Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
VinaCapital quan tâm đầu tư vào tiêu dùng, y tế, nông nghiệp
Phan Hằng - 19/10/2013 06:29
 
Tập đoàn VinaCapital vừa tổ chức “Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2013”, với mục đích đánh giá lại hoạt động đầu tư của các quỹ do VinaCapital quản lý trong năm tài chính 2012, nhìn nhận toàn cảnh môi trường đầu tư và các cơ hội tiềm năng trong thị trường chứng khoán, bất động sản, vốn và hạ tầng cơ sở tại Việt Nam.

Hội nghị quy tụ hơn 80 khách mời là nhà đầu tư, chuyên gia kinh tế và đối tác của VinaCapital tại Việt Nam và thế giới tham dự, trong đó có nhiều người đang đầu tư tại Việt Nam thông qua các quỹ VinaCapital và các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Tập đoàn VinaCapital vừa tổ chức “Hội nghị các nhà đầu tư VinaCapital 2013”

Tại buổi họp, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital đưa ra những dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Theo đó, tăng trưởng GDP năm nay đạt 5 - 5,5%. Đây là con số được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cao. Lạm phát được dự báo ở mức 6,5 - 7% - mức tương đối thấp so với các năm trước.

Lãi suất vẫn khá ổn ở mức 6,5 - 7%/năm, cán cân xuất nhập khẩu không chênh lệch nhiều...

Theo ông Andy Ho, từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán sẽ dao động quanh mức 500 điểm.

Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng khoảng 20%. Từ nay đến năm 2014, lĩnh vực mà VinaCapital quan tâm đầu tư là những ngành như hàng tiêu dùng, y tế, nông nghiệp…

Ông Andy Ho chia sẻ, những rủi ro mà nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam chủ yếu đến từ yếu tố vĩ mô như tỷ giá, lạm phát, hệ thống ngân hàng và rủi ro khi đầu tư vào quỹ. Cụ thể, khi đầu tư vào các quỹ tại Việt Nam, có thể lợi nhuận mà quỹ mang lại thấp hơn kỳ vọng của họ, tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) không cao, khiến chiết khấu giữa NAV và thị giá lớn.

Ông Andy Ho cho biết, từ tháng 7 đến nay, riêng phần đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết của VOF tăng trưởng 9,3%, cao hơn nhiều so với mức tăng của chỉ số VN-Index là 3%. Qua đó cho thấy, VinaCapital đầu tư khá hiệu quả. Tuy nhiên, chiết khấu giữa NAV và thị giá chứng chỉ quỹ VOF khá cao, khoảng 29%, do nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài không cân bằng với lượng cung của quỹ, một phần vì quỹ có những tài sản có tính thanh khoản không cao như bất động sản, khách sạn.

Quỹ đầu tư bất động sản VNL có NAV là 488,5 triệu USD, của quỹ đầu tư hạ tầng cơ sở VNI là 192,7 triệu USD. Đối với Quỹ VNI, tài sản niêm yết chiếm hơn 30% NAV của quỹ có thanh khoản cao, tập trung phần lớn là đầu tư vô trạm phát sóng. Hiện tiền mặt của quỹ khoảng hơn 30 triệu USD, dự kiến sẽ được tiếp tục giải ngân vào các dự án hạ tầng mới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo lập môi trường cạnh tranh, bình đẳng; cải cách hành chính và phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh rằng, Việt Nam sẽ tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng bền vững, tập trung vào 3 lĩnh vực là đầu tư công, tài chính - ngân hàng và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Đó cũng là những lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư của VinaCapital có thể tham gia.

Nhiều quỹ đầu tư tìm cơ hội ở công nghệ số
Các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế như IDG Ventures, Right Ventures, Sequoia Ventures, Unitus impact, DFJ VinaCapital... sẽ có mặt tại Triển lãm Quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư