Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Việt Nam với "vũ khí đa nhiệm" độc đáo chống dịch
Lê Quân - 03/09/2021 07:52
 
Các chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá, với Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 được thành lập cuối tháng 5/2021, Việt Nam đang nắm trong tay “vũ khí đa nhiệm”, cùng lúc tháo gỡ nhiều nút thắt.
Việt Nam đặt mục tiêu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho 70 - 75% dân số vào quý I/2022. Ảnh: Đức Thanh

Một sáng kiến đầy chiến lược

Có ít nhất 3 cái được mà các chuyên gia nước ngoài khái quát từ sáng kiến thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19, bao gồm: phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, chung tay đẩy lùi dịch bệnh; huy động sự đóng góp trực tiếp của cá nhân, doanh nghiệp/tổ chức trong và ngoài nước trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp; giảm sức ép trong điều phối nguồn lực để củng cố hệ thống y tế, trang thiết bị chống dịch, và đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất vắc-xin.

GS-TS. Jonathan Pincus, cố vấn kinh tế cấp cao của UNDP đánh giá, Quỹ Xắc-xin phòng Covid-19 là lời khẳng định về tinh thần đoàn kết xã hội to lớn của nhân dân Việt Nam. Hơn 8.600 tỷ đồng đã được ủng hộ vào Quỹ là khoản tiền lớn và sẽ giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước vào thời điểm Chính phủ cần dành nhiều nguồn lực cho các khoản trợ cấp xã hội và hỗ trợ người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ, cách Việt Nam huy động nguồn lực từ cá nhân và khu vực tư nhân thông qua việc thành lập Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 rất độc đáo, phản ánh sự đoàn kết, chung tay chống dịch và đây sẽ là hình mẫu về cách huy động toàn xã hội đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế.

Còn theo ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, khoản tiền lớn ủng hộ vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 thể hiện sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ của người dân trong nước và nước ngoài, trong đó có đóng góp của các doanh nghiệp nước ngoài, bởi Việt Nam là một mắt xích cực kỳ quan trọng trong mạng lưới của họ. Riêng cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đóng góp 6,8 triệu USD vào Quỹ.

Nhiều đầu việc cấp thiết

Dù bước đầu có kết quả đáng mừng từ việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân vào công tác chống dịch, nhưng nhiều vấn đề đang đặt ra cho Việt Nam giữa lúc “nước sôi lửa bỏng”.

Song song với việc kêu gọi ủng hộ, TS. Kidong Park cho rằng, Việt Nam cần đảm bảo, các khoản tiền đóng góp vào Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 được sử dụng hiệu quả và minh bạch.

Việc huy động đầy đủ các nguồn lực cho y tế, đặc biệt trong thời kỳ bùng phát Covid-19, là điều cần thiết để bảo vệ người dân, nhưng về lâu dài, TS. Kidong Park khuyến nghị, Chính phủ cần đảm bảo đủ nguồn lực cho y tế thông qua các kế hoạch ngân sách ở cấp trung ương và địa phương để cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đơn cử như tiêm phòng Covid-19. Nguồn cung vắc-xin hạn chế sẽ tiếp tục là một thách thức, không chỉ với riêng Việt Nam, mà còn với các quốc gia khác trên thế giới.

Điều quan trọng là, với lượng vắc-xin đang có và dự kiến nhận được trong năm nay, Chính phủ phải phân phối một cách chiến lược cho những người đang cần nhất, chẳng hạn, ưu tiên nhân viên y tế, đội ngũ tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, những người có bệnh nền và những người có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nhất.

Về mục tiêu tiêm phòng cho 70 - 75% dân số vào quý I/2022, ông Takeo Nakajima tỏ ra băn khoăn, khi “thời gian đang trôi đi rất nhanh. Các công ty, nhà máy, cửa hàng, trường học không thể ngừng hoạt động trong nhiều tháng. Cho nên, mục tiêu đạt 70% miễn dịch cộng đồng vẫn còn nhiều thách thức, nhưng cần thiết”. Chuyên gia này hy vọng, Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 sẽ giúp tăng tốc triển khai tiêm phòng càng nhanh càng tốt.

Từ góc nhìn kinh tế, GS-TS. Jonathan Pincus lo ngại, nhiều khả năng sẽ phải tiêm nhắc lại vắc-xin từ năm sau, bởi nhiều quốc gia ghi nhận tác dụng của vắc-xin bắt đầu mất dần sau khoảng 8 tháng. Việc tiêm nhắc lại sẽ làm tăng thêm đáng kể chi phí tiêm phòng. Đến lúc đó, rủi ro tăng giá vắc-xin sẽ trở thành vấn đề lớn.

“Nếu tiêm nhắc lại là bắt buộc trong những năm tới, vắc-xin Covid-19 có thể đội giá. Cho nên, Chính phủ cần mua vào lượng vắc-xin ở mức giá hiện tại càng nhiều càng tốt, để tránh trường hợp bị dồn vào ‘thị trường vắc-xin giao ngay’ trong năm tới”, GS-TS. Jonathan Pincus hiến kế.

Một cách khách quan, ông Thue Quist Thomasen, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và phân tích dữ liệu YouGov Việt Nam đánh giá, chính sách chống dịch ban đầu của Chính phủ Việt Nam đã phát huy hiệu quả trong việc kiểm soát số ca nhiễm Covid-19 ở mức thấp, nhưng “biên giới không thể đóng cửa mãi mãi” và vắc-xin sẽ cần phải thay thế các biện pháp y tế công cộng không dùng thuốc trong bối cảnh đại dịch nguy cấp như hiện nay. 

Tính đến 17 giờ ngày 29/8/2021, Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận hơn 8.635 tỷ đồng (bao gồm cả ngoại tệ đã quy đổi sang VND) từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Thủ tướng: Cần củng cố, phát huy hiệu quả “pháo đài” chống dịch tại TP.HCM
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các phường, xã tại TP.HCM tiếp tục quán triệt, thực hiện quyết liệt phương châm lấy xã,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư