Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
VN-Index băng băng vượt đỉnh lịch sử, gần 35.350 tỷ đồng đổ vào thị trường
Thanh Thủy - 27/10/2021 17:52
 
VN-Index lần đầu đóng cửa ở mốc 1.423 điểm, cao nhất lịch sử giao dịch. Nhóm VN30 dẫn dắt đà tăng, dù thanh khoản khá khiêm tốn. Vingroup cũng ghi dấu khi giành lại ngôi vương vốn hóa.
Sàn chứng khoán Việt Nam giao dịch thăng hoa bất chấp sắc đỏ phủ rộng ở nhiều thị trường châu Á
Sàn chứng khoán Việt Nam giao dịch thăng hoa bất chấp sắc đỏ phủ rộng ở nhiều thị trường châu Á.

VN-Index và HNX-Index đồng loạt lập đỉnh

Giữa sắc đỏ của thị trường chứng khoán châu Á, sàn chứng khoán Việt Nam bất ngờ ghi nhận một phiên giao dịch thăng hoa và trở thành điểm sáng hiếm hoi của thị trường. Chỉ số trên hai sàn niêm yết đóng cửa tăng mạnh và đều xác lập đỉnh giá mới.

Trong khi HNX-Index liên tục xô đổ các kỷ lục điểm số và lần đầu vượt mốc 400 điểm, chỉ số sàn HoSE cũng đã lượt qua mức đỉnh cũ xác lập hồi tháng đầu tháng 7/2021 (theo giá đóng cửa).

Ngay từ đầu phiên, sàn HoSE giao dịch tích cực, tăng dần đều và đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên – 1.423 điểm, tăng 31,39 điểm (+2,26%) so với phiên hôm qua. Sắc xanh áp đảo với 355 mã tăng và chỉ 95 mã giảm. HNX-Index tăng 6,56 điểm (1,65%) lên 404,37 điểm với 149 mã tăng và 88 mã giảm. UPCoM-Index tăng 0,79 điểm (0,78%) lên 102,67 điểm.

Sắc xanh lan tỏa, VN-INdex và HNX-INdex đều xác lập đỉnh giá mới
Sắc xanh lan tỏa, VN-Index và HNX-Index đều xác lập đỉnh giá mới

Cú bật tăng vượt đỉnh của VN-Index phiên này có sự đóng góp lớn của nhóm VN30. Chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng 2,28% lên 1.516 điểm, cao hơn nhiều mức tăng của VNMid-Index và VNSML-Index (đều tăng 1,65%). Toàn bộ cổ phiếu nhóm này đều đóng cửa trong sắc xanh, cá biệt GAS tăng kịch biên độ. GAS cũng là trụ cột đóng góp tới 4,08 điểm tăng cho VN-Index phiên này.

Cổ phiếu của Vingroup đã tăng 3,04% và vươn lên giành lại vị trí ngôi vương vốn hóa từ tay Vietcombank khi cổ phiếu của nhà băng này chỉ tăng 2,23%. Cú bật tăng kịch biên độ của GAS cũng giúp cổ phiếu này lọt vào top 5 vốn hóa toàn thị trường. Chỉ vỏn vẹn một tháng qua, dưới sự hỗ trợ của đà tăng giá dầu khí, cổ phiếu nảy đã tăng giá tới 35%.

Các đầu tàu kéo chỉ số sàn HoSE tăng còn có VIC, VHM, HPG và nhóm ông lớn ngành ngân hàng như VCB, CTG, VPB hay nhóm hàng tiêu dùng như MSN, SAB... Trên sàn HNX, nhóm bất động sản cũng đóng góp điểm tăng tích cực với loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá như cổ phiếu ThaiHoldings (THD), Licogi 14 (L14), Idico (IDC)

Sắc xanh lan tỏa ở các nhóm ngành, tập trung nhiều nhất ở nhóm hàng tiêu dùng, bất động sản. Không riêng ông lớn Vingroup, cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ như SGR, HAR, LGL, PTL còn tăng trần, đồng thời, khối lượng giao dịch cũng tăng vọt.

Dòng tiền ồ ạt chảy vào thị trường, khối ngoại cũng không đứng ngoài cuộc chơi

Phiên vượt đỉnh hôm nay còn chứng kiến dòng tiền sôi động của các nhà đầu tư chảy vào thị trường, cả ở nhóm nhà đầu tư ngoại vốn đã kiên trì bán ròng suốt thời gian dài vừa qua.

Giao dịch bùng nổ với tổng giá trị giao dịch vọt lên 35.350 tỷ đồng. Trong đó, giá trị khớp lệnh đạt 30.419 tỷ đồng, tăng 29,7% so với phiên hôm trước. Ngoài HPG ghi nhận giá trị giao dịch 1.659 tỷ đồng, thanh khoản của KBC cũng vọt lên 1.489 tỷ đồng. Khối ngoại giải ngân ròng 210 tỷ đồng vào cổ phiếu của doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp này, góp phần đẩy giá KBC tăng trần lên 48.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử giao dịch của KBC.

Khối ngoại đã mua ròng 992 tỷ đồng trên ba sàn, mức cao nhất kể từ ngày 5/8/2021. Hàng chục cổ phiếu được mua ròng trên 50 tỷ đồng, trong đó HPG được mua nhiều nhất (258 tỷ đồng). STB và GAS cũng được mua ròng trên trăm tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chỉ một số cổ phiếu bị bán ròng mạnh như NLG (178 tỷ đồng) hay PAN (106 tỷ đồng). Trong đó, giao dịch cổ phiếu PAN phần nhiều liên quan đến cổ đông lớn Tael Two Partners LTD đang trong thời gian đăng ký bán lô 5,68 triệu cổ phiếu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư