Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Viglacera dự kiến lãi giảm 23%, đầu tư thêm 3 khu công nghiệp mới hơn 1.000 ha
Thanh Thủy - 19/06/2020 15:12
 
Có những ý kiến từ phía cổ đông cho rằng mức kế hoạch đề ra khá thận trọng. Nhưng theo lãnh đạo Công ty, ban kế hoạch đã dự trù tác động của đại dịch.

Covid-19 có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực

Không giống với nhiều năm, kỳ Đại hội thường niên năm 2020 của Tổng công ty Viglacera (mã VGC) năm nay được tổ chức tại chính tòa nhà trụ sở tại Đại lộ Thăng Long thay vì Trung tâm hội nghị Quốc gia phía đối diện.

“Đây cũng là một trong các biện pháp nhằm tiết kiệm chí phí của Viglacera trong bối cảnh dịch bệnh. HĐQT tổng công ty tháng trước đã ra nghị quyết yêu cầu các đơn vị cắt giảm chi phí 10%”, ông Nguyễn Anh Tuấn – thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết.

Năm 2020, Viglacera đặt kế hoạch 8.300 tỷ đồng doanh thu và 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, giảm lần lượt 18% và 23% so với năm 2019. Kết quả kinh doanh của công ty mẹ dự kiến lãi giảm 17% xuống còn 600 tỷ đồng.

Theo ban lãnh đạo công ty, bản kế hoạch này đã xem xét đến các yếu tố bất lợi do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của Tổng công ty.

Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các nhà máy trong tổng công ty phải giảm công suất 40-50%. Trước đó, hoạt động quý I của Viglacera tốt và ở thời điểm hiện tại cũng đang hồi phục trở lại.

Lợi nhuận 5 tháng đầu năm của Viglacera đạt 343 tỷ đồng, hoàn thành 43% kế hoạch. Cũng có những ý kiến từ phía cổ đông đề nghị công ty nâng chỉ tiêu lợi nhuận. Ban lãnh đạo cũng cam kết phấn đấu thực hiện cao hơn, nhưng theo tổng giám đốc, công ty muốn đề ra mục tiêu có tính khả thi cao thay vì phải điều chỉnh sau này.

Cụ thể, theo ông Tuấn, kế hoạch mà Viglacera đưa ra tính đến rủi ro có thể dịch bệnh quay trở lại. Và thực tế, ngay cả khi không có dịch Covid-19,  thị trường năm nay đã kém hơn khi nhìn vào số lượng dự án bất động sản mới.

Ngoải mảng vật liệu xây dựng, một mảng kinh doanh quan trọng khác của Viglacera là bất động sản công nghiệp – lĩnh vực tổng công ty đã tham gia từ năm 2000. Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Anh cho biết  ở thời điểm hiện tại công ty đã bán được 110ha/160 ha, tương đương 70% kế hoạch kinh doanh bất động sản khu công nghiệp cả năm.

Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng giúp dịch chuyển nhanh và là cơ hội tiềm năng cho bất động sản khu công nghiệp. Nhưng một ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch chính là sự suy giảm tổng cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đòng, tiền đã chuyển, vẫn chưa sang bàn giao đất hay triển khai dự án. Dịch Covid-19 hoàn toàn có thể khiến các nhà đầu tư phải hoãn lại chương trình đầu tư. Việc ghi nhận lợi nhuận do đó phụ thuộc nhà đầu tư có đầu tư hay không.

Mặc dù đặt ra kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng âm, phương án chia cổ tức năm 2020 dự kiến vẫn đi ngang so với kế hoạch năm trước (10,5%). Cổ tức năm 2019 thực tế nhỉnh hơn (11% bằng tiền mặt). Năm ngoái,  Viglacera ghi nhận doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 10.145 tỷ đồng, vượt 9% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 970 tỷ đồng, cũng vượt 2% kế hoạch.

Đầu tư thêm 1.000 ha khu công nghiệp mới, Bộ Xây dựng dự kiến thoái vốn cuối năm

Trong các nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, Viglacera cũng đề ra nhiều kế hoạch đầu tư. Dự án Nhà máy kính nổi siêu trắng Phú Mỹ giai đoạn 1 với công suất 600 tấn/ngày, dự kiến hoàn thành, đưa vào vận hành trong quý IV/2020; dự án Xí nghiệp khai thác chế biến nguyên liệu của CTCP Thanh Trì dự kiến hoàn thành trong quý IV2020.

Công ty cũng đang nghiên cứu triển khai đầu tư dây chuyền gạch ốp công suất 3 triệu m2/năm tại Công ty Cổ phần Viglacera Thăng Long; nghiên cứu việc mua lại nhà máy sản xuất gạch ốp lát có tiềm năng.

Giải thích về kế hoạch tăng vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Viglacera Tiên Sơn từ 195 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng theo hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu, trong đó Viglacera giữ 51% vốn sau phát hành, lãnh đạo công ty cho biết giai đoạn khó khăn này xuất hiện cơ hội mua bán công ty. Với số tiền vốn tăng lên, Viglacera Tiên Sơn đang có một số kế hoạch, trong đó có thể mua của các nhà sản xuất nước ngoài tại Việt Nam nếu giá cả hợp lý và có phương án kinh doanh tốt.

Ở mảng bất động sản khu công nghiệp, dù nhìn nhận có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, Tổng giám đốc Nguyễn Anh Tuấn cho rằng đây là thời điểm cơ hội đến, cần tập trung làm. Riêng Viglacera cũng sẽ đầu tư vào 3 khu công nghiệp mới với diện tích 1.000 ha. Ngoài ra, Viglacera còn hợp tác làm khu công nghiệp với Gelex – cổ đông lớn của tổng công ty.

Trả lời cổ đông về mối quan hệ hợp tác này, bà Đỗ Thị Phương Lan, thành viên HĐQT, cho biết việc phân chia lợi ích tách bạch chủ đầu tư và nhà phát triển dự án dựa trên quan hệ rất rõ ràng. Phía Viglacera sẽ thu phí phát triển, tương tự một số loại hình bất động sản khác đã áp dụng.

Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ Xây dựng cho biết Bộ dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn tại tổng công ty. Tại Quyết định 1232 /2017 về danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn, Bộ Xây dựng vẫn sẽ nắm giữ 20% vốn Viglacera. Hiện Chính phủ đang chuẩn bị ban hành Quyết định 1232 sửa đổi.

Công tác cổ phần hóa Viglacera mới đây cũng đã xong công tác để bàn giao vốn Nhà nước sang cty cổ phần. “Nếu làm tích cực, tháng 11-12 có thể thực hiện được”, đại diện Bộ Xây dựng cho hay.

Đầu tư tại Cuba ghi nhận kết quả tích cực

Đánh giá của đại diện Bộ Xây dựng, một điều cốt lõi trong thành công của tổng công ty trong năm 2019 là hoạt động đầu tư nước ngoài mà cụ thể là Cu ba. Hiện quốc gia này vẫn chưa bỏ cấm vận nhưng sẽ thay đổi rất nhanh sau khi lệnh cấm vận được bãi bỏ.

Lãnh đạo tổng công ty cũng khá lạc quan về khoản đầu tư này. Cuba giống như bức tranh của Việt Nam 30 năm trước, khi thị trường đang trống, nhiều tiềm năng. Viglacera hiện đang đầu tư tại đây 2 dự án.

Tại nhà máy gạch và sứ, phía Cuba đã đầu tư dây chuyền thiết bị từ Ý nhưng chưa thể vận hành. Viglacera dù mới đầu tư 4 triệu USD, 2 nhà máy đã đi vào hoạt động. Dù điều kiện sản xuất còn phải khắc phục nhưngsản phảm ra đến đâu đều được thị trường tiêu thụ hết. Sản xuất bước đầu ổn định, tiêu thu hết và thu hồi tiền. Công ty đã thu được 215.000 USD dù sản lượng mới ở mức thấp và có lãi. Công ty thứ hai đầu tư hạ tầng tại đặc khu kinh tế với diện tích 150 ha. Điểm thuận lợi khi đầu tư là đặc khu có hạ tầng tốt (cảng nước sâu, đường sắt), được giao đất sạch với giá 2 USD/m2 trả 10 năm. Hiện dự án đã bắt đầu thu hút được nhà đầu tư vào khu công nghiệp.
Vinasun dự kiến năm nay lỗ khoảng 115 tỷ đồng
Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (mã: VNS) dự kiến năm nay lỗ 115 tỷ đồng trong khi năm ngoái ghi nhận lãi hơn 108 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư