Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vốn FDI "rót" vào Bình Dương chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Lê Quân - 03/01/2023 16:23
 
Năm 2022, Bình Dương thu hút được 3,13 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, đứng thứ hai cả nước. Trong số 14 lĩnh vực thì công nghiệp chế biến, chế tạo được nhà đầu tư “rót” vốn nhiều nhất.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Bình Dương đạt 3,13 tỷ USD.

Trong đó, có 70 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,9 tỷ USD. Số dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư là 23 với tổng vốn đăng ký tăng thêm 59,4 triệu USD. Ngoài ra, có 172 nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp đạt trên 1,1 tỷ USD.

Sản xuất ở Công ty Kymco (Đài Loan) tại KCN Đại Đăng, Bình Dương.
Sản xuất xe máy ở Công ty Kymco (Đài Loan) tại KCN Đại Đăng, Bình Dương.

Tính theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 14 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được nhà đầu tư "rót" vốn nhiều nhất với 1,98 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với số vốn đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 35,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và vận tải kho bãi,….

Trong số 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Bình Dương, năm 2022, Đan Mạch đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 1,3 tỷ USD, chiếm 43% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sở dĩ Đan Mạch đứng đầu các quốc gia đầu tư vào Bình Dương năm 2022 là nhờ dự án nhà máy của Tập đoàn Lego đã khởi công vào tháng 11/2022 với số vốn đầu tư 1,3 tỷ USD.

Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (sau TP.HCM) với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt 39,7 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng vốn đầu tư cả nước.

Ông Phạm Trọng Nhân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, năm 2023 và những năm tiếp theo, để tăng sức hấp dẫn và thu hút đầu tư trên địa bàn, tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Tiếp theo là tăng cường rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo và mâu thuẫn của các quy định pháp luật.

Đồng thời, tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, gắn cải cách hành chính với xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chuyển đổi số; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.

Bình Dương cũng chủ động xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư; thường xuyên tổ chức các chương trình đối thoại, hội nghị, hội thảo với các hiệp hội đầu tư, hiệp hội ngành hàng, các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước.

Đặc biệt, tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ như đường Vành đai 3, Vành đai 4, Cao tốc TP.HCM- Thủ Dầu Một - Chơn Thành, nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, xây dựng tuyến đường sắt Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép, để kết nối với các tuyến đường trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nối liền các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất với hệ thống các cảng biển để lưu thông hàng hóa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư