Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
M&A vẫn còn phải đi đường vòng
Ngọc Khôi - Thu Hương - 15/08/2013 13:30
 
Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho rằng, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam tuy đã tăng lên, nhưng vẫn còn rất ít thương vụ thành công, một phần lớn là do khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện.

Thưa ông, hoạt động M&A năm 2012 có điểm gì nổi trội?

Đã có một vài thương vụ thành công, nhưng trong 6 - 12 tháng trở lại đây, số thương vụ thoái vốn, cũng như mua lại, đầu tư và hợp tác đầu tư không cao so với thời kỳ trước khi kinh tế rơi vào khủng hoảng.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital

Lý do là, mặt bằng giá các tài sản bán còn quá cao so với lãi suất, nên gây không ít khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài muốn M&A với các doanh nghiệp trong nước.

Lãi suất đang trong xu hướng giảm sẽ là yếu tố thuận lợi hơn cho hoạt động M&A sắp tới.

Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp thông báo hoặc lên kế hoạch thoái vốn khỏi dự án này, dự án kia, nhưng không dễ tìm được người mua. Theo ông, đâu là lý do?

Nhiều chủ đầu tư muốn bán dự án bất động sản, nhưng số lượng thương vụ thành công không nhiều.

Nguyên nhân là do bên bán chưa chấp nhận mức giá thị trường (giá bên mua có thể chấp nhận mua).

Điều đó có nghĩa là, chủ đầu tư dù khó khăn, nhưng không chịu áp lực lớn đến mức phải bán thấp hơn giá mà họ muốn?

Chính xác. Nếu thị trường các nước như Mỹ, chủ đầu tư chịu áp lực từ nhiều phía, để buộc phải giải quyết dứt khoát, khiến giá bất động sản giảm rất mạnh, thì ở Việt Nam, các doanh nghiệp chưa phải chịu áp lực khắc nghiệt.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có các biện pháp để cầm cự và họ có thể thương thảo với ngân hàng để tìm giải pháp chung…

Thiếu áp lực sẽ làm chậm quá trình tái cơ cấu tài sản của bản thân doanh nghiệp hay của cả nền kinh tế?

Nếu các doanh nghiệp được hỗ trợ vượt qua khó khăn mà không phải bán tài sản, sau này tài sản tăng giá trở lại, kinh tế phục hồi, thì quyết định hôm nay là đúng.

Tuy nhiên, nếu cứ “nhìn nhau” như bây giờ và những năm tiếp theo vẫn như vậy, tài sản không tăng giá, thì đương nhiên, sự chậm trễ trong tái cơ cấu sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Điểm sáng hiện nay là đã xuất hiện một số thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp niêm yết và/hoặc với các công ty cổ phần khác như những thương vụ Masan đã làm vừa qua?

Chỉ là một vài thương vụ. Ở những thị trường khác, các thương vụ M&A dạng này xảy ra thường xuyên, nhất là với các doanh nghiệp vừa có giá trị vốn hóa thấp, cổ phiếu thanh khoản thấp trên sàn sẽ được các nhà đầu tư mua lại, rót vốn vào để tái cấu trúc.

Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, do môi trường pháp lý chưa tạo điều kiện cho hoạt động như vậy, nên các thương vụ diễn ra chưa nhiều.

Và nếu có, thì phải đi đường vòng, chứ khó thẳng thừng mang phương án chào mua ra thảo luận công khai để thực hiện.

VinaCapital sẽ tiếp tục tìm kiếm dự án đầu tư ở những lĩnh vực nào, thưa ông?

Chúng tôi đang rất muốn đầu tư vào các bệnh viện và trường học, nhưng không có doanh nghiệp phát triển viện trường thành hệ thống đáp ứng tiêu chí đầu tư. Chúng tôi đang xem xét 4 - 5 cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp đầu ngành ở một số lĩnh vực khác, nhưng hiện tại khó nói cụ thể, vì quá trình xem xét, thương thảo có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm.

Thời điểm vàng để M&A đàm phán giá tốt nhất
Kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ hồi phục sau 3 năm nữa và nhà đầu tư dài hạn sẽ trở lại. Vì vậy, đây là giai đoạn tốt để các giao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư