Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VietinBank lên tiếng về việc không chia cổ tức
Chí Tín - 04/06/2016 10:07
 
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (mã CTG, sàn HOSE) vừa phát đi quan điểm mới nhất của ngân hàng này trong việc không chia cổ tức.
Về dài hạn, VietinBank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50%
Về dài hạn, VietinBank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50%

Theo VietinBank, vì mục đích nâng cao năng lực tài chính - đảm bảo hệ số an toàn và sức mạnh hội nhập, Đại hội đồng cổ đông VietinBank 2016 đã đồng thuận giữ lại lợi nhuận. Đây là quyết định cần thiết và có ý nghĩa chiến lược để VietinBank nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn, tiếp tục phát triển hoạt động, đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế; đồng thời gia tăng sức mạnh để VietinBank hội nhập khu vực và quốc tế.

Trước đó, trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, VietinBank đã nộp về ngân sách khoảng 10 ngàn tỷ đồng, với tỷ lệ chi trả cổ tức bình quân hàng năm từ 10 - 16%.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, để có thể thực hiện các nhiệm vụ kinh tế chính trị được giao cũng như tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các chiến lược kinh doanh, việc nâng cao năng lực vốn đối với VietinBank là hết sức cần thiết và quan trọng.

Do đó, ngân hàng này cho rằng, để tiếp tục phát huy tốt vai trò chi phối, chủ lực của VietinBank, có tầm cỡ khu vực, hội nhập quốc tế thành công, nhu cầu tăng vốn của VietinBank nhằm nâng cao năng lực tài chính, phát triển kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế là tất yếu.

Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi VietinBank đang tiến tới thực hiện tính toán vốn theo Basel II; VietinBank đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực quản trị rủi ro, chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng an toàn bền vững, song để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của Basel II thì nhu cầu tăng vốn của VietinBank là rất cấp thiết.

Trong khi đó, hiện tại dư địa tăng vốn của VietinBank là tương đối hạn chế do hiện tại tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng tối thiểu (64,46%) theo quy định của Chính phủ.

Do đó, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn, việc VietinBank đã đề xuất phương án giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Phương án này cũng đã được các cổ đông thống nhất rất cao, đặc biệt trong đó có các cổ đông chiến lược, cổ đông lớn của nước ngoài.

VietinBank cho rằng, tỷ lệ an toàn vốn là một trong những chỉ số hết sức quan trọng khi đánh giá năng lực tài chính của một tổ chức tín dụng. Thực tế tỷ lệ CAR của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore… Có thể nói, đây cũng là một trong những hạn chế mà hệ thống ngân hàng Việt Nam cần khắc phục để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực cạnh tranh và vươn tầm ra khu vực. Chính vì vậy các cổ đông chiến lược cũng yêu cầu VietinBank phải giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.

VietinBank đề xuất giữ lại lợi nhuận 2015 nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank; đồng thời đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Đề xuất giữ lại lợi nhuận chỉ là một trong số những giải pháp trước mắt đối với VietinBank. Bên cạnh giữ lại lợi nhuận, VietinBank đang triển khai đồng bộ các biện pháp cần thiết khác để tăng vốn và đa dạng hóa cơ cấu vốn tự có, tạo cơ cấu vốn tự có tối ưu, đáp ứng nhu cầu tăng vốn và các giới hạn phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Về dài hạn, VietinBank đề xuất Chính phủ xem xét hạ tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống mức không thấp hơn 50% và bảo đảm quyền sở hữu chi phối của Nhà nước tại VietinBank, có thể xem xét nới  “room” cho nhà đầu tư nước ngoài để tạo điều kiện cho VietinBank có thể thu hút thêm các nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho việc phát triển hoạt động kinh doanh.

Trước đó, Bộ Tài chính vừa gửi công văn chính thức tới Ngân hàng Nhà nước liên quan tới vấn đề chi trả cổ tức bằng tiền mặt của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Vietinbank cho kết quả lợi nhuận năm 2015.

Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người đại diện vốn ở 2 ngân hàng này tiến hành bỏ phiếu lại để quyết định chi trả cổ tức tiền mặt, thay vì không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu như Đại hội đồng cổ đông vừa qua đã quyết định. 

Chủ tịch BIDV: Xin không chia cổ tức, giảm vốn nhà nước về 51%
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay (29/4), chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cũng khẳng định lãi suất cho vay có thể giảm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư