Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vinacomin nói gì về thông tin “sai phạm lên đến gần 15.000 tỷ đồng”
Thanh Hương - 05/01/2018 09:09
 
Bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng ban Pháp chế Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nói về việc Tập đoàn có sai phạm với số tiền lớn lên đến 15.000 tỷ đồng như các thông tin gần đây.

Đầu tư nhiều dự án không hiệu quả

Trước đó, sau khi thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và một số đơn vị thành viên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị xử lý tổng số tiền gần 15.000 tỷ đồng và 6,7 triệu m2 nhà, đất sai phạm.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Vinacomin đã quyết định chủ trương và quản lý quá trình thực hiện đầu tư tài chính thuộc ngành nghề kinh doanh chính thiếu cơ sở pháp lý và thực tiễn, vi phạm các quy định của pháp luật, bảo lãnh trả nợ vay vượt thẩm quyền. Điều này dẫn tới hậu quả, một số khoản đầu tư không hiệu quả, thua lỗ, mất vốn với giá trị rất lớn.

Sản xuất than là nhiệm vụ chính của Vinacomin
Sản xuất than là nhiệm vụ chính của Vinacomin (ảnh: Vinacomin)

Đơn cử, Công ty liên doanh Công nghiệp kẽm Việt Thái lỗ trên 297 triệu đồng, mất hết vốn chủ sở hữu và nợ Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên 24,6 tỷ đồng; xác nhận bảo lãnh vượt thẩm quyền, dẫn đến Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên phải có trách nhiệm xử lý khoản nợ phải trả cho Ngân hàng Eximbank Thái Lan cả gốc và lãi trên 13.785.678 USD.

Tại Công ty cổ phần Crômmit Cổ Định (Thanh Hoá), Vinacomin quyết định, thực hiện đầu tư gần 437 tỷ đồng khi chưa đủ điều kiện cần thiết, chưa được gia hạn giấy phép khai thác quặng, lỗ luỹ kế đến 30/6/2015 là 113,5 tỷ đồng.

Việc góp trên 870 tỷ đồng tại Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê cũng được cho là thiếu sự khảo sát, tính toán về các điều kiện cần thiết và hiệu quả đầu tư, dẫn đến đọng vốn trong thời gian dài, gây lãng phí.

Kết luận thanh tra chỉ rõ một số khoản đầu tư ra nước ngoài nhưng không được Vinacomin thực hiện điều tra, khảo sát kỹ để lập, thẩm định, phê duyệt phương án và quyết định đầu tư phù hợp với thực tế và quy định dẫn tới lỗ, mất vốn trên 380,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, hàng loạt động thái của Vinacomin cũng được Thanh tra Chính phủ cho là bất hợp lý như việc tiến hành thu phí sử dụng thương hiệu Vinacomin đối với các đơn vị cổ phần có vốn góp chi phối trong năm 2013 và năm 2015 với trên 141 tỷ đồng; điều chỉnh tăng sai chi phí do khuyến khích sản lượng và chất lượng không được thoả thuận trong hợp đồng phối hợp kinh doanh từ năm 2010-2014 làm tăng doanh thu bất hợp lý cho các công ty cổ phần 124 tỷ đồng; điều chỉnh doanh thu cho các công ty sản xuất than theo chênh lệch tỉ lệ AK (độ tro) làm tăng giá than mua tại các công ty (Tuyển than Hòn Gai, Cửa Ông, Kho vận và Cảng Cẩm Phả và Kho vận Hòn Gai) trên 410 tỷ đồng; giá trị than do chênh lệch tỷ lệ AK giữa cách tính theo quy định của TKV và thực tế thu hồi được tại các đơn vị sàng, tuyển trị giá gần 1.834 tỷ đồng.

“Đưa ra các quy chế, thực hiện hợp đồng phối hợp kinh doanh chưa phù hợp với thực tế của cơ chế thị trường và quy định của pháp luật; thiếu tính cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài Vinacomin, giảm tính chủ động sáng tạo; khép kín hầu hết các công đoạn sản xuất, kinh doanh, dễ phát sinh cơ chế xin cho, tiêu cực như việc thực hiện cơ chế mua sắm máy móc, thiết bị, làm tăng giá thành sản xuất than trên 172 tỷ đồng” - kết luận thanh tra thể hiện.

Vinacomin chưa “tâm phục, khẩu phục”?

Bà Đặng Thị Tuyết cho hay, do còn nhiều ý kiến khác nhau giữa Thanh tra Chính phủ với Vinacomin và các Bộ, ngành, ngày 20/12/2017, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về Kết luận thanh tra số 2810 của Thanh tra Chính phủ (có sự tham gia của các Bộ: Công an, Tài chính, Công thương, Xây dựng, TN&MT, Tổng cục thuế) và đã chỉ đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính và TTCP về một số nội dung còn ý kiến khác nhau. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến chính thức đồng ý với Kết luận Thanh tra và Thanh tra Chính phủ cũng chưa tổ chức công bố Kết luận Thanh tra tại Tập đoàn.

Cụ thể, theo bà Đặng Thị Tuyết, liên quan đến con số hơn 8.320 tỷ đồng Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công thương chủ trì xử lý, bao gồm nhiều khoản, trong đó có hơn 3.300 tỷ lỗ chênh lệch tỷ giá của Tổng công ty Điện lực TKV chưa được tính trong giá bán điện (theo Thông tư số 41 của Bộ Công Thương) dẫn đến phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá tại đơn vị này; hay khoản gần 4.600 tỷ đồng tính toán khối lượng đất đá vận chuyển trong khai thác lộ thiên TKV thực hiện theo quy định chuyên ngành khai thác mỏ lộ thiên trong khi Thanh tra Chính phủ lại tính theo một cách khác không thống nhất về phương pháp tính toán (một chỉ tiêu theo quy định ngành mỏ, một chỉ tiêu lấy theo ngành xây dựng)…

Liên quan đến khoản tiền Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Tài chính chủ trì xử lý gần 124 tỷ đồng và kiến nghị thu hồi về NSNN hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1.635 tỷ đồng thuế tài nguyên than, Vinacomin cho rằng, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tăng thu thuế tài nguyên là không có cơ sở do xác định không đúng đối tượng nộp thuế và giá tính thuế. Vinacomin đã kê khai và nộp thuế tài nguyên theo đúng Luật thuế tài nguyên và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, đề xuất xử lý. Bộ Tài chính các Công văn số 816/BTC-TCT ngày 26/7/2017; số 14930/BTC-TCT ngày 03/11/2017 và số 16470/BTC-TTr ngày 06/12/2017 gửi TTCP nêu rõ cách xác định thuế tài nguyên của TKV phù hợp quy định. Hội tư vấn thuế Việt Nam cũng có Công văn số 44/HTVT do Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Cúc ký ngày 27/11/2015 nêu rõ Vinacomin thực hiện kê khai, nộp thuế tài nguyên phù hợp quy định…

Trong các vụ việc Thanh tra Chính phủ có ý kiến chuyển sang Cơ quan điều tra xem xét, một số vụ việc là rủi ro phát sinh trong hoạt động doanh nghiệp và hoạt động khảo sát thăm dò khoáng sản, một số vụ việc Vinacomin đã thực hiện theo chủ trương của Chính phủ, một số vụ việc đã được cơ quan pháp luật có thẩm quyền xử lý…)

Tồn kho lớn, Vinacomin lo tái cơ cấu
Tiêu thụ than khó khăn, các sản phẩm khoáng sản khác cũng giảm giá nhiều, thuế phí tăng cao khiến ngành than phải tìm mọi cách giảm chi phí, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư