Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
VTV Cab lãi gấp 5 lần cùng kỳ, bất chấp nhiều chương trình bị gián đoạn do Covid-19
Thanh Thủy - 21/09/2020 18:05
 
Dù đại dịch gây gián đoạn việc sản xuất chương trình hay kế hoạch sử dụng bản quyền…, lợi nhuận hợp nhất của VTV Cab cùng quy mô nhân sự vẫn tăng trưởng nhờ tiết kiệm các khoản chi phí.

Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTV Cab) vẫn duy trì kết quả kinh doanh tăng trong nửa đầu năm 2020.

Theo báo cáo bán niên công bố mới đây, Tổng công ty thu về 1.083 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính, nhích nhẹ so với cùng kỳ 2019. Trong khi đó, theo Chủ tịch HĐQT Hoàng Ngọc Huấn, VTVcab đã thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi phí giúp chi phí giá vốn giảm gần 21%. Điều này đã giúp tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu cải thiện đáng kể, từ 25% lên gần 30%. Lợi nhuận gộp tăng 19%, đạt 321 tỷ đồng. 

Ngoài ra, dù chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng, chi phí lãi vay giảm được hơn 40%. Cùng đó, VTV Cab còn thu về khoản lãi hơn 17 tỷ đồng phát sinh từ chuyển nhượng tài sản (hệ thống mạng cáp quang truyền dẫn, các thiết bị và thuê bao đính kèm tài sản để cung cấp dịch vụ internet có sẵn tại Đà Nẵng cho đối tác).

Nhờ thêm phần thu nhập khác này, VTV Cab lãi ròng 47,5 tỷ đồng, gấp 5,1 lần so với cùng kỳ. Với mục tiêu được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 6 vừa rồi, tổng công ty này đã hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận.

Cũng trong kỳ đại hội này, VTV Cab đã phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh so với mức đã được phê duyệt ban đầu. Khó khăn do dịch Covid-19 thực tế cũng đã làm doanh nghiệp truyền hình cáp này không thể thực hiện các nhiệm vụ kinh doanh như sản xuất chương trình, sử dụng bản quyền, kế hoạch tuyên truyền, quảng cáo, truyền thông và một số nhiệm vụ khác theo đúng kế hoạch trong nửa đầu năm 2020.  Lãnh đạo VTV Cab cho biết công ty phải trì hoãn thời gian thực hiện vào 6 tháng cuối năm.

Các nguồn doanh thu chính của VTV Cab đến từ dịch vụ truyền hình (cáp, net, HD, K+) và doanh thu từ quảng cáo, bản quyền, truyền dẫn… Tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập vừa được tổ chức mới đây, lãnh đạo VTVcab cũng nhấn mạnh lại chiến lược dịch chuyển từ cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tới hộ gia đình sang nhà cung cấp dịch vụ nội dung tới người tiêu dùng trên nhiều nền tảng khác nhau. Chiến lược này phần nào cho thấy mảng quảng cáo, bán quyền,.. được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng thay cho dịch vụ truyền hình ít dư địa hơn.  

lĩnh vực quảng cáo, dịch Covid-19 tác động đến không ít doanh nghiệp. Theo ghi nhận tại Yeah 1, một doanh nghiệp cũng có hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo truyền hình và quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số, nguồn thu từ cả hai mảng này đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ. Thậm chí, công ty trên còn kinh doanh quảng cáo truyền hình dưới giá vốn. VTV Cab không bóc tách riêng kết quả mảng này trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, miếng bánh thị trường này cũng đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều nền tảng nội dung số. 

Số lượng nhân sự tại VTV Cab cùng các công ty con hợp nhất tại ngày 30/6 là 1.456 người, tăng thêm tổng cộng 116 người so với đầu năm. Đến cuối quý II, quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp này 457,46 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tham vọng khi doanh nghiệp này IPO để chuyển từ hình thức công ty TNHH một thành viên sang công ty cổ phần. Nguyên nhân bởi phiên đấu giá công khai ra công chúng không thu hút được nhiều nhà đầu tư. Kế hoạch tìm nhà đầu tư chiến lược được xây dựng từ trước đó cũng không thành khi khá nhiều tiêu chuẩn cao được VTV Cab đặt ra như vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng, lãi liên tiếp 3 năm...

Đài truyền hình Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất của VTV Cab với tỷ lệ sở hữu là 99,85%.

Cú đỡ từ chiến lược hướng nội của Vicostone
Tuy xuất khẩu gặp khó khăn vì Covid-19, nhưng hoạt động kinh doanh trong nước của Vicostone lại tăng trưởng khá, bù đắp phần nào thiệt hại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư