Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm kinh doanh trong tuần
VinFast được Times gọi tên; Thêm thương hiệu của Viettel vào Top 1; Masan bán công ty ở Đức
Khánh An tổng hợp - 01/06/2024 09:01
 
VinFast có tên trong nhóm Đột phá của Times; Movitel của Viettel đứng số 1 tại Mozambique; Hòa Phát giao thêm 400 vỏ container cho VSICO; Masan thoái hết vốn khỏi công ty ở Đức,

VinFast có tên trong nhóm Đột phá của Times

Hãng xe điện Việt Nam được Time đưa vào nhóm Đột phá (Disrupters) - những công ty tạo dấu ấn nhờ mô hình mới lạ, chưa có thông lệ trên thị trường trong danh sách Time100 Company - Top 100 công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2024.

Nhà máy Vinfast tại Hải Phòng.

Tạp chí hàng đầu thế giới công bố danh sách Time100 Company - Top 100 công ty có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới năm 2024. Trong đó, VinFast trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên góp mặt trong danh sách này.

VinFast cũng được tạp chí này vinh danh Hãng xe điện gây tiếng vang (An EV splash).

Có mặt trong Time100 Company là những thương hiệu như Google, Microsoft, Amazon, TikTok, Nvidia... Các hãng xe góp mặt trong Top 100 cũng có BMW, Toyota hay cả những startup về AI đã thay đổi ngành công nghệ toàn cầu như OpenAI, Anthropic...

Time là tạp chí tin tức hàng đầu thế giới có trụ sở ở New York, Mỹ với lịch sử 101 năm. Đến nay, tạp chí này đã xuất hiện ở cả năm châu lục. Những bình chọn của Time được giới chuyên môn đánh giá thuộc top đầu thế giới, có uy tín trên toàn cầu.

Thiết lập từ năm 2021, danh sách "Time100 Company" quy tụ những cái tên gây ấn tượng toàn cầu từ các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, y tế, giao thông, năng lượng... "Time100 Company" được xây dựng dựa trên tổng thể các tiêu chí, từ năng lực, khả năng tác động tới tính sáng tạo, tham vọng và thành công của các công ty được lựa chọn.

Time gọi mô hình kinh doanh xe điện thuê pin của VinFast là "độc nhất vô nhị", khi hãng này đặt mục tiêu doanh số lên 100.000 xe bán ra trong 2024.

Movitel của Viettel đứng số 1 tại Mozambique

Movitel vươn lên top 1 tại Mozambique giúp Viettel Global có 7 trong tổng số 10 thương hiệu viễn thông đứng đầu thị phần các nước sở tại.

Movitel vươn lên top 1 tại Mozambique.

Đại diện Viettel Global cho hay, trong 5 năm qua, doanh thu dịch vụ của Movitel tăng trưởng trên 20%. 4 tháng đầu năm 2024, mạng này cũng tăng trưởng 26,7 % so với cùng kì năm 2023. Lượng thuê bao cán mốc 11,7 triệu. Doanh thu ví điện tử e-Mola tăng trưởng tới 230 % so với cùng kỳ, lũy kế đạt gần 6 triệu thuê bao, đưa tỷ lệ thuê bao ví trên tổng thuê bao di động đạt 81 %.

Cũng theo Viettel Global, Mozambique là một trong những thị trường khó chinh phục nhất. Viettel Global và tập đoàn Viettel quyết định dùng 4G làm lợi thế cạnh tranh, sau 12 năm kinh doanh, Movitel đã giành được ngôi vị cao nhất.

Trước đó, Viettel Global sở hữu những thương hiệu vươn lên vị trí số 1 thị trường nước ngoài với tốc độ được đánh giá là ‘thần tốc’. Tiêu biểu như Lumitel – thương hiệu của Viettel tại Burundi đã vươn lên vị trí số 1 chỉ sau 6 tháng kinh doanh. Đến nay, Lumitel có được vị trí số 1 về thị phần tất cả các lĩnh vực di dộng với 65%, ví điện tử với 81% và cố định băng rộng với 43%.

Telemor - thương hiệu Viettel tại Đông Timor, mất 1 năm để chiếm thị phần số 1 cả về hạ tầng và thuê bao. Metfone - thương hiệu Viettel tại Campuchia mất 2 năm để trở thành nhà mạng có thị phần lớn nhất, cho đến nay vẫn giữ vững vị thế với 42% thị phần dịch vụ di động và 62% dịch vụ cố định băng rộng.

Tính đến nay, 7 thương hiệu viễn thông Viettel Global đứng đầu tại các thị trường nước ngoài gồm: Movitel (Mozambique), Lumitel (Burundi), Telemor (Đông Timor), Metfone (Campuchia), Mytel (Myanmar), Unitel (Lào) và Natcom (Haiti).

Hòa Phát giao thêm 400 vỏ container cho VSICO

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, cuối tháng 5, Hòa Phát đã bàn giao 400 vỏ container cho đối tác chiến lược Công ty CP Hàng hải VSICO (VSICO), nâng tổng số container đã bàn giao cho đối tác này lên 700 chiếc kể từ đầu năm.

Hòa Phát đã bàn giao 400 vỏ container cho đối tác chiến lược Công ty CP Hàng hải VSICO (VSICO).

Lô hàng được sản xuất tại Nhà máy sản xuất container Hòa Phát tại KCN Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty CP sản xuất container Hòa Phát cho hay, VSICO là một trong những đơn vị hàng đầu về vận chuyển container tại Việt Nam, đứng thứ 2 toàn quốc về sản lượng thông qua các cảng nội địa. 

“Đơn hàng lần này của VSICO nhằm phục vụ cho dự án Cảng VSICO Chân Mây (bến số 4 và 5) tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Thừa Thiên Huế với tổng kinh phí hơn 1.678 tỷ đồng. Cảng này có khả năng tiếp nhận các tàu hàng lên đến 70.000 tấn và tàu container lên đến 4.000 TEUS. Việc hoàn thành đơn hàng này không chỉ đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu trữ hàng hóa của VSICO mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải và kinh tế khu vực miền Trung”, ông Sính nói thêm.

Được biết, từ năm 2023, VSICO đã đặt nhiều lô hàng vỏ container của Hoà Phát với số lượng lớn. Vỏ container Hòa Phát được sản xuất đúng mong muốn và yêu cầu chi tiết của VSICO. Nhờ sử dụng sơn dung môi, có độ bền và ổn định cao hơn so với sơn gốc nước. Dự kiến trong thời gian sắp tới, VSICO sẽ nghiên cứu thực hiện các hợp đồng tiếp theo với Hòa Phát.

Trước đó, Hòa Phát đã bàn giao lô hàng container cho nhiều đối tác lớn như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), New Way Lines, Vietsun, Topaz Marine, Vinafco…

Nhà máy sản xuất container Hòa Phát có tổng công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container chở hàng phổ thông 20 và 40 feet. Giai đoạn 1 công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Với công suất này, Hòa Phát là nhà sản xuất thiết bị container ISO lớn nhất Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á.

Masan thoái hết vốn khỏi công ty ở Đức

CTCP Masan High-Tech Materials (MHT) công bố đã ký kết hợp đồng mua bán với Mitsubishi Materials Corporation Group (MMC Group).

Nhà máy H.C. Starck Holding tại Goslar, Đức.

MMC Group sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Đức) GmbH (“HCS”) từ MHT với giá 134,5 triệu USD. Các bên sẽ ký kết một thỏa thuận bao tiêu APT và oxit vonfram đem lại lợi ích dài hạn cho đôi bên.

Về phần mình, Masan ​sẽ giữ phần sở hữu tại Nyobolt, một công ty có trụ sở tại Vương quốc Anh chuyên cung cấp giải pháp pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode. Masan giữ đặc quyền hưởng một phần lợi nhuận tiềm năng khi công nghệ tái chế “black mass” do HCS phát triển được thương mại hóa.

Lượng tiền thu được từ giao dịch dự kiến ​​sẽ giúp giảm nợ vay của MHT và góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA của Tập đoàn Masan về mức ≤ 3.5x. Tập đoàn Masan dự kiến ​​sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD từ giao dịch này và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD trong dài hạn.

Nyobolt đang bắt đầu tiến trình mở rộng quy mô hoạt động và thương mại hóa sản phẩm. Vào tháng 7/2023, Nyobolt đã ra mắt thành công mẫu concept xe điện với thời gian sạc đầy chỉ mất 6 phút và đã ký kết những thỏa thuận nguyên tắc với hai khách hàng thương mại lớn. Tập đoàn Masan sẽ nhận được khoản lợi nhuận tiềm năng khi công nghệ pin sạc nhanh sử dụng vonfram và niobium ở cực anode của Nyobolt được thương mại hóa một cách rộng rãi.

Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan kiêm Chủ tịch MHT, chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tái cấu trúc MHT thành nhà sản xuất vonfram có chi phí tối ưu nhất giúp tối đa hóa dòng tiền. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chiến lược để Tập đoàn Masan tập trung vào phát triển các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ cốt lõi”.

UBS AG chi nhánh Singapore đóng vai trò là đơn vị tư vấn tài chính cho MHT. Giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2024 và phụ thuộc vào quyết định phê duyệt nội bộ và sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Giá trị của Movitel - thương hiệu Viettel tại Mozambique: Hơn cả một nhà mạng
Đó là nhận định của Tổng thư ký Đảng cầm quyền Frelimo của Mozambique, ông Roque Silva Samuel trong buổi trao đổi với phóng viên vào tháng 3/2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư