Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vinalines lại xin bán đồng nát 6 tàu biển
Anh Minh - 15/06/2016 16:42
 
Việc thanh lý 6 tàu đang đóng dở dang theo dạng sắt vụn sẽ làm đầy thêm gánh nặng thua lỗ của Vinalines.

Đầu tư 10 thu không nổi 1

Sáu tàu biển đóng dở dang vừa được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) xin ý kiến liên bộ Tài chính - Giao thông - Vận tải tiến hành thanh lý gồm 2 tàu hàng rời trọng tải 47.400 DWT, ký hiệu vỏ HB02, HB03; 1 tàu container 1.800 TEU ký hiệu vỏ HV03; 3 tàu 22.500 DWT ký hiệu vỏ BV10, BV11, BV12.

Trong số này, lớn nhất là lô tàu 47.400 DWT do Công ty Đóng tàu Hạ Long thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) đảm nhận. Đây là hai con tàu chở hàng trong dự án đóng mới 4 tàu 47.500 tấn nằm của Vinalines, có chiều dài lên tới 190 m, rộng 32,2 m, chiều cao mạn 17 m, mớn nước thiết kế 10,7 m. Các tàu có 5 hầm hàng, nắp đóng mở bằng píttông thủy lực; tổng dung tích hầm hàng 64.500 m3; công suất máy chính 8.730 kW của Hãng Warsila (Phần Lan), tốc độ 14,2 hải lý/giờ.

Việc dừng thực hiện và thanh lý 6 tàu dang dở là cấp thiết, nhằm cắt lỗ, tái cơ cấu đội tàu của Vinalines. Ảnh: Đức Thanh
Việc dừng thực hiện và thanh lý 6 tàu dang dở là cấp thiết, nhằm cắt lỗ, tái cơ cấu đội tàu của Vinalines. Ảnh: Đức Thanh

Theo thông tin từ Vinalines, với mức đầu tư lên tới 4.386 tỷ đồng, lô 6 chiếc tàu này được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo, năng lực của “anh cả đỏ” trong lĩnh vực vận tải biển, đồng thời mang lại cú hích cho ngành đóng tàu. Tuy nhiên, kể từ sau các lễ đặt ky được tổ chức hoành tráng trong giai đoạn 2008 - 2010, số phận của các con tàu này luôn là một điều bí ẩn, cho đến khi Vinalines xin “hóa kiếp” chúng khi hình hài vẫn còn đang dang dở.

Cần phải nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên mà Vinalines phải xin ý kiến của liên Bộ Tài chính - GTVT cho việc thanh lý khối tài sản thuộc quyền quản lý của mình.

Theo điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ - CP ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Vinalines phải có trách nhiệm giải trình rõ nguyên nhân không có khả năng thu hồi vốn với cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan tài chính cùng cấp trước khi nhượng bán tài sản để thực hiện giám sát.

Trong khi đó, tính toán của Vinalines cho thấy, dự kiến số tiền thu do bán các tàu đầu tư dang dở này chỉ được 27,8 tỷ đồng (bình quân mỗi tàu bán chưa nổi 500 triệu đồng), trong khi tổng số tiền mà Vinalines đã “bơm” vào Dự án đã được kiểm toán lên tới 539,1 tỷ đồng.

“So sánh tổng giá trị đã đầu tư của 6 tàu với giá trị thu được khi thanh lý, Tổng công ty sẽ mất vốn đầu tư khoảng 511,2 tỷ đồng”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines xác nhận.

“Chết” tốt hơn “sống”

Trước đó, Vinalines đã rà soát, tính toán lại các dự án đóng tàu với các chỉ số thị trường hiện tại và với giá thành đóng tàu như đã chốt với các công ty đóng tàu. Kết quả tính toán cho thấy, dù xoay xở kiểu nào thì các dự án cũng không hiệu quả, không có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Mặt khác, sau khi đã cân nhắc 3 phương án xử lý: dừng đóng tàu thanh lý tài sản dở dang; tiếp tục hoàn thiện tàu, khai thác; hoàn thiện, bán theo giá tàu sống, Vinalines thấy phương án dừng đóng tàu thanh lý tài sản dở dang có tổn thất thấp nhất.

Theo ông Tĩnh, các tàu nêu trên được Vinalines đầu tư trong giai đoạn thị trường vận tải biển đang phát triển nóng, giá tàu đang ở mức đỉnh nên giá trị đầu tư lớn. Tại thời điểm hiện nay, giá tàu lại đang ở mức đáy của thị trường mua bán tàu biển, cộng với các tổng đoạn của các tàu dang dở được thanh lý theo dạng sắt vụn, nên một loạt hạng mục có chi phí đầu tư lớn đã được đưa vào giá trị quyết toán như chi phí nhân công, đăng kiểm, thiết kế, năng lượng, vận chuyển không còn giá trị… nên việc không thu hồi đủ vốn đầu tư là điều tất yếu.

Điều đáng nói là, hiện Vinalines cũng chờ ý kiến của Bộ GTVT về việc bán thanh lý 6 tàu đang khai thác với tổng trọng tải gần 250.000 DWT, trong đó 2 con tàu Vinalines Global và Vinalines Trader có trọng tải mỗi chiếc trên dưới 70.000 DWT. Đây đều là tàu chở hàng khô và được xếp vào loại tàu già khi tuổi đời đã lên đến 20 năm. Trong danh sách này có cả tên một trong những chiếc khá mới là Vinalines Ruby (chuyên chở container) được Vinashin đóng vào năm 2012. Còn lại là 3 tàu Fortuna, Ocean và Star.

Theo Vinalines, tàu Fortuna được doanh nghiệp này mua hơn 341 tỷ đồng, nay dự kiến bán chỉ hơn 34,8 tỷ đồng; tàu Vinalines Star được mua với giá gần 378 tỷ đồng, nay bán 34,4 tỷ đồng; tàu Vinalines Ocean có giá mua hơn 376 tỷ đồng và mức bán thanh lý dự kiến là 34,4 tỷ đồng…

Vinalines vẫn đang trong giai đoạn rất khó khăn.  Trong 5 tháng đầu năm 2016, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 796 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch; lỗ lũy kế 99,7 tỷ đồng; tổng công nợ phải trả lên tới 7.500 tỷ đồng.

“Mặc dù không đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, nhưng việc dừng thực hiện và thanh lý 6 tàu dang dở là cấp thiết nhằm cắt lỗ, tái cơ cấu đội tàu, giảm gánh nặng tài chính cho Vinalines, đặc biệt khi đơn vị chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần”, ông Tĩnh giải thích.

Vinalines lên tiếng về số phận đội tàu nát Lash Sông Gianh bỏ không 8 năm của Vinashinlines
Vinashinlines (công ty con của Vinalines) vẫn chưa thể rũ được cục nợ lớn từ hệ thống tàu lash chuyên dùng chở xà lan mang tên Sông Gianh đã dừng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư