Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Vụ án Hà Văn Thắm: Đề nghị các đơn vị nhận tiền bồi hoàn cho cổ đông Oceanbank
Đỗ Mến - Bùi Trang - 24/04/2018 14:32
 
Sáng 24/4, phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm và đồng phạm chuyển sang phần xem xét đơn kháng cáo của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) trước năm 2014 có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông. 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là PVN chiếm 20%, Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) chiếm 20%; Công ty TNHH VNT chiếm 20% và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.

Theo bản án sơ thẩm, Oceanbank chi lãi ngoài 1.576 tỷ đồng từ năm 2011-2014. Có 246 tỷ đồng được chi cho Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank). Theo Tòa sơ thẩm, bị cáo Sơn chiếm đoạt số tiền trên. Trong số tiền hơn 246 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt từ Oceanbank có 20% là tiền của Nhà nước do PVN góp vốn, tương ứng là hơn 49 tỷ đồng. Bị cáo Sơn đã nhận và sử dụng số tiền này; nên hành vi của Nguyễn Xuân Sơn đã cấu thành tội Tham ô tài sản.

.
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn trước tòa

Tòa sơ thẩm phạt bị cáo Nguyễn Xuân Sơn mức án tử hình đồng thời phải bồi hoàn số tiền này cho PVN.

Trước tòa, bà Lâm Khánh Hồng - đại diện Công ty TNHH VNT đề nghị tòa án phúc thẩm xem xét quyền lợi của VNT ngang bằng với PVN.

Đại diện VNT lý giải: “Chúng tôi cũng là cổ đông, khi Oceanbank bị mua bắt buộc, chúng tôi là bên bán nhưng không được có ý kiến, đương nhiên bị mất vốn. Tòa án xác định PVN được hoàn trả 49 tỷ đồng thì cần xem xét sự công bằng cho chúng tôi”.

Yêu cầu của VNT là đòi bồi thường 20% cổ phần trong số tiền 246 tỷ đồng bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt, tương đương với 49 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có điều kiện thực hiện, VNT đề nghị tòa án tuyên buộc các đơn vị nhận tiền bất hợp pháp phải hoàn trả tiền.

Chủ tọa cho rằng, đòi hỏi này có lý nhưng thực tế khó khả thi vì họ là đối tượng được Oceanbank “tặng thưởng”, “cảm ơn” thì không dễ gì để đòi lại. Sau bản án này đương nhiên có hiệu lực pháp luật ngay và có hiệu lực thi hành ngay. Tuy nhiên, nếu đặt vấn đề này ra sẽ rất phức tạp.

Cấp phúc thẩm cho rằng, VNT có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác. Tuy nhiên, VNT vẫn khẳng định, việc này khó nhưng không thể không thực hiện được vì Oceanbank có danh sách để thu hồi. Việc này khả thi hơn là việc các bị cáo bồi thường.

Đại diện Công ty cổ phần Đại Dương (OGC) có nội dung kháng cáo như trên và không có ý kiến thêm.

Trong phần thẩm vấn, liên quan đến con số 49 tỷ quy kết bị cáo tham ô tài sản, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn đã đề nghị xem xét làm rõ việc tính toán. Bị cáo xác định, nguồn tiền 246 tỷ đồng không nằm trong khoản 800 tỷ đồng mà PVN đã góp vốn vào Oceanbank. Đó cũng không phải là nguồn tiền cổ tức mà Oceanbank chi cho cổ đông PVN. Bị cáo cho rằng, số tiền này là nguồn chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng, không phải là tài sản của PVN.

“Số vốn góp vào Oceanbank sẽ trở thành tài sản của Oceanbank. PVN chỉ quản lý tài sản thông qua người đại diện. Tiền và tài sản của Oceanbank chỉ trở thành tiền, tài sản của cổ đông sau khi trừ đi các chi phí và phần lãi ròng được chia cho cổ đông nếu Đại hội đồng cổ đông quyết định chia cổ tức”, bị cáo Sơn trình bày.

Bắt đầu xử phúc thẩm Hà Văn Thắm và đồng phạm
Sáng nay 18/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu xem xét đơn kháng cáo của Hà Văn Thắm cùng 25 đồng phạm trong vụ án Ngân hàng TMCP Đại Dương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư