Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
VN-Index mất mốc 950 điểm
Hải Trần - 10/11/2022 18:23
 
Hàng trăm mã cổ phiếu nằm sàn, liên tục các thông tin lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu và thông tin liên quan đến 2 Sở Giao dịch Chứng khoán khiến thị trường rơi sâu.

Ngay từ đầu phiên giao dịch, thị trường đã tiêu cực và kéo dài suốt phiên, có lúc VN-Index mất gần 50 điểm, tương ứng rơi 4%. Kết phiên, chỉ số có phần hồi phục nhẹ, nhưng vẫn là mức rơi sâu hơn 38,35 điểm. 

Đóng cửa, VN-Index mất mốc 950 điểm, về 947,24 điểm, tương ứng giảm 3,89%, chỉ số HN-Index giảm 9 điểm, dừng ở 192,39 điểm. Độ rộng thị trường chỉ có 21 mã xanh điểm, trong đó 3 mã kịch trần gồm BTT, PDN và COM, có đến 447 mã giảm điểm trong đó 172 mã giảm sàn trên HoSE. Còn trên HNX chỉ có 20 mã đóng cửa sắc xanh, và 169 mã chìm trong giảm giá với 81 mã lau sàn. 

Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt hơn 698,7 triệu đơn vị, giá trị 10.831,9 tỷ đồng, tăng hơn 20% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. 

Thông tin ảnh hưởng lớn đến thị trường hôm nay vẫn đến từ việc liên tục xuất hiện nhiều hơn các công bố thông tin về việc bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp, điển hình như  các cổ phiếu đã xuất hiện tin bán trước đó và chưa thoát sàn DIG, LDG, NVL, PDR… và hôm nay có thêm thông tin bán giải chấp của DHC - một doanh nghiệp sản xuất được đánh giá có nền tảng cơ bản tốt. 

Các thông tin này đã lấn át cả nhưng tin tích cực từ việc đăng ký mua vào của nhiều doanh nghiệp, như HDB lãnh đạo đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, người nhà lãnh đạo CII đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu, Chủ tịch HĐQT KBC đăng ký mua vào 50 triệu cổ, với thông tin này, có lúc KBC đã kéo từ sắc đỏ lên vùng giá xanh 14.850 đồng/cp, nhưng lực bán mạnh khiến cổ phiếu không duy trì được sắc xanh cả phiên. Đóng cửa, KBC dừng chân ở 13.950 đồng, giảm 1,76%, thanh khoản tốt khi khớp hơn 23,6 triệu đơn vị. 

Bên cạnh đó, thông tin về Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không còn là thành viên Liên đoàn các Sở GDCK thế giới (World Federation of Exchanges - WFE). Điều này dẫn đến có nguy cơ dòng tiền các nhà đầu tư Thái Lan bắt buộc phải rút vốn 150 triệu USD đã đầu tư vào ETF khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, và kịch bản tệ hơn là 2,4 tỷ USD, tương ứng toàn bộ quy mô quỹ ETF đầu tư vào Việt Nam bị rút.

Trước các thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền tốc độ chóng mặt khiến tâm lý nhà đầu tư càng hoang mang hơn.

Tuy nhiên, thông tin từ lãnh đạo 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện đang trong quá trình chuyển giao tư cách thành viên WFE từ HoSE sang công ty mẹ là VNX. Các bên đang nỗ lực tìm phương án nhanh nhất để trở thành thành viên chính thức của WFE.

Thông tin từ CTCK Maybank Investment Bank (MSVN) gửi tới khách hàng cũng cho biết, thông qua các nguồn tin trong khu vực của MSVN, cụ thể là với một số quỹ Thái Lan, Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) vẫn đang xem xét việc này và chưa có hành động hoặc kết luận nào về trường hợp của thị trường Việt Nam. Do đó, MSVN cho rằng, nhà đầu tư không nên hoang mang về điều này cho đến khi có những cập nhật thêm từ cả VNX và SET.

Nhìn về nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn hôm nay, đại diện là VN30, không có mã cổ phiếu nào đóng cửa trong sắc xanh, có đến 11 mã giảm sàn, và chỉ có 1 mã tham chiếu là SAB, còn lại chìm trong sắc đỏ. Giảm sàn có thể kể đến như CTG, MWG, MSN, VPB, MBB, GVR, STB, SSI và 3 cổ phiếu liên tục nằm sàn là NVL, PDR, HPG. 

Đáng kể, NVL bị dư bán sàn đến hơn 30,3 triệu đơn vị, PDR dư bán sàn hơn 48 triệu đơn vị, còn HPG phiên hôm nay tiếp tục khớp lệnh kỷ lục gần 79,75 triệu đơn vị - cao nhất trên HOSE. 

Chỉ số VN30 phiên hôm nay giảm đến 42,88 điểm, tương ứng gỉam 4,38%, dừng ở mốc 936,8 điểm. 

Ở cổ phiếu ngân hàng, việc CTG, MBB, VPB, STB nằm sàn đã lan sang nhiều cổ phiếu khác như MSB, SHG, LPB… và hàng loạt cổ phiếu đóng cửa giá đổ như TCB, VIB, BID, ACB….

Không riêng nhóm vốn hoá lớn, ở hầu hết các nhóm ngành đều giảm rất mạnh. Như chứng khoán tiếp tục chứng khiến phiên “xanh lơ” la liệt, như SBS, APS, SHS, MBS, TVC, SSI, VCI, VND, HCM, FTS….

Chung sắc màu là nhóm bất động sản với hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, như CEO, L14, NVL, PDR, NLG, DXS, BCG, DXG… nhóm thép không khả quan hơn nhưu HSG, NKG, HPG.

Về hoạt động khối ngoại, nhóm này mua ròng nhẹ trên HOSE giá trị 16,77 tỷ đồng, giảm hơn 97% so với phiên trước. 

Phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh nhất cổ phiếu KBC với giá trị đạt hơn 34,65 tỷ đồng, tương đương khối lượng mua ròng hơn 2,51 triệu đơn vị.

VHC được mua ròng 31,22 tỷ đồng (0,43 triệu đơn vị) và DPM được mua ròng 30,7 tỷ đồng (0,77 triệu đơn vị).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng đạt 13,06 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 159,94 tỷ đồng.

STB bị bán ròng hơn 6,62 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị bán ròng đạt 101,87 tỷ đồng.

Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam đã đăng ký tham gia làm thành viên chính thức của WFE
Sau khi Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tham gia làm thành viên chính thức, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội cũng được hưởng những lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư