Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
VNG có viết tiếp giấc mơ niêm yết trên sàn quốc tế?
Tú Ân - 13/12/2022 15:22
 
Sau 12 năm, Công ty cổ phần VNG vẫn bỏ ngỏ mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế…
VNG muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Ảnh: Đức Thanh

Giấc mơ dang dở…

Hơn 12 năm trước, giữa năm 2010, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch VNG lần đầu tiên tràn đầy niềm tin chia sẻ với Forbes giấc mơ đưa cổ phiếu của VNG xuất hiện trên những sàn giao dịch chứng khoán quốc tế như Nasdaq hay Hồng Kông “trong một vài năm tới”.

Bảy năm sau, tháng 5/2017, VNG ký bản ghi nhớ về dự kiến niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq tại New York (Mỹ). Năm 2021, VNG tính toán niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). VNG đã làm việc với các cố vấn tài chính để tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các SPAC cho một thỏa thuận trong tương lai.

Có vẻ như slogan “embracing challenges” (đón nhận thách thức) đã “vận” vào VNG khi kỳ lân công nghệ được định giá 2-3 tỷ USD này vẫn tiếp tục chinh phục mục tiêu mà chưa doanh nghiệp Việt Nam nào từng thực hiện được.

“Nếu VNG muốn thực sự trở thành một công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam và khu vực, có thể so sánh được với các công ty công nghệ toàn cầu, thì phải chấp nhận cuộc chơi lớn global - từ việc cạnh tranh sòng phẳng với các sản phẩm global, tham gia trực tiếp thị trường global, tiếp cận nguồn vốn và các nhà đầu tư global, chịu sự đánh giá khắt khe của thị trường chứng khoán global. Nói cách khác, đây là challenges mà VNG embrace để bước ra thế giới”, ông Minh chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Đến nay, sau 12 năm, giấc mơ niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vẫn đang bỏ ngỏ…

VNG sẽ niêm yết trên sàn UpCom

Trong diễn biến mới nhất, VNG đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022. Theo đó, HĐQT VNG trình Đại hội đồng cổ đông xem xét và thông qua phương án bán tối đa hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ VNG đang nắm giữ (chiếm 24,74% lượng cổ phiếu đang lưu hành) và phê duyệt không phải chào mua công khai với nhà đầu tư dự kiến được mua cổ phiếu quỹ.

VNG dự kiến bán số cổ phiếu quỹ này cho Công ty cổ phần Công nghệ BigV với giá bình quân 177.881 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 1.264 tỷ đồng. Được biết, BigV mới trở thành cổ đông lớn của VNG vào ngày 24/11 - cũng là ngày mà VNG Limited, pháp nhân có trụ sở tại Cayman mua vào toàn bộ số cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài để sở hữu 49% vốn điều lệ của VNG.

Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, VNG đã công bố nội dung về chuyển nhượng cổ phần của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, VNG Limited dự kiến nhận chuyển nhượng 16,9 triệu cổ phần, tương đương 47,359% tổng số cổ phần của VNG từ 13 cổ đông nước ngoài. Thương vụ phải đảm bảo quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá 49%.

VNG cũng chốt danh sách cổ đông để làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và đăng ký giao dịch tại UpCom. Động thái này được cho là tạo bước đệm để VNG tiến gần hơn đến cột mốc chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Tháng 7/2022, các thông tin cho biết, VNG đang tiến gần tới việc niêm yết tại Mỹ và đặt mục tiêu chào bán 12,5% cổ phần trong đợt IPO trên sàn Nasdaq. Để niêm yết tại Mỹ, các cổ đông ngoại ở VNG phải hoán đổi số cổ phần (tương đương 47,6% vốn VNG) với một pháp nhân có trụ sở tại Cayman Islands. Trong khi đó, một pháp nhân khác có trụ sở tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình “holding” sẽ thực hiện mua 10 triệu cổ phiếu VNG, tương đương 27,8% cổ phần.

Nếu thực hiện kế hoạch này, trước thềm IPO, cơ cấu cổ đông của VNG gồm 3 nhóm chính: pháp nhân có trụ sở tại Cayman Islands nắm giữ 49% cổ phần; công ty “holding” có trụ sở tại Việt Nam sở hữu 21,2% cổ phần; nhà đầu tư tại Việt Nam nắm giữ 29,8% cổ phần.

Với các dữ kiện vừa đề cập, không loại trừ khả năng, VNG Limited sẽ đảm nhận việc IPO thay cho VNG tại Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại, ông Lê Hồng Minh vẫn chưa xác nhận kế hoạch niêm yết trên sàn Nasdaq. “Chúng tôi muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi trong cùng sân chơi và tiếp cận những nhà đầu tư tốt nhất cũng như khắt khe nhất trên thế giới ”, ông Minh chia sẻ.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 mới được công bố, trong quý này, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Do chịu khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng, trừ đi chi phí về thuế, VNG báo lỗ sau thuế 254,5 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của VNG.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, VNG lỗ sau thuế 764 tỷ đồng, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 419,3 tỷ đồng. Doanh thu sau 9 tháng đạt 5.763 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Như vậy, VNG đạt 56,6% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế tiệm cận kế hoạch cả năm 2022.

Nasdaq là một trong 2 sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất tại Mỹ, quy mô vốn hóa đạt hơn 17.000 tỷ USD. Nasdaq có tốc độ mở rộng quy mô rất nhanh khi vốn hóa thị trường của sàn này cách đây 4 năm chỉ hơn 11.000 tỷ USD. Kết quả này phần lớn nhờ sự thành công của các cổ phiếu công nghệ trong 2 năm gần đây.

Ngày 7/12, Công ty VinFast Trading & Investment Pte. Ltd. (VinFast Singapore) công bố đã nộp hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng. VinFast dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư