Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam, thị trường chính của Deloitte
Thu Trà - 22/10/2013 08:06
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn trong chuyến công du tới Việt Nam mới đây, ông Chaly Mah, Tổng giám đốc Deloitte khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là một trong những thị trường kiểm toán có tiềm năng lớn và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các thị trường của Deloitte ở khu vực.

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của thị trường kiểm toán Việt Nam thời gian qua?

Mặc dù vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam, song kiểm toán độc lập đã phát triển rất nhanh trong 22 năm qua, với hơn 170 công ty kiểm toán đang hoạt động và hiện đóng vai trò quan trọng trong ngành tài chính Việt Nam và trong việc góp phần đảm bảo tính minh bạch của nền kinh tế.

Ông Chaly Mah, Tổng giám đốc Deloitte khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Việc ban hành các tiêu chuẩn kiểm toán, kế toán và Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 (có hiệu lực từ năm 2012) đã tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kiểm toán.

Cả số lượng lẫn chất lượng các công ty kiểm toán ngày một nâng cao, trong đó có các công ty thuộc nhóm 4 hãng kiểm toán và tư vấn lớn nhất thế giới (Big Four).

Chất lượng dịch vụ tư vấn thuế, tài chính của các công ty này được khách hàng đánh giá cao.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, lĩnh vực kiểm toán sẽ phát triển rất mạnh mẽ tại Việt Nam.

Khoảng 3 năm trước, Deloitte đã công bố kế hoạch đầu tư chiến lược, với tổng giá trị lên tới hàng tỷ USD, trong đó có khoảng một nửa được dành cho các công ty thành viên tại Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á. Đến nay, kế hoạch này đã được triển khai ra sao, thưa ông?

Tiếp theo khoản đầu tư 500 triệu USD cho 3 năm 2010-2012, theo Chương trình Thị trường chiến lược, Deloitte bắt đầu đầu tư 750 triệu USD cho các năm tài khóa 2013-2015.

Với tổng trị giá 1,25 tỷ USD, tập trung vào 11 thị trường chiến lược của Deloitte trên toàn cầu, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Chương trình này nhằm mở rộng dịch vụ khách hàng và nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên Deloitte, đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài và đưa ra những dịch vụ mới.

Việc Deloitte chú trọng các thị trường ưu tiên này đã giúp các thành viên của Tập đoàn ở những thị trường trên đạt tốc độ tăng trưởng gần 7% tính theo đồng nội tệ, tức là cao hơn mức tăng trưởng của các thành viên khác.

Trong tổng mức đầu tư nói trên, chúng tôi dành 550 triệu USD cho việc thu hút và bồi dưỡng nhân tài để giúp các thành viên Deloitte phát triển dịch vụ khách hàng.

Tại Việt Nam, chúng tôi đã và đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhân lực để cung cấp cho khách hàng dịch vụ tốt nhất. Khoảng 7-8 triệu USD đã được chi cho việc tuyển dụng chuyên gia và nhân tài.

Ông đánh giá Deloitte Việt Nam như thế nào so với các thành viên khác trong khu vực Đông Nam Á?

Tôi rất lạc quan và tự hào về Deloitte Việt Nam. Chúng tôi luôn chú trọng tới Việt Nam, bởi đây là thị trường có tiềm năng rất lớn và cũng là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi tại Đông Nam Á. Kể từ năm 2007 đến nay, Deloitte Việt Nam luôn là một trong những thành viên có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn theo hướng phát triển nhanh hơn và sẽ đóng vai trò ngày một lớn hơn trong khu vực. Vị thế của Việt Nam và việc hướng nền kinh tế vào phát triển bền vững đang tạo ra những cơ hội đầu tư lớn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu của chúng tôi luôn là cung cấp cho khách hàng những dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong một môi trường đầy năng động.

Chốt danh sách kiểm toán 44 “ông lớn”
Năm 2014, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán 161 đầu mối (trong đó có 44 doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng), tăng 12 đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư