Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Vụ đổ trộm đất đá xuống vịnh Bái Tử Long: Làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương
Thu Lê - 15/03/2021 11:55
 
Liên quan đến vụ đổ trộm, san lấp trái phép 16.000 m2 bãi triều vịnh Bái Tử Long (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh), trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng đang được xem xét làm rõ.
Vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)
Vịnh Bái Tử Long. (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Tại cuộc họp thông tin báo chí thường kỳ ngày 9/3 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Trương Công Ngàn, Phó trưởng ban cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và Phòng Cảnh sát môi trường Công an Quảng Ninh đã vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi đổ đất đá trái phép xuống vịnh Bái Tử Long với Công ty Phương Đông.

Theo báo cáo tại cuộc họp của ông Nguyễn Đức Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, trong 2 ngày 28 và 29/1, Công ty Phương Đông đã đổ trộm đất đá trong đêm và lấn ra hơn 10 m so với bờ kè Khu đô thị ven biển Phương Đông do công ty này đầu tư. Hoạt động san lấp còn tiếp diễn những ngày sau đó, kể cả trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu. Song phải đến ngày 17/2, khi nhận được đơn đề nghị của các hộ dân trên địa bàn xã Đông Xá về vụ việc, chính quyền huyện Vân Đồn và xã Đông Xá mới có những động thái kiểm tra, xác minh.

Kết quả xác minh của xã Đông Xá cho thấy, tính đến ngày 17/2, Công ty Phương Đông đã san lấp mặt bằng trên diện tích đất chưa sử dụng thuộc sự quản lý của xã Đông Xá lên đến 16.000 m2. Một hoạt động sai phép khác của Phương Đông là toàn bộ số đất đá đổ trái phép xuống vịnh Bái Tử Long được lấy từ mỏ đất Trường Hưng đã hết hạn thuê đất. Các cơ quan chức năng của huyện Vân Đồn đang xác định lại hồ sơ khai thác đất của Công ty Phương Đông ở mỏ đất này.

Để khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm, ngày 19/2, UBND huyện Vân Đồn đã ra Quyết định số 05/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Phương Đông 100 triệu đồng và yêu cầu doanh nghiệp này phải hoàn trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo quyết định (tức đến ngày 1/3).

Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn gửi các phóng viên, khu vực 16.000 m2 mà Công ty Phương Đông đã san lấp trái phép nằm giáp tuyến kè của Dự án Khu đô thị Đông Xá (còn gọi là Khu đô thị Phương Đông) và nằm ngoài ranh giới đã được giao đất của Công ty Phương Đông. Trong khi đó, trong điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Đồn, điều chỉnh quy hoạch phân khu Khu đô thị Cái Rồng, khu vực này được quy hoạch là đất hành lang cây xanh, bãi ven tuyến kênh giữa Khu đô thị Đông Xá với Khu đô thị Bán đảo Cổng Chào (dự kiến triển khai trong giai đoạn 2030-2040).

Về hành vi sai phạm của mình, phía Công ty Phương Đông lý giải rằng, sau khi triển khai xây dựng tuyến kè dự ứng lực trước, trong đoạn cừ đã đóng từ K0+930 đến K1+600, thì phía ngoài chân cừ còn lại là phần lạch cũ, địa hình lồi lõm gây nguy hiểm cho người dân khi đi qua khu vực này (?!). Do vậy, doanh nghiệp này đang dự kiến đề nghị huyện Vân Đồn cho phép được hoàn nguyên tạo mặt bằng, không để lồi lõm như vậy (!), kế đến sẽ tiến hành đắp nền lõi đáy bãi, sau đó phun cát bề mặt để đảm bảo hoàn nguyên bãi triều (?).

Vi phạm trên liệu có chỉ do tự doanh nghiệp làm? Các cơ quan quản lý, lãnh đạo huyện Vân Đồn có thật sự vì “đang tập trung phòng cống dịch bệnh, truy vết F1…” (theo báo cáo ngày 9/3 gửi các cơ quan báo chí) mà “bỏ sót” các hoạt động khác trên địa bàn?

Để làm rõ sai phạm và trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để doanh nghiệp thực hiện hoạt động san lấp trái phép với quy mô lớn và trong thời gian dài, ngày 5/3, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Vân Đồn chỉ đạo khắc phục hậu quả và xem xét trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn huyện, báo cáo UBND tỉnh kết quả trước ngày 15/3.

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Ba “ông lớn” ngành nông nghiệp vung vãi đất công - Bài 1: Đất nông, lâm nghiệp bị lấn chiếm tràn lan
Nhiều sai phạm về đất đai tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư