Việt Nam sẽ lớn thứ hai sau Trung Quốc, vượt qua Mỹ. Năm 2019-2020 tiếp tục là năm phát triển của dòng vốn Hàn Quốc, không chỉ là trực tiếp mà cả gián tiếp.

"Việt Nam phải đầu tư vào chiến lược phát triển nhân sự lâu dài”

Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông ManpowerGroup

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết là tin rất đáng mừng đối với Việt Nam. 

Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu rộng hơn, chi phí rẻ hơn, do được xóa bỏ đến 99% thuế quan theo Hiệp định này. Cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  từ khối EU cũng rộng mở hơn. Nhân lực Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp xúc, làm việc với các chuyên gia EU, từ đó học cách làm việc và quản lý đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp cải thiện năng suất lao động.

Tuy nhiên, Việt Nam cần phải cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, quan trọng nhất là cải thiện năng suất lao động. Hiện nay, Việt Nam có gần 57,5 triệu người tham gia lực lượng lao động, nhưng chỉ có 11% sở hữu kỹ năng cao, còn lại có đến 89% không có kỹ năng hoặc có kỹ năng trung bình. Đáng chú ý hơn, chỉ 5% lực lượng lao động có khả năng làm việc bằng tiếng Anh.

"Tôi có cảm nhận rất tích cực và lạc quan về năm 2019”

Ông Tony Foster, Giám đốc điều hành Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer

CPTPP và EVFTA sẽ có tác động đáng kể tới nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và những năm tiếp sau.

Các con số cho thấy, GDP của Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong hơn 10 năm qua; chưa kể đến việc thuế quan thương mại đã được giảm và quan trọng hơn là những cải cách đối với các doanh nghiệp nhà nước. 

Đó thực sự là những dấu hiệu tốt và là những điểm nhấn khi nhìn lại tác động của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007. Cũng trong giai đoạn này, Việt Nam đã thực hiện rất tốt các hiệp định, cam kết trong khuôn khổ WTO và đạt được nhiều thành tựu lớn. 

Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ đúng với Việt Nam khi thực hiện CPTPP và EVFTA. Tôi có cảm nhận rất tích cực và lạc quan về năm 2019.

Nếu không có những yếu tố rủi ro bên ngoài, năm 2019 sẽ là một năm thuận lợi. Đó là giả định, vì thực tế sẽ có nhiều diễn biến không ai đoán trước được, như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, hay các vấn đề liên quan đến tăng lãi suất…

Nhưng, nhìn vào sự tăng trưởng nội bộ, Việt Nam nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ du lịch sôi động là những động lực tăng trưởng then chốt trong năm 2019”

Ông Khoon Goh, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á, Ngân hàng ANZ

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục là chất xúc tác thúc đẩy sự đa dạng hóa sản xuất ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Kể cả khi sự căng thẳng giảm xuống trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn sẽ thực hiện tổ chức lại chuỗi cung ứng để bảo đảm sản xuất và xuất khẩu trước tác động của các biện pháp thuế quan trong tương lai.

Việt Nam được nhận định là nền kinh tế có cơ hội gặt hái lợi ích từ những diễn biến này nhất trong khu vực Đông Nam Á. Việc tham gia CPTPP cũng sẽ nâng cao khả năng thu hút vốn đầu tư của Việt Nam.

Hiện tại, Việt Nam đã kết thúc quá trình đàm phán và đang chờ phê duyệt từ các nước thành viên và Nghị viện châu Âu. Nếu hiệp định này và một số hiệp định khác có hiệu lực, Việt Nam ​​sẽ có khả năng tiếp cận mạnh mẽ tới dòng chảy thương mại và đầu tư lớn hơn rất nhiều. 

Ngoài các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hình thức truyền thống là đầu tư mới, việc thoái vốn của khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường vốn Việt Nam.

Tăng trưởng trong năm 2019 dự kiến ​​sẽ ở mức tương đương với năm 2018 và tiếp tục được hỗ trợ bởi các cam kết cải cách của Chính phủ. Ngành sản xuất, nông nghiệp và dịch vụ từ các hoạt động du lịch sôi động sẽ là những động lực tăng trưởng then chốt trong năm 2019.

Kinh tế 2019: Bứt phá bằng động lực cải cách
Năm 2018 kết thúc thì cũng là lúc câu hỏi “đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2019” được đặt ra. Câu trả lời, hơn lúc nào hết,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư