Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vinasun từ chối hòa giải với Grab
Việt Dũng-B.Minh - 27/12/2018 08:13
 
Grab đề nghị góp 65 tỉ đồng hợp tác với Vinasun, phía Vinasun cho hay, do nội dung đàm phán Grab đưa ra không gắn với nội dung vụ án và không gắn với mối quan hệ nhân quả nên Vinasun không chấp nhận.

Sáng 26/12/2018, sau khi hòa giải không thành, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở lại phiên xử lần thứ 6 giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng gần 42 tỷ đồng.

Grab muốn góp 65 tỉ đồng hợp tác với Vinasun

Mở đầu phiên xét xử, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX) về nội dung hòa giải, đại diện Vinasun cho rằng, trong thời gian vừa qua 2 bên đã gặp nhau và đã cố gắng hòa giải nhưng không thành công, do vậy đề nghị HĐXX tiếp tục vụ án.

Trong phần xét hỏi, phía Vinasun tiếp tục tố Grab không đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho các tài xế. Tuy nhiên, đại diện Grab cho hay, lái xe không thuộc thành phần người lao động của Grab, mà là thuộc người lao động của các đối tác của Grab (là các Hợp tác xã). Do vậy, đây là trách nhiệm của các Hợp tác xã chứ không phải thuộc trách nhiệm của Grab.

Trong phiên xét xử sáng nay, HĐXX muốn Grab và Vinasun xác nhận lại có hay không việc khi Grab đề nghị hòa giải thì Grab có đưa ra giải pháp mua lại cổ phiếu của Vinasun, với giá 65 tỉ đồng để hướng đến một hợp tác kinh doanh trong tương lai.

Phía Vinasun trả lời do nội dung đàm phán Grab đưa ra không gắn với nội dung vụ án và không gắn với mối quan hệ nhân quả nên Vinasun không chấp nhận.

Đại diện Vinasun trình bày
Đại diện Vinasun trình bày

Còn theo đại diện Grab, với đề nghị mua cổ phiếu của Vinasun, Grab xem đó là hoạt động đầu tưdoanh nghiệp này kỳ vọng sự hợp tác bằng cách này hay cách khác để hoạt động kinh doanh của Grab tốt hơn.

"Chúng tôi khẳng định Vinasun hoàn toàn có thể dựa vào vụ kiện này để muốn xem xét lại Nghị định 86. Nhưng nếu như vậy thì liệu đây có phải là nơi để Vinasun đưa ra lập luận này hay không? Mục đích của Vinasun là muốn triệt tiêu cái mới, triệt tiêu mô hình kinh doanh mới. Đây mới là mấu chốt của vấn đề", đại diện Grab nhấn mạnh.

Grab cho rằng tuy khởi kiện đòi bồi thường nhưng mục đích Vinasun không phải vì tiền, vì nếu đúng thì Vinasun đã không từ chối lời đề nghị hợp tác trị giá 65 tỉ đồng của Grab hoặc Vinasun có quyền đưa ra các giải pháp có lợi hơn yêu cầu của Vinasun. "Chúng tôi rất mệt mỏi trong 17 tháng theo đuổi vụ kiện mà lỗi không phải do mình gây ra. Chúng tôi mong muốn Vinasun không tốn thời gian cho vụ kiện vô nghĩa này. Việc muốn mua cổ phần Vinasun được coi là một hoạt động đầu tư, chúng tôi kỳ vọng hợp tác cùng Vinasun và kết thúc vụ án một cách tốt đẹp", đại diện Grab chia sẻ.

Sau khi các bên kết thúc phần tranh luận, HĐXX thông báo sáng 28/12, đại diện VKS sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án.

Vinasun có mục đích khác?

Trả lời Báo chí ngay sau phiên xét xử, Luật sư Lưu Tiến Dũng, người đại diện và bảo vệ quyền lợi cho Grab cho biết, vấn đề hoà giải hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí và thiện chí của hai bên. Vì hai bên không giải quyết vụ kiện này bằng con đường tự thoả thuận với nhau, cho nên, theo quy định của luật tố tụng thì toà phải tiếp tục xử vụ kiện.

Tuy nhiên, trong phiên xử sáng nay thì có thể thấy Vinasun khởi kiện vụ kiện này không phải là vấn đề bồi thường thiệt hại, mà sử dụng phiên tòa như một diễn đàn để can thiệp vào hoạt động hành pháp của cơ quan chính phủ.

"Chúng tôi rất mệt mỏi trong 17 tháng theo đuổi vụ kiện mà lỗi không phải do mình gây ra. Chúng tôi mong muốn Vinasun không tốn thời gian cho vụ kiện vô nghĩa này. Việc muốn mua cổ phần Vinasun được coi là một hoạt động đầu tư, chúng tôi kỳ vọng hợp tác cùng Vinasun và kết thúc vụ việcmột cách tốt đẹp", Đại diện Grab chia sẻ tại tòa

Cũng theo ông Lưu Tiến Dũng, có hai mấu chốt cơ bản: Thứ nhất, việc Grab tham gia vào thị trường ở Việt Nam là do quyết định của thủ tướng chính phủ và Chính phủ Việt Nam, thông qua đề án 24 cho phép thực hiện thí điểm mô hình kinh doanh có sử dụng những ứng dụng công nghệ phần mềm. Như vậy, việc quản lý những hoạt động như thế này, đánh giá xem xét cái hoạt động này thuộc thẩm quyền của chính phủ có cho tiếp tục thực hiện hay không và thực hiện như thế nào, quản lý ra sao về nhiều khía cạnh,… thì rõ ràng, đây là cái vấn đề thuộc cơ quan quản lý chứ không phải thông qua một phiên toà”.

Thứ hai, diễn biến trong toà đã chỉ rõ là: Vinasun khởi kiện vụ kiện này không phải là vấn đề bồi thường thiệt hại, mà sử dụng diễn đàn của toà án này để can thiệp vào hoạt động hành pháp của cơ quan chính phủ. Tôi cho rằng, đây là vấn đề cực kỳ mấu chốt, cực kỳ quan trọng. Nếu như, việc toà án đưa ra phán quyết, không bác bỏ yêu cầu khởi kiện của Vinasun thì sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu.

Luật sư Grab tại tòa
Luật sư Grab tại tòa

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Jerry Lim, Tổng giám đốc Grab Việt Nam cho biết, tại phiên tòa sáng nay, Vinasun tiếp tục cho rằng “không công bằng”, nhưng thực tế là, chính Vinasuncũng đã chuyển từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình nhượng quyền, trong đó, tài xế không còn là người lao động của công ty, mà trở thành đối tác của công ty. Điều này được thể hiện rất rõ trong trang cuối của Báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2017 của Vinasun.

Ngoài ra, không có lý do gì để Vinasun than phiền về sự khác biệt trong điều kiện kinh doanh nữa khi mà Vinasun cáo buộc rằng Grab đang hoạt động kinh doanh taxi, đặc biệt là khi kết luận gần đây của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương (VCA) đã có cách tiếp cận khác khi điều tra tập trung kinh tế đối với giao dịch Grab – Uber tại Việt Nam. Trong kết quả điều tra của mình, VCA cho rằng, thị phần kết hợp của Grab và Uber trên thị trường liên quan là vượt quá 30%, có nghĩa là các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe công nghệ (Grab) và các công ty taxi (Vinasun) không hoạt động trên cùng một thị trường. Điều này có ngha là cơ quan này đã không cho rằng Grab đang cạnh tranh trực tiếp với Vinasun như phía Vinasun cáo buộc. Theo đó, sẽ hoàn toàn không có cơ sở gì để Vinasun cáo buộc rằng những thiệt hại của họ là do hoạt động kinh doanh của Grab trên cùng thị trường gây ra.

“Chúng tôi hy vọng vụ kiện này sớm kết thúc để tất cả các bên có thể tập trung vào đổi mới, sáng tạo và phục vụ cho lợi ích của người dân Việt Nam. Chúng tôi cũng mong rằng, Vinasun, với vị thế là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ nhận thức được điều này, và tạo ra một tiền lệ để các doanh nghiệp khác trong ngành giao thông vân tải không ngừng đổi mới để duy trì lợi thế và tính cạnh tranh, cùng hợp tác với các nền tảng công nghệ như Grab, hoặc phát triển công nghệ của riêng họ, và không tìm cách lảng tránh đổi mới thông qua một vụ kiện trong khi vẫn tiếp tục duy trì tình trạng trì trệ như hiện tại”, ông Jerry Lim nhấn mạnh.

Vụ kiện Vinasun - Grab: Thay vì đối đầu nên bắt tay đối thoại
Vụ kiện giữa Vinasun taxi và Grab đến nay vẫn chưa thể có hồi kết sau nhiều lần TAND TP.HCM phải dời ngày tuyên án. Các bên đều có lý lẽ riêng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư