Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vinaconex tháo vòng kim cô “trói” room ngoại
Thuận An - 01/11/2019 08:11
 
Gần một năm qua, nhà đầu tư ngoại không được phép mua thêm cổ phiếu VCG sau khi doanh nghiệp này giảm room ngoại về 0%.

Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) vừa thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa áp dụng đối với doanh nghiệp này là 49%, thay vì mức 0% hiện tại. Quyết định trên được Ủy ban Chứng  khoán Nhà nước đưa ra hôm 30/10.

“Room” ngoại của Vinaconex đã giảm xuống mức 0% từ đầu tháng 11/2018. Trước khi room ngoại bị “bó” lại, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu gần 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Dù không buộc phải bán cổ phần để đưa room ngoại về 0% nhưng khối ngoại cũng không có cơ hội mua thêm cổ phiếu trong suốt 1 năm qua.

Quy định về room ngoại đã có sự thay đổi kể từ khi Nghị định 60/2015 và sau đó là Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn có hiệu lực. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ lệ trên thực hiện sau đó tới 3 năm. Vinaconex đã thông báo tới UBCKNN 2 ngành nghề trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 0% và 5 ngành nghề chưa xác định được tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở thời điểm hai cổ đông lớn là SCIC và Viettel thoái vốn. 

Hai ngành nghề đăng ký gồm bán buôn thuốc lá và bán xăng dầu thực tế đều không phải là lĩnh vực mà Vinaconex đang hoạt động kinh doanh. Từ đầu tháng 1/2019, phương án bỏ các ngành nghề kinh doanh để khôi phục lại “room” ngoại đã được ban lãnh đạo mới của Vinaconex nhắc đến. An Quý Hưng, doanh nghiệp nội tư nhân, đã mua lại cổ phần do hai cổ đông nhà nước rút vốn và đang sở hữu 57,7% vốn.

Vinaconex trở lại ngành cấp nước với dự án hơn 11 ha tại Sapa
Dự án hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa thực hiện theo hình thức BOO có công suất 15.000m3 nước/ngày đêm. Tổng mức đầu tư của dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư