Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
VN-Index tăng 7 phiên liên tiếp, trở lại mốc 1.290 điểm
Thuỳ Trang - 09/07/2024 16:13
 
Dòng tiền tập trung vào các mã vốn hóa lớn như GVR, VPB, VCB, BID giúp chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM tăng hơn 10 điểm, qua đó nối dài mạch tăng phiên thứ 7 và trở lại vùng 1.290 điểm sau 3 tuần đánh mất.

Sau phiên tăng đầu tuần giúp VN-Index củng cố vùng giá 1.280 điểm, tâm lý nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu hưng phấn hơn bất chấp dự báo từ các công ty chứng khoán về rủi ro điều chỉnh tăng cao trong thời gian tới. Điều này giúp chỉ số đại diện cho sàn TP.HCM mở cửa trong sắc xanh và duy trì trạng thái này suốt phiên. 

Tuy nhiên, áp lực chốt lời xuất hiện rải rác trong phiên chiều khiến chỉ số thu hẹp biên độ tăng. VN-Index chốt phiên tại 1.293,71 điểm, tăng hơn 10 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên tăng thứ 7 liên tiếp, qua đó giúp chỉ số tích lũy tổng cộng hơn 48 điểm và trở lại vùng giá 1.290 điểm sau khi đánh mất cách đây 3 tuần. 

Hôm nay, sàn TP.HCM có đến 295 cổ phiếu tăng điểm, lấn lướt số lượng cổ phiếu giảm với 155 mã. Thị trường ghi nhận 8 mã tăng kịch trần và không có mã nào giảm sàn. Rổ VN30 đóng góp tích cực vào đà hứng khởi khi mã tăng gấp 5 lần mã giảm.

GVR trở thành động lực tăng của thị trường khi tăng 4,11% lên 38.000 đồng và đóng góp cho VN-Index 1,53 điểm. Xếp tiếp theo trong danh sách này là 5 đại diện của nhóm ngân hàng, gồm VCB tăng 1%, BID tăng 1%, VPB tăng 1,8%, HDB tăng 3,5% và MBB tăng 2%. 

Cổ phiếu bất động sản cũng ghi nhận sự khởi sắc đáng kể trong phiên giao dịch hôm nay khi hầu hết đều đóng cửa trên tham chiếu. Cụ thể, các cổ phiếu trụ là VHM tăng 0,79% lên 38.300 đồng, VIC tăng 0,99% lên 40.800 đồng và BCM tăng 3,25% lên 66.700 đồng.

Nhóm công nghệ thông tin ngược dòng thị trường khi hàng loạt mã chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, FPT giảm 1,5% xuống 137.500 đồng và trở thành cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. 

Nhóm hàng không cũng ghi nhận giao dịch kém hưng phấn. Cụ thể, SGN giảm 0,6% xuống 88.800 đồng, SAS giảm 1,6% xuống 36.900 đồng, ACV giảm 1,7% xuống 123.000 đồng và HVN giảm 2,9% xuống 34.550 đồng.

Thanh khoản thị trường tiếp tục cải thiện khi có gần 822 triệu cổ phiếu được sang tay, tăng 55 triệu cổ phiếu so với phiên trước. Giá trị giao dịch theo đó đạt 21.820 tỷ đồng, tăng 1.930 tỷ đồng so với phiên đầu tuần và cắt chuỗi 6 phiên liên tiếp dưới mức 20.000 tỷ đồng.

FPT đứng đầu về giá trị giao dịch với hơn 1.327 tỷ đồng (tương ứng 9,7 triệu cổ phiếu), bỏ xa cổ phiếu xếp sau là HPG hơn 653 tỷ đồng (tương ứng 22,5 triệu cổ phiếu) và VPB hơn 617 tỷ đồng (tương ứng 32 triệu cổ phiếu). 

Sau phiên bán ròng hơn 2.260 tỷ đồng, nhà đầu tư nước ngoài đã giảm áp lực xả hàng. Nhóm này trở lại mua ròng về khối lượng nhưng vẫn bán ròng về giá trị hơn 464 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại bán ra hơn 73 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch khoảng 2.993 tỷ đồng, trong khi giải ngân 2.529 tỷ đồng để mua xấp xỉ 84 triệu cổ phiếu. 

FPT chịu áp lực xả hàng mạnh nhất từ nhà đầu tư ngoại với giá trị ròng gần 680 tỷ đồng, sau đó đến MSN hơn 156 tỷ đồng và VRE hơn 92 tỷ đồng. Trái lại, dòng tiền ngoại tập trung giải ngân vào cổ phiếu HDB với giá trị ròng xấp xỉ 574 tỷ đồng. TNH xếp tiếp theo khi hút ròng hơn 137 tỷ đồng, sau đó đến VPB với khoảng 69 tỷ đồng.

Góc nhìn TTCK tuần 8-12/7: Sẽ có “rung lắc” tại vùng kháng cự 1.280 - 1.300 điểm
Tháng 7/2024, mức biến động 5% của VN-Index có thể mang lại mức chênh lệch lớn về hiệu suất sinh lời cho các danh mục với tỷ trọng cổ phiếu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư