Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
SCIC tiếp tục thoái vốn khỏi Viresco, nhà đầu tư còn “mặn mà”?
Kỳ Thành - 30/08/2020 10:12
 
Việc nhà đầu tư vi phạm quy chế đấu giá trong đợt thoái vốn tại Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long (Viresco) tháng 5/2020 đã “vô tình” thiết lập mức giá tham chiếu mới cho cổ phiếu Viresco.
.
Tại thời điểm ngày 30/6/2020, Viresco có 95 tỷ đồng tài sản, trong đó lượng tiền mặt lên tới 40,7 tỷ đồng.

“Miệt mài” thoái vốn

Ngày 9/9 sắp tới, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) dự kiến tổ chức phiên đấu giá cả lô 1,94 triệu cổ phần của Viresco mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang nắm giữ với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, chiếm 73,03% vốn tại đây. Với mức giá khởi điểm mà SCIC đưa ra là 30.600 đồng/cổ phần, SCIC dự thu về ít nhất 60 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Viresco không bị giới hạn.

Đợt chào bán lần này là một trong 5 đợt SCIC thực hiện từ cuối năm 2015 đến nay, nhưng đều không thành công. Trong các đợt thoái vốn tại Viresco thời điểm 2015 và 2016, giá khởi điểm mà SCIC đưa ra khá thấp, chỉ cao hơn khoảng 20% so với mệnh giá. Mặc dù giá khởi điểm thấp, lượng cổ phần chào bán đảm bảo tỷ lệ chi phối hoàn toàn tại doanh nghiệp, nhưng các phiên đấu giá này không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Song tín hiệu đáng chú ý là, tại đợt chào bán đấu giá tháng 5/2020 với giá khởi điểm 24.700 đồng/cổ phần, đã có 2 nhà đầu tư chào mua số cổ phần nói trên. Thông báo ngày 15/5 của HoSE cho biết, mặc dù nhà đầu tư tổ chức đã chào giá tới 27.300 đồng/cổ phần, nhưng vẫn bị “nẫng tay trên” bởi nhà đầu tư cá nhân với giá chào mua 30.600 đồng/cổ phần. Song bất ngờ là, cá nhân này đã vi phạm quy chế đấu giá, dẫn đến việc SCIC tiếp tục chào bán lại lô cổ phần Viresco trong tháng 8/2020, với giá tham chiếu bằng đúng với mức mà nhà đầu tư này đã bỏ giá.

Viresco tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Long được thành lập năm 1993. Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháng 10/2004, Công ty chuyển thành Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

Song Viresco không được xem là công ty đại chúng bởi tính đến ngày 30/6/2020 chỉ có 46 cổ đông. Ngoài SCIC nắm phần vốn lớn nhất, 2 cổ đông lớn còn lại của Viresco là Công ty TNHH Nhà hàng TM và TKXD Như Thủy nắm 10,18% vốn điều lệ và Công ty cổ phần Cảng Vĩnh Long nắm 7,26%.

Có “của ăn, của để”

Viresco có vốn điều lệ 26,5 tỷ đồng, chuyên cung cấp dịch vụ nhận thầu xây dựng và thiết kế công trình, kinh doanh bất động sản và tự giới thiệu là một trong các “doanh nghiệp khá” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Trong 3 năm gần đây (2017-2019), doanh thu của Công ty tăng từ 29 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bất động sản ngày càng tăng và chiếm 88-94% tổng doanh thu. Lợi nhuận ròng của Viresco cũng tăng đáng kể từ 4,7 tỷ đồng lên 10,3 tỷ đồng.

Năm 2020, Viresco lên kế hoạch doanh thu 36 tỷ đồng và lãi ròng 9,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,7% và giảm 6% so với thực hiện năm trước. Nửa đầu năm nay, Công ty ghi nhận 19,3 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế 5 tỷ đồng, lần lượt đạt 53,6% và 52,6% kế hoạch năm. 100% doanh thu nửa đầu năm 2020 đều đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản.

Tại thời điểm ngày 30/6/2020, Viresco có 95 tỷ đồng tài sản, trong đó lượng tiền mặt lên tới 40,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty có 5 tỷ đồng gửi tiết kiệm 6 tháng với lãi suất 6,9%/năm tại Ngân hàng TMCP Quốc dân. Viresco không có vay nợ, nhưng có khoản người mua trả tiền trước 21 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác 14,2 tỷ đồng.

Trong cơ cấu tài sản của Viresco còn ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn 16,3 tỷ đồng và hàng tồn kho 31 tỷ đồng. Chiếm đa số trong giá trị hàng tồn kho là quyền sử dụng đất tại 2 khu đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, được Công ty ghi nhận giá trị 23,4 tỷ đồng. Viresco còn là chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở Trường An, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long với quy mô 18.000 m2, đồng thời sở hữu quyền sử dụng một số khu đất tại TP. Vĩnh Long.

Dù kết quả kinh doanh khiêm tốn, nhưng Viresco có tình hình tài chính lành mạnh, sở hữu quỹ đất tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi “vô tình” thiết lập mức giá tham chiếu mới cho cổ phiếu, qua đó “chặn đứng” cơ hội của nhà đầu tư tổ chức hồi tháng 5/2020, việc nhà đầu tư cá nhân bí ẩn có “mặn mà” với phiên đấu giá lần này của Viresco hay không lại là ẩn số.

SCIC muốn bán trọn lô hơn 46 triệu cổ phần FPT
Phiên đấu giá này không dành cho nhà đầu tư ngoại do đã hết room. Nhà đầu tư trong nước sẽ phải bỏ ra ít nhất 2.273 tỷ đồng để mua trọn lô...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư