Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
VietinBank sắp tổ chức ĐHĐCĐ 2021: Cổ đông tiếp tục chất vấn phương án tăng vốn?
Thùy Liên - 27/02/2021 15:12
 
VietinBank hiện là ngân hàng TMCP nhà nước duy nhất chưa đạt chuẩn Basel II. Vấn đề tăng vốn của ngân hàng dự kiến còn được cổ đông chất vấn tại ĐHĐCĐ thường niên tới đây.
f
Cổ đông đặc biệt quan tâm tới phương án tăng vốn và chia cổ tức của VietinBank

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank; mã CTG) vừa ban hành nghị quyết về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2021. Theo đó, ngân hàng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ năm 2021 vào ngày 16/4/2021 tới tại Trường Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực VietinBank (Hà Nội).  Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ là ngày 18/3/2021.

Theo thông báo, ĐHĐCĐ VietinBank năm 2021 sẽ thảo luận về một số nội dung như: hoạt động năm 2020 và định hướng năm 2021, phương án phân phối lợi nhuận năm 2020, mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2021…Song, tại ĐHĐCĐ lần này, phương án chia cổ tức, tăng vốn mới là vấn đề cổ đông quan tâm nhất. VietinBank vừa thanh toán cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt (5%) cho cổ đông,  tương đương với quy mô hơn 1.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phương án phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 28,7899% của ngân hàng vẫn chưa được triển khai, ngân hàng cũng chưa công bố thời điểm sẽ thực hiện chi trả cổ tức bằng cổ phiếu này.

VietinBank là ngân hàng TMCP có vốn nhà nước chi phối duy nhất hiện nay chưa đạt chuẩn Basel II. Ngân hàng này đăng ký áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN (TT41) từ ngày 1/1/2021, song đến nay chưa được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II.

Tại ĐHĐCĐ năm 2020, lãnh đạo VietinBank đề nghị không chia cổ tức, dồn toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn hoặc thực hiện phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn tự có để đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, sau đó, chia cổ tức được phê duyệt và đã được cổ đông chấp thuận là: chia cổ tức tiền mặt 5% và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ hơn 28,7%. Theo thông báo, ngân hàng sẽ hoàn tất chia cổ tức bằng cổ phiếu muộn nhất vào quý I/2021 này.

Theo nguồn tin của SSI, VietinBank sẽ đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn  Basel II (Thông tư 41) sau khi tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, ngân hàng cũng đặt mục tiêu duy trì bộ đệm vốn vừa phải với mục tiêu hệ số CAR Basel II là 8,5%. 

Có thể thấy, với mục tiêu nói trên, hệ số CAR của VietinBank cũng chỉ đạt qua mức tối thiểu, điều này cho thấy, áp lực tăng vốn của VietinBank vẫn rất lớn, đặt ngân hàng trước triển vọng tăng trưởng bấp bênh. Do đó, về dài hạn, để thực sự bứt phá, ngân hàng này sẽ phải phát hành vốn cho một hoặc nhiều nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 51% đến năm 2025.    

Trong tình thế này, phương cách và lộ trình giải bài toán tăng vốn của VietinBank vẫn sẽ là vấn đề nóng được chất vấn tại ĐHĐCĐ VietinBank năm nay.

Năm 2020, VietinBank ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ vượt chỉ tiêu với 16.450 tỷ đồng trước thuế,  tăng 40% so với năm 2019 nhờ tăng thu ngoài lãi và tiết kiệm chi phí hoạt động. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là dưới 1% và đã hoàn tất mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC.  

Trong năm 2020, ngân hàng đã ký thành công hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife với thời hạn 16 năm. Giá trị thương vụ chưa được tiết lộ song theo nguồn tin của Bloomberg, hợp đồng thương vụ ước khoảng vài trăm triệu USD. 

Năm 2021, ngân hàng đặt chỉ tiêu tổng tài sản tăng 3-6%, tín dụng tăng 8-11%, lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10-20%.

VietinBank chính thức áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN từ 1/2021
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) thông báo chính thức đăng ký áp dụng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư