Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
VinaCapital rót 17 triệu USD đầu tư vào Nhựa Ngọc Nghĩa
Hồng Phúc - 15/10/2019 16:20
 
VinaCapital dẫn đầu một nhóm các tổ chức đầu tư 21,4 triệu USD vào Công ty cổ phần Công Nghiệp Dịch Vụ Thương Mại Ngọc Nghĩa. Trong đó, VOF (Vietnam Opportunity Fund Ltd thuộc VinaCapital) đầu tư 17 triệu USD và có 2 “ghế” trong Hội đồng quản trị Ngọc Nghĩa.

Tỷ lệ cổ phần đổi lấy 17 triệu USD đầu tư từ VOF không được tiết lộ.

Theo lời giới thiệu của Vinacapital, Ngọc Nghĩa là nhà sản xuất sản phẩm Bao bì PET (polyetylen terephthalate) có thị phần lớn nhất tại Việt Nam.

Tại 3 xưởng sản xuất, Ngọc Nghĩa sản xuất khoảng 3,7 tỷ khuôn, chai và nắp chai mỗi năm. Với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 15,3% giai đoạn 2016-2018, dự kiến doanh thu năm 2019 của Ngọc Nghĩa là 74 triệu USD từ hoạt động kinh doanh PET cốt lõi.

Ngọc Nghĩa được thành lập từ năm 1993 với hoạt động sản xuất kinh doanh chính là bao bì nhựa cao cấp, chai nhựa PET dùng trong công nghệ thực phẩm, nước giải khát. 

Đến năm 2009, Ngọc Nghĩa tham gia vào lĩnh vực thực phẩm khi thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm Đông Á (DAF) hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo và Công ty cổ phần Thực phẩm Hồng Phú (HPF) sản xuất nước chấm (sở hữu thương hiệu nước chấm Kabin, Thái Long).

Theo kỳ vọng ban đầu, sau 3 năm thành lập, Hồng Phú sẽ trở thành 1 trong 3 nhà cung cấp các sản phẩm nước chấm hàng đầu Việt Nam và sau đó phải dời sang năm 2014-2015.

Và thực tế, không phải lĩnh vực cốt lõi, tình hình kinh doanh trong mảng mới này không đạt kỳ vọng và dần khiến các cổ đông mất niềm tin. 

Mâu thuẫn này được xem là lý do khiến đầu năm 2015, Red River Holding thoái vốn khỏi Nhựa Ngọc Nghĩa sau 6 năm đầu tư.

Quý I/2018, Ngọc Nghĩa đã thực hiện chuyển nhượng công ty con là Hồng Phú. Tuy nhiên, toàn bộ 8,1 triệu cổ phần tại Hồng Phú được chuyển nhượng cho một cá nhân với tổng giá trị chỉ là 810 triệu đồng, tương ứng 100 đồng/cổ phần.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã soát xét cho kỳ 6 tháng, kết thúc ngày 30/06/2019, vốn điều lệ của Ngọc Nghĩa là 522,5 tỷ đồng, với mã chứng khoán NNG (Upcom), giao dịch ngày đầu tiên vào 31/03/2015.

Hiện Ngọc Nghĩa có 4 công ty con đều sản xuất sản phẩm từ nhựa, bao bì nhựa gồm Công ty TNHH MTV PET Quốc Tế, Công ty TNHH MTV Nhựa P.E.T Việt Nam, CTCP Nắp Toàn cầu và Công ty TNHH MTV Bao bì quốc tế Ngọc Nghĩa.

Khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn của Ngọc Nghĩa tăng hơn 53 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019 nhằm mục đích đầu tư xây dựng, mua 3 xe ô tô Lexus LS500H, Toyota Innova và Kia Sedona tổng trị giá hơn 9.3 tỷ đồng… 

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VOF cho rằng, Ngọc Nghĩa là ví dụ hoàn hảo của một công ty dẫn đầu thị trường mà VOF muốn đầu tư vào. Đội ngũ quản lý của công ty này có kinh nghiệm và nhận ra sự cần thiết phải đổi mới vào các lĩnh vực mới như đóng gói sữa và đồ uống có cồn.

Về phía Ngọc Nghĩa, bà La Bùi Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành nói, khi đưa ra kế hoạch mở rộng khả năng sản xuất cũng như thâm nhập thị trường, đặc biệt ở khu vực miền Bắc, Ngọc Nghĩa đã xem xét hàng loạt các lựa chọn đầu tư tài chính. 

Ngọc Nghĩa bắt tay hợp tác với VinaCapital khi cho rằng, Quỹ này không chỉ có thế mạnh về vốn đầu tư mà còn có thể trở thành đối tác của họ trong hỗ trợ kinh nghiệm kinh doanh.

M&A gặp thời vì quỹ thoái vốn
Áp lực thoái vốn của các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra nguồn cung dồi dào cho thị trường mua bán, sáp nhập (M&A).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư