Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
VN-Index giảm hơn 6 điểm trong ngày chốt NAV quý I
Tùng Linh - 29/03/2024 17:17
 
Thị trường biến động không mấy tích cực khi áp lực bán có phần ở mức cao trong phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2024.

VN-Index có thời điểm vượt đĩnh cũ tại 1.291,27 trong phiên 28/3. Tuy nhiên, chỉ số không đóng cửa cao nhất phiên mà lùi về mức 1.290,18 điểm. Giá trị khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng cho thấy thể hiện dòng tiền ngắn hạn đang cải thiện, luân chuyển tốt trở lại mặc dù thành viên công ty chứng khoán VNDirect vẫn chưa chính thức kết nối giao dịch.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần, đây cũng là phiên cuối cùng của quý I/2024, tâm lý nhà đầu tư vẫn có vẻ thận trọng và điều này khiến các chỉ số biến động giằng co với sự phân hoá mạnh giữa các nhóm ngành cổ phiếu. Biến động hẹp diễn ra trong khoảng 1 giờ đầu tiên của phiên, sau đó áp lực bán tăng dần và đẩy hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu chìm trong sắc đỏ, các chỉ số vì vậy cũng lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Biến động trong phiên chiều không quá mạnh khi sự tranh chấp giữa bên mua và bên bán vẫn tỏ ra quyết liệt. Tuy nhiên, bên mua không quá mặn mà giải ngân ở vùng giá cao đã khiến thị trường chung chưa thể hồi phục mạnh. Dường như nhà đầu tư khá thận trọng quan sát những diễn biến của thị trường chung khi hoạt động chốt NAV của các quỹ thường diễn ra vào cuối giờ, cùng với đó, nhà đầu tư cũng chờ đợi những phản ứng khi Chứng khoán VNDirect dự kiến hoạt động trở lại ở thứ Hai tuần sau. Ngoài ra, sang tuần là bắt đầu vào mùa báo cáo quý I và ĐHCĐ điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý nhà đầu tư.

Nhóm ngân hàng có sự phân hoá mạnh ở phiên hôm nay, trong đó, VCB, BID, TCB hay CTG có sự tác động tiêu cực đến VN-Index. Chốt phiên, VCB giảm 0,84% và lấy đi 1,1 điểm của VN-Index. BID giảm 0,95% và lấy đi 0,7%. Trong khi đó, LPB, VIB, VPB và ACB lại là những mã có đóng góp lớn nhất giúp nâng đỡ thị trường. LPB tăng đến 3,9% và đóng góp 0,41 điểm. VIB và VPB tăng lần lượt 0,5% và 1,4% với số điểm đóng góp lần lượt 0,22 và 0,19.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh

MSN phiên hôm nay gây bất ngờ khi giảm đến 2,37% và cũng nằm trong top 3 các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Ngoài ra, các cổ phiếu như BVH, VHM... cũng đồng loạt giảm giá.

Tại nhóm thép, biến động tiêu cực tiếp tục diễn ra trong bối cảnh giá HRC Trung Quốc tiếp tục lao dốc. Trong đó, HPG giảm 0,98%, NKG giảm 1,7%, HSG giảm 1,66%... Nhóm chứng khoán cũng có một phiên không mấy tích cực khi các mã như SHS, FTS, HCM, SSI... đều đồng loạt giảm giá. SHS giảm đến 2,4%, FTS giảm 1,0%, HCM giảm 1,8%... Trong khi đó, bán lẻ là nhóm hiếm hoi có biến động tích cực, trong đó, PNJ tăng 1,23%, DGW tăng 0,5%, MWG tăng 0,2%.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,09 điểm (-0,47%) xuống 1.284,09 điểm. Toàn sàn có 159 mã tăng, 296 mã giảm và 83 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,34 điểm (-0,55%) xuống 242,58 điểm. Toàn sàn có 84 mã tăng, 90 mã giảm và 60 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (0,1%) lên 91,57 điểm.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 922,5 triệu cổ phiếu, trị giá 23.203,75 tỷ đồng, giảm 10,3% với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 3.802,4 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch sàn HNX và UPCoM đạt lần lượt 1.762 tỷ đồng và 509 tỷ đồng.

NVL là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường với 47 triệu cổ phiếu. Tiếp sau đó, STB và VND khớp lệnh lần lượt 34,5 triệu cổ phiếu và 33,7 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng với giá trị gần 800 tỷ đồng ở riêng sàn HoSE trong phiên hôm nay. Trong khi đó, khối ngoại mua ròng nhẹ trên hai sàn HNX và UPCoM.

Khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã MSN với 219 tỷ đồng. VND, VHM và STB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG được mua ròng mạnh nhất với 170 tỷ đồng. VPB và SSI được mua ròng lần lượt 55 tỷ đồng và 35 tỷ đồng.

VN-Index nối mạch tăng 3 phiên liên tiếp, vượt mốc 1.290 điểm
VN-Index duy trì trạng thái hưng phấn suốt phiên để nối dài mạch đi lên 3 phiên liên tiếp nhờ dòng tiền đổ vào các cổ phiếu vốn hoá lớn, nhờ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư