Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam trong top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới
Hải Yến - 07/11/2023 10:40
 
Việt Nam là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, đã tận dụng hiệu quả các FTA để thúc đẩy xuất khẩu, liên tục xuất siêu, trong đó, 10 tháng 2023 xuất siêu 24,6 tỷ USD.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, cũng là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.

Trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) trong phiên chất vấn sáng 7/11 về thực thi các FTA, giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, Việt Nam thực hiện hiệu quả, khai thác tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại, Việt Nam cũng là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. 

Ông Diên cho hay: "Việt Nam liên tục xuất siêu, 10 tháng năm nay xuất siêu 24,6 tỷ USD. Để có được kết quả như vậy, Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm nhiều tiềm năng".

Đến nay, bên cạnh việc tham gia thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam cũng đang đàm phán với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (FTA Việt Nam - EFTA), tiếp tục nghiên cứu khả thi việc đàm phán ký kết các thỏa thuận thương mại ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng, các đối tác có kinh tế bổ sung, bổ trợ đối với nền kinh tế Việt Nam và những đối tác có tiềm lực về khoa học công nghệ để tiến tới đàm phán hiệp định trong thời gian tới.

Thông tin về đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Bộ trưởng Diên nói, đàm phán FTA với UAE dự kiến kết thúc trong tháng 11/2023.

Về các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công thương đang đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các cam kết quốc tế trong khuôn khổ mà Việt Nam đã tham gia, bảo đảm sự phát triển bền vững, tập trung triển khai chương trình hành động thực thi các FTA thế hệ mới.

Chú trọng thúc đẩy các quan hệ kinh tế đối ngoại theo chiều sâu, nhất là quan hệ kinh tế đối với các nước, các đối tác lớn có tiềm năng, nhằm tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế, thương mại trong nước.

Bộ trưởng Diên nhấn mạnh, tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nắm bắt thông tin kịp thời và những biến động của kinh thế giới, cũng như chính sách mới của các nước sở tại, góp phần định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Bộ Công thương tiếp tục cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng trái cây, sản phẩm trồng trọt, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để các doanh nghiệp thâm nhập sâu hơn vào những thị trường mới còn tiềm năng…

Tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư