Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc
 
Trưa 21/10 (đêm 21/10 giờ Hà Nội), Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 70 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 18 nước thành viên mới của Hội đồng Kinh tế Xã hội (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018.
Khóa họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Khóa họp thứ 70 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao là 182 phiếu ủng hộ trên tổng số 187 phiếu và lần thứ hai trở thành thành viên ECOSOC.

Nhiệm kỳ đầu tiên của Việt Nam trong ECOSOC là từ năm 1998 đến năm 2000.

Việt Nam lần thứ hai được tín nhiệm bầu chọn vào ECOSOC là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Việc Việt Nam được bầu làm thành viên của ECOSOC cũng thể hiện sự tín nhiệm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà đất nước ta đã đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như những đóng góp của chúng ta đối với Liên hợp quốc cũng như vào việc xây dựng một thế giới tiến bộ và tốt đẹp hơn.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cho biết, Việt Nam nhận thức được trách nhiệm rất lớn của mình trong vai trò mới là thành viên của ECOSOC - cơ quan đảm nhận rất nhiều phần việc trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vừa được Lãnh đạo cấp cao các nước thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 9/2015 vừa qua.

Theo Đại sứ, với tinh thần hợp tác, xây dựng, Việt Nam sẽ tích cực tham gia các hoạt động của ECOSOC, huy động sự tham gia của các lực lượng, các nguồn lực trong xã hội, đổi mới hoạt động của hệ thống phát triển của Liên hợp quốc, phát huy hiệu quả của hợp tác phát triển để thực hiện thành công chương trình nghị sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đặc biệt là xoá đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, bảo vệ môi trường.

ECOSOC là một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc, được giao trách nhiệm thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của Liên hợp quốc, nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo.

ECOSOC cũng có thể đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện quyền con người.

ECOSOC có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách, và điều phối các nỗ lực quốc tế, tăng cường phối hợp chính sách để thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển.

Tổng Bí thư hội kiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon
Sáng 10/7 giờ địa phương (tức tối 10/7 giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư