Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
Vụ chuyến bay giải cứu, cựu cán bộ Bộ Ngoại giao nhận hối lộ hơn 65 tỷ đồng
Huệ Nguyễn - 20/04/2023 14:16
 
Riêng cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và hai cựu lãnh đạo Cục Lãnh sự bị cáo buộc nhận hối lộ gần 60 tỷ đồng trong vụ án liên quan “chuyến bay giải cứu”.

Vừa qua, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã công bố cáo trạng truy tố 54 bị can về 5 tội danh, trong vụ án “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Các bị can tại Bộ Ngoại giao bị truy tố trong vụ án này gồm: hai cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam; cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan; cựu Cục phó Đỗ Hoàng Tùng và nhiều cán bộ Cục Lãnh sự, một số Đại sứ và nhân viên tại nước ngoài.

Cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng 37 lần nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp

Theo đó, tại Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao. Đây là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian dịch Covid-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch đưa công dân về nước.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (bên phải) và Vũ Hồng Nam.

Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 đến tháng 01/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ giải quyết cấp phép chuyến bay và được Dũng đồng ý.

Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách “chuyến bay giải cứu’, đồng thời 37 lần nhận tiền với tổng số tiền 21,5 tỷ đồng từ đại diện các doanh nghiệp đã được hỗ trợ, tạo điều kiện cấp phép thực hiện “chuyến bay combo”.

Quá trình điều tra vụ án, Tô Anh Dũng và gia đình đã tự nguyện nộp 2 tỷ đồng cho Cơ quan điều tra để khắc phục hậu quả.

Gây khó khăn cho doanh nghiệp, Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan nhận hơn 25 tỷ đồng

Bà Lan với vai trò là Phó cục trưởng, rồi Cục trưởng Cục Lãnh sự, được giao quản lý, phụ trách chung toàn bộ công việc của Cục Lãnh sự, xét duyệt danh sách các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay; trực tiếp báo cáo Thứ trưởng Tô Anh Dũng duyệt, ký công văn gửi Tổ 4 Bộ/5 Bộ về việc đề xuất cho các doanh nghiệp tham gia tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân về nước.

Từ tháng 4/2020 đến tháng 1/2022, Cục Lãnh sự đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước (gồm 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo).

Hai lãnh đạo Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan và Đỗ Hoàng Tùng bị cáo buộc nhận số tiền rất lớn trong vụ án.

Thời gian này, 8 cá nhân đại diện các doanh nghiệp đã đặt vấn đề nhờ và được Lan đồng ý tạo điều kiện giúp đỡ trong việc cấp phép chuyến bay. Quá trình giải quyết, bà Lan đã nhiều lần nhận tiền của đại diện các doanh nghiệp, tổng số hơn 25 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cũng xác định, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bà Lan và thuộc cấp bị cáo buộc “không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp xin cấp phép chuyến bay, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ”.

Theo Cơ quan điều tra, thực tế bà Lan chủ yếu chọn các doanh nghiệp được cấp trên chỉ định, do người thân nhờ hoặc doanh nghiệp đã chi tiền trước (hay hứa sẽ chi tiền) để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Bị can còn hướng dẫn doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác để được cấp nhiều chuyến bay.

Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can gây khó dễ bằng cách không đưa vào danh sách (dù lãnh đạo Chính phủ đồng ý chủ trương cấp phép), thường xuyên thông báo ngày bay sát với ngày doanh nghiệp nhận được thông báo hoặc đổi kế hoạch bay... Mục đích là ép doanh nghiệp phải đưa tiền mới đề xuất cấp phép.

Quá trình điều tra đánh giá, bị cáo Lan đã không nhận thức được hành vi, không ăn năn, hối cải và không hợp tác với cơ quan điều tra, do đó đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng đối với bị can khi truy tố, xét xử.

Cựu Cục phó Đỗ Hoàng Tùng 38 lần nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng

Cựu Cục phó Đỗ Hoàng Tùng, với vai trò được phân công trực tiếp chỉ đạo Phòng Bảo hộ công dân tập hợp, đề xuất, xây dựng kế hoạch, dự thảo danh sách doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay, ký nháy, trình lãnh đạo Cục Lãnh sự ký, duyệt; sau đó ký thông báo cho cơ quan, địa phương, doanh nghiệp để tổ chức chuyến bay.

Cơ quan chức năng xác định, từ tháng 11/2020 đến tháng 12/2021, 15 cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp đã gặp, đặt vấn đề, đưa hối lộ 38 lần cho Đỗ Hoàng Tùng để được cấp phép các chuyến bay, với tổng số tiền gần 12,3 tỷ đồng (trong đó có 6,4 tỷ đồng và 254.500 USD).

Tại Cục Lãnh sự, Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng, tập sự Phó cục trưởng; Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó trưởng phòng Bảo hộ công dân, cũng bị cáo buộc nhận hối lộ trong quá trình tổ chức các chuyển bay, với số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Liên quan tới vụ án trên còn có cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola; Lý Tiến Hùng, nguyên Cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga; Trần Việt Thái, Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh và Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhận hối lộ hơn 23 tỷ đồng
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam được xác định đã nhận hối lộ hơn 23 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư