Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ đấu giá đất huyện Đông Anh: Cựu chủ tịch Vimedimex xin hoãn phiên xử để nộp thêm chứng cứ mới
Huệ Nguyễn - 09/04/2024 12:36
 
Bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vimedimex và luật sư đề nghị hoãn phiên xét xử để nộp thêm chứng cứ mới. Hội đồng xét xử quyết định mở lại phiên tòa vào ngày 17/4 tới.

Sáng 9/4, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm đối với 11 bị cáo liên quan tới vụ án “Vi phạm quy định về đấu giá tài sản”, xảy ra tại huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

Trong vụ án này, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex Nguyễn Thị Loan và 9 đồng phạm bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Cùng với đó, 2 bị cáo Bùi Thanh Huyền, cựu Chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Nguyễn Thị Cẩm Lê, cán bộ sở này bị đưa ra xét xử tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex Nguyễn Thị Loan (đứng phía trước) và nhóm đồng phạm hầu tòa.

Tại tòa, trong số 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan, có 4 luật sư vắng mặt. Người còn lại là luật sư Trương Quốc Hòe đề nghị tòa tạm hoãn để đảm bảo quyền lợi cho bị cáo; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập thêm Công ty cổ phần Định giá VNG Việt Nam.

Đây là công ty thẩm định giá được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuê thẩm định theo luật thẩm định giá. Theo vị luật sư này, chứng thư ngày 18/3/2022 của Công ty VNG Việt Nam được Hội đồng định giá xác định giá tại thời điểm tháng 10/2020. Trong khi tại thời điểm tháng 10/2020 là căn cứ để đối trừ xác định thiệt hại.

Sau khi Viện Kiểm sát công bố cáo trạng, bị cáo Loan kêu oan và tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa đến khi đủ 5 luật sư bào chữa để đảm bảo quyền lợi cho mình.

Luật sư của bị cáo này cũng cho biết, có nhiều tài liệu, chứng cứ muốn giao nộp cho Hội đồng xét xử liên quan tới việc định giá khu đất được xác định có sai phạm.

Sau 5 phút thảo luận, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa; đồng thời ấn định thời gian mở lại vào sáng ngày 17/4 tới.

Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2020, UBND huyện Đông Anh phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn, trong đó có Dự án xây nhà ở để đấu giá ở phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương; giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh (Ban QLDA huyện Đông Anh) là đơn vị tổ chức đấu giá.

Dù không có nhiệm vụ xác định giá khởi điểm khu đất đấu giá, nhưng một số cán bộ tại đây đã thuê Công ty cổ phần Tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội (Công ty VVAI) để thẩm định giá trị khu đất trên với giá trị khoảng 504 tỷ đồng, tương đương 30-31 triệu đồng/ m2.

Tuy nhiên, sau đó nhóm bị cáo này đã điều chỉnh hạ giá đất xuống khoảng 300 tỷ đồng. Cuối cùng, Công ty VVAI đưa ra giá trị thẩm định khoảng 334 tỷ đồng.

Giá khu đất tiếp tục được nhóm bị cáo “tác động” tới một số cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sau đó chứng thư thẩm định giá được Công ty VVAI phát hành xác định giá trị khu đất là gần 285 tỷ đồng; đơn giá đất tương ứng là 17,6 triệu đồng/ m2.

Đơn giá khu đất trên được Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể của thành phố điều chỉnh và “chốt” là 18,2 triệu đồng/ m2, và được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Sau khi Ban QLDA huyện Đông Anh tổ chức đấu giá đất thông qua Công ty Đấu giá hợp danh số 5, bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Vimedimex đã sử dụng 3 pháp nhân do mình trực tiếp điều hành để tham gia đấu giá.

Để đảm bảo chắc chắn trúng đấu giá khu đất với giá thấp, Loan đã chỉ đạo Nguyễn Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Vimedimex đại diện cho Công ty Bất động sản Thanh Trì; Nguyễn Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Công ty Bất động sản Mỹ Đình; Tạ Thị Vân, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm, sử dụng thủ đoạn “dìm giá” khi tham gia đấu giá.

Theo đó, tại vòng trả giá thứ nhất, cả 3 công ty đều trả giá bằng nhau (bằng giá khởi điểm, cộng thêm 1 bước giá). Vòng trả giá thứ 2 và thứ 3 cũng được thực hiện tương tự. Tại vòng trả giá thứ 4, cả 3 công ty không trả giá nữa, đều ghi “Không tiếp tục bỏ giá”, với mục đích để công ty đấu giá tổ chức bốc thăm chọn đơn vị trúng đấu giá.

Kết quả là, Công ty cổ phần Phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm trúng đấu giá, với giá trị gần 327 tỷ đồng (tương đương 20,2 triệu đồng/ m2).

Sau khi nhận bàn giao đất, từ 27/1/2021 đến tháng 8/2021, Nguyễn Thị Loan đã phê duyệt cho Công ty cổ phần Bất động sản Belleville Hà Nội bán 21/96 căn biệt thự và liền kề, thu về gần 312 tỷ đồng.

Trong số này, có một số căn biệt thự được bán với giá khoảng 86 triệu đồng đến 114 triệu đồng/ m2.

Cơ quan tố tụng xác định, hành vi thông đồng dìm giá và trúng đấu giá với giá trị thấp của bị cáo Nguyễn Thị Loan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 135 tỷ đồng.

Vụ sai phạm trong đấu giá đất tại Đông Anh (Hà Nội): Hội đồng Thẩm định giá đất bị “vô hiệu”
Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể TP. Hà Nội đã tiến hành định giá đất chỉ dựa vào chứng thư thẩm định đã bị “dìm giá” của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư