Thứ Năm, Ngày 01 tháng 05 năm 2025,
Việt Nam sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trên trường quốc tế
Bích Thủy - 01/05/2025 10:38
 
Ông Tan Quee Peng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SingCham) cho rằng, với nền kinh tế tăng trưởng năng động, Việt Nam sẽ nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Ông Tan Quee Peng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam (SingCham).

Ông đánh giá như thế nào về những cải cách của Việt Nam trong 50 năm qua? Những yếu tố chính nào đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong giai đoạn này?

Cải cách đáng chú ý nhất là chính sách Đổi mới được đề ra vào năm 1986, đưa Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự thay đổi này không chỉ giúp hồi sinh nền kinh tế, mà còn mở cửa đất nước đón nhận thương mại và đầu tư quốc tế.

Việt Nam đã vượt qua hết cơn bão kinh tế này đến cơn bão kinh tế khác kể từ khi thống nhất đất nước. Từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đến đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã trở thành một câu chuyện thành công ở Đông Nam Á về khả năng phục hồi và phát triển. Tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong 5 thập kỷ qua là câu chuyện về nhiều yếu tố đóng góp vào thành công của đất nước.

Các chính sách Đổi mới then chốt đã giải phóng các động lực thị trường. Thay đổi này đã thu hút đáng kể đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhờ lực lượng lao động trẻ và năng động, cũng như chi phí lao động cạnh tranh. Ngoài ra, việc hội nhập chiến lược vào nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại và tư cách thành viên trong các tổ chức như ASEAN và WTO đã thúc đẩy hơn nữa sản xuất định hướng xuất khẩu. Các hiệp định này giúp giảm thiểu thuế quan và mở ra nhiều thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, những nỗ lực nhất quán của Chính phủ trong việc phát triển hạ tầng đã cải thiện khả năng kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế. Đầu tư đáng kể vào nguồn nhân lực và vật chất, đặc biệt là vào giáo dục và hạ tầng, đã nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh. Sự tập trung của Chính phủ vào việc thông qua và áp dụng các quy định pháp luật tiên tiến hơn đã giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Sự ổn định về chính trị cũng góp phần mang lại môi trường tương đối an toàn cho đầu tư.

Thời gian gần đây, Việt Nam thực hiện tái cơ cấu bộ máy nhà nước một cách đầy tham vọng, nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế tham nhũng.

Chuyển đổi đó định vị Việt Nam như một tác nhân quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, với một khu vực sản xuất mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang nổi lên.

Thời gian qua, quan hệ giữa Singapore và Việt Nam ngày càng được tăng cường trong nhiều lĩnh vực. Hướng đến hành trình tiếp theo, hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác như thế nào để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, thưa ông?

Singapore và Việt Nam có thể tăng cường trao đổi văn hóa để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau thông qua một số sáng kiến.

Trước hết, tăng cường các chương trình trao đổi giáo dục bằng cách khuyến khích sinh viên và giảng viên thực hiện trao đổi giữa các cơ sở giáo dục ở cả hai nước. Việc này có thể thúc đẩy học tập và hợp tác đa văn hóa. Các chương trình văn hóa chung, như triển lãm nghệ thuật, lễ hội âm nhạc… có thể giới thiệu di sản văn hóa phong phú của cả hai quốc gia và tạo cơ hội cho người dân hai nước kết nối với nhau.

Ngoài ra, thúc đẩy du lịch thông qua các chiến dịch hợp tác marketing và các gói du lịch văn hóa có thể nâng cao nhận thức và sự trân trọng đối với nền văn hóa của nhau. Trao đổi thể thao và các chương trình thanh niên cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hữu nghị và sự hiểu biết giữa các thế hệ trẻ. Bằng cách tận dụng các sáng kiến này, Singapore và Việt Nam có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ văn hóa, tăng cường sự tôn trọng lẫn nhau và củng cố mối quan hệ song phương.

Hơn nữa, các nỗ lực ngoại giao có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi văn hóa. Các chuyến thăm cấp cao và ngoại giao văn hóa, chẳng hạn như trao đổi quà tặng truyền thống và tham gia các sự kiện văn hóa, có thể nâng cao mối quan hệ bền chặt giữa hai nước.

Ông đánh giá thế nào về vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong thập kỷ tới?

Trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng về nhiều mặt trên trường quốc tế. Tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam có khả năng nâng cao vị thế của đất nước như một nhân tố quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực công nghệ mới nổi tiềm năng. Với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào sự ổn định và hội nhập kinh tế khu vực, có khả năng đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong khối.

Hơn nữa, sự tham gia ngày càng tăng của Việt Nam vào các hiệp định thương mại quốc tế và vị trí địa lý chính trị chiến lược của đất nước có khả năng giúp Việt Nam đóng một vai trò tích cực hơn trong các cuộc đối thoại khu vực và toàn cầu về thương mại, an ninh và biến đổi khí hậu. Kinh nghiệm của Việt Nam, với tư cách là một quốc gia đang phát triển có thành tích về kinh tế, cũng có thể định vị Việt Nam như một tiếng nói có giá trị trong hợp tác Nam - Nam (hợp tác giữa các nước đang phát triển) và các cuộc thảo luận về phát triển bền vững.

Bên cạnh việc điều hướng các động lực địa chính trị phức tạp, cam kết của Việt Nam đối với chủ nghĩa đa phương và ảnh hưởng kinh tế và chính trị ngày càng tăng cho thấy tiềm năng đóng một vai trò nổi bật và có ảnh hưởng hơn trong bối cảnh toàn cầu đang thay đổi.

Việt Nam trở thành đối tác ngày càng quan trọng
Sau 50 năm thống nhất đất nước, với công cuộc Đổi mới và chính sách mở cửa, hội nhập, Việt Nam đã chuyển mình thành một trong những nền...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư