Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm tham gia CPTPP với Anh
Kỳ Thành - 18/09/2020 08:03
 
Trước thông tin nước Anh muốn tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tiếng về vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Trả lời câu hỏi tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều nay (17/9), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là một Hiệp định Thương mại tự do chất lượng cao với các cam kết toàn diện nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước thành viên và tự do hóa thương mại theo hướng mở và dựa trên luật lệ quốc tế tại khu vực.

"Các nước thành viên CPTPP đã thông qua quy trình gia nhập, theo đó các nền kinh tế quan tâm thì cần đáp ứng tiêu chuẩn cao của hiệp định cũng như quy trình gia nhập", bà Hằng nói.

Vừa qua, phía Anh cũng đã có một số hoạt động trao đổi với các thành viên của CPTPP và Việt Nam cũng đã nắm được các thông tin này. "Việt Nam với tư cách là nước thành viên của CPTPP sẵn sàng chia sẻ thông tin cũng như kinh nghiệm tham gia CPTPP nếu phía Anh quan tâm", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay.

CPTPP được ký kết năm 2018, gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam. Các nước thành viên CPTPP có tổng cộng 495 triệu dân, đóng góp 13,5% GDP toàn cầu và sẽ tăng lên 16% nếu có thêm sự tham gia của Anh. Hiệp định có hiệu lực với Việt Nam từ đầu năm ngoái.

Hồi tháng 6, Bộ Thương mại Quốc tế Anh đã công bố văn bản chính thức về việc Anh muốn gia nhập CPTPP. Ngày 10/9, đại diện của Anh, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đã lần đầu tiên có cuộc trao đổi với tất cả nước thành viên của CPTPP nhằm thảo luận về việc gia nhập thoả thuận này.

"Soi" mức độ cam kết về thuế quan trong 2 Hiệp định EVFTA và CPTPP
Việt Nam đều có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong khoảng 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của các nước đối tác trong cả 2 hiệp định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư