Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
VN-Index đứng trước ngưỡng tâm lý 1.350 điểm, khó lường phiên đáo hạn phái sinh
Thanh Thuỷ - 16/09/2021 09:02
 
VN-Index tiến sát ngưỡng tâm lý 1.350 điểm mà nhiều lần chưa thể vượt qua. Trùng thời điểm với phiên đáo hạn phái sinh, diễn biến chỉ số chung có thể biến động mạnh, đặc biệt vào cuối phiên.

Sau hai phiên điều chỉnh, sắc xanh đã đồng loạt trở lại trên ba sàn chứng khoán Việt Nam. Sau khoảng thời gian giao dịch khá giằng co phiên sáng, các chỉ số chứng khoán đều đi lên mạnh mẽ ở phiên chiều. VN-Index đóng cửa tăng 6,13 điểm (0,46%) lên 1.345,83 điểm. HNX-Index tăng 2,89 điểm (0,83%) lên 350,75 điểm. UPCoM-Index tăng 0,8 điểm (0,84%) lên 95,81 điểm.

Điểm tích cực của phiên 15/9 là khối ngoại đã thu hẹp đà bán ròng. Đây đã là phiên bán ròng thứ 13 liên tiếp của nhà đầu tư ngoại. Riêng trên sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng khoảng 18 tỷ đồng. Trong khi một số cổ phiếu bị bán ròng khá mạnh như VNM (72 tỷ đồng), VHM (54 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ FUEVFVND dựa theo rổ VNDiamond (50 tỷ đồng), cổ phiếu MSN lại được mạnh tay gom vào ở vùng giá cao. Giá trị mua ròng của khối ngoại với riêng MSN xấp xỉ 92,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSN đã có phiên giao dịch tăng kịch biên độ, trở thành cổ phiếu dẫn dắt VN30-Index và cả chỉ số chung. Động lực chính đẩy VN-Index tăng còn có nhóm thép HPG (+2,58%) hay HSG (+6,86%), dầu khí như GAS (+2,81%), PLX (+1,6%),… Cổ phiếu nhóm thép đồng loạt tăng mạnh. Trong khi cổ phiếu HPG tăng “khiêm tốn” 2,6%, TLH, NKG, POM,.. tăng trần. Giá dầu Brent duy trì đà tăng, tiến sát mốc 74 USD/thùng ủng hộ nhóm dầu khí bật tăng mạnh mẽ. Riêng PVD, PVS tăng trên 6%. Sắc xanh lan toả đến nhiều dòng cổ phiếu khác. Cổ phiếu chứng khoán điều chỉnh trong phiên hôm qua nhưng cũng đã quay đầu hồi phục khi phần lớn đều tăng điểm.

Dù cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 30% vốn hoá thị trường vẫn chưa thoát khỏi giai đoạn điều chỉnh. Với số cổ phiếu tăng giá áp đảo, cả ba chỉ số vẫn hồi phục và đóng cửa trong sắc xanh. Trong khi VN30-Index tăng 0,47%, hay chỉ số của rổ danh mục 70 cổ phiếu trong VNMidcap tăng 0,95%, VNSmalcap-Index tăng tới 1,65%, qua đó xác lập đỉnh mới 1.657 điểm, gấp rưỡi thời điểm đầu năm. 

Độ rộng thị trường tích cực ở hầu hết các nhóm chỉ số, trong đó đáng chú ý là nhóm cổ mang tính dẫn dắt như: thép, ngân hàng, bán lẻ, chứng khoán,… là tín hiệu hỗ trợ khiến Chứng khoán MB đánh giá thị trường có thể bứt phá ngưỡng 1.350 điểm. Trong hơn một tuần qua, nhiều lần VN-Index đã tiến sát ngưỡng nhưng đành dừng chân. Hiện VN-Index đang ở mức 1.345,83 điểm, cách chưa tới 5 điểm so với ngưỡng tâm lý trên. Quán tính tăng phiên chiều qua liệu còn tiếp tục được duy trì là điều khó đoán định.

VDSC dự kiến VN-Index sẽ kiểm tra lại vùng cản 1.350 điểm trong phiên giao dịch tiếp theo, nếu có thể vượt được vùng cản này thì thị trường có cơ hội nới rộng nhịp tăng ngắn hạn. Chuyên gia phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định VN-Index có thể sẽ duy trì đà tăng và kiểm định vùng kháng cự 1.350 – 1.355 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có phiên giao dịch tích cực đêm qua, cổ phiếu ngành năng lượng hưởng lợi từ sự hồi phục tới 3% của giá dầu thế giới. Hiện hợp đồng kỳ hạn dầu Brent đang giao dịch ở mức 75,3 USD/thùng. Yếu tố này có thể tiếp tục nâng đỡ dòng cổ phiếu dầu khí sau phiên tăng giá mạnh vừa qua.  

Sự kiện cần lưu tâm trong phiên 16/9 là việc đáo hạn hợp đồng tương lai trên chỉ số cơ sở VN30 vào cuối phiên. Các hợp đồng tương lai đã đóng cửa tăng từ 2,4 đến 11,0 điểm. VN30F2109 tăng 0,77% lên 1.447,5 điểm, hiện đang cao hơn 2,65 điểm so với chỉ số cơ sở. Theo số liệu thống kê của SSI Research, khối nhà đầu tư tổ chức trong nước đã mua ròng hơn 364 tỷ đồng trong giai đoạn từ 20/08 đến 10/09, với riêng những phiên đầu tháng 9, quy mô mua ròng là 104 tỷ đồng. Diễn biến kể trên cho thấy khả năng nhóm thực hiện arbitrage có xu hướng Long cơ sở trước đáo hạn và sẽ đóng vị thế bằng các lệnh Short khi tuần đáo hạn tới, điều này có thể tạo ra những áp lực nhất định với VN30 Index. Đây cũng là rổ chỉ số tập trung các cổ phiếu vốn hoá lớn có thể tác động mạnh lên tăng/giảm chỉ số chung.

Làm rõ có hay không tín dụng tiêu dùng đổ vào chứng khoán, bất động sản
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trong mục tiêu chung của kế hoạch kiểm toán năm sau vẫn phải đặt tăng cường củng cố nền tảng vĩ mô lên hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư