Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 17 tháng 09 năm 2024,
Vụ khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật: Mỗi nơi quản mỗi kiểu, luật dành cho ai?
 
Quy định về lắp đặt trạm cân, camera tại mỏ khoáng sản để “trấn áp” các hành vi vi phạm, nhưng nơi mạnh tay xử phạt, nơi lại cho rằng… không cần thiết. Vậy, luật pháp ban hành ra để áp dụng cho ai?

“Phép vua, thua lệ làng”

Không lắp đặt trạm cân tại vị trí, nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ (khu vực khai thác) để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan (theo quy định tại khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ); không lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liên quan (quy định tại khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ) được UBND tỉnh Lâm Đồng mới đây xác định là 2/10 hành vi vi phạm của Công ty cổ phần Thắng Đạt (số 39, Nguyễn Công Trứ, phường 8, TP. Đà Lạt).

Cùng với loạt hành vi vi phạm khác như lấn, chiếm đất rừng sản xuất; lấn, chiếm diện tích đất ngoài lâm nghiệp; khai thác không đúng thông số của hệ thống khai thác theo thiết kế mỏ được phê duyệt (góc dốc sườn tầng là 40 độ), đổ thải hoàn nguyên không đúng thiết kế, phương án cải tạo phục hồi môi trường được phê duyệt; lập bản đồ hiện trạng mỏ, bản vẽ mặt cắt hiện trạng mỏ lập năm 2022 sai so với thực tế hiện trạng…, Công ty cổ phần Thắng Đạt bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt với tổng số tiền 590 triệu đồng.

Đó là chưa kể, Công ty cổ phần Thắng Đạt bị buộc phải nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm hành chính gây ra hơn 706 triệu đồng. Không chỉ có vậy, Công ty cổ phần Thắng Đạt còn bị UBND tỉnh Lâm Đồng đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản theo Giấy phép khai thác số 73/GP-UBND ngày 12/12/2016 trong thời hạn 6 tháng.

Như vậy, có thể thấy, tỉnh Lâm Đồng đã xử lý mạnh tay, đảm bảo pháp luật về lĩnh vực khoáng sản được thực thi đúng nghĩa. Tuy nhiên, tại Quảng Ngãi, suốt nhiều năm qua tồn tại nhiều mỏ khoáng sản (trong đó có đất san lấp) hoạt động không cần trạm cân hoặc camera.

Dù vậy, những mỏ đất này (mỏ đất Hố Hóc Ngày, thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Thiên Lộc Phát; mỏ đất thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành của Công ty TNHH MTV Vận tải Phúc Bảo An) vừa qua vẫn được tỉnh Quảng Ngãi chọn để phục vụ nhu cầu của dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa phương.

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh này lại cho rằng, việc lắp camera là chưa phù hợp, chưa cần thiết. Vậy, quy định tại khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ (tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan) dành cho ai?

Ông Minh nói: “Vấn đề là tỉnh kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản doanh nghiệp bán ra ngoài”. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nếu doanh nghiệp cố tình bán “chui” khoáng sản ra ngoài, không xuất hóa đơn, thu lợi bất chính thì kiểm soát bằng cách nào, khi mà hoạt động kiểm tra, giám sát tại các mỏ khoáng sản hết sức lỏng lẻo? Đó là chưa nói, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi thu thuế tài nguyên của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản bằng cách để họ tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm.

Trong quản lý hoạt động khoáng sản, tỉnh Quảng Ngãi còn để xảy ra một “rừng” sai phạm khác. Tại kết luận kiểm toán tổng hợp năm 2022 vừa công bố, Kiểm toán Nhà nước đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc phê duyệt chủ trương lập hồ sơ để cấp giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông không qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định tại Điều 78 Luật Khoáng sản; trong việc phê duyệt trữ lượng khoáng sản nhưng không cấp Giấy phép thăm dò không đúng quy định; ban hành Quyết định số 527/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 dẫn đến việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản không đúng thẩm quyền quy định; ban hành Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 12/8/2013, dẫn đến không tổ chức khoanh định và không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với cát, sỏi lòng sông trái quy định.

Kiểm toán Nhà nước còn đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu cho UBND tỉnh khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa đảm bảo quy định, dẫn đến đã cấp 45 Giấy phép khai thác trái quy định; xác định thiếu trữ lượng, chưa nhân hệ số quy đổi và cho phép khấu trừ vào tiền cấp quyền phải nộp trái quy định, làm thất thu ngân sách nhà nước về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, số tiền 25.641 triệu đồng; không tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế khai thác đối với đất tầng phủ dùng làm vật liệu san lấp trái quy định, dẫn đến không xác định trữ lượng tính tiền cấp quyền và tiền cấp quyền phải nộp, làm giảm thu ngân sách nhà nước; không tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khai thác cát, sỏi lòng sông, làm giảm thu ngân sách nhà nước; không tham mưu cấp 66 Giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định; chưa tổ chức thẩm định Đề án đóng cửa mỏ theo đúng thời gian theo quy định Điều 45 Nghị định 158/2016/NĐ-CP, Điều 8 Thông tư số 45/2016/TT-BTNMT và Quyết định số 1882/QĐ-UBND ngày 26/11/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Ảnh minh họa
Nhiều mỏ khoáng sản ở Quảng Ngãi nhiều năm không lắp đặt trạm cân, camera theo luật định vẫn ung dung hoạt động trong nhiều năm qua. Công luận có quyền đặt câu hỏi, luật ban hành ra dành cho ai và có phải "phép vua thua lệ làng"? Ảnh: P.V

Chưa hết, theo Kiểm toán Nhà nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi còn chưa tham mưu UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp Giấy phép khai thác khoáng sản đã chấm dứt hiệu lực nhưng không lập đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ theo quy định, dẫn đến tình trạng 71 mỏ chưa thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản kéo dài qua nhiều năm (trong đó, tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải Hân Nga, Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực, đơn vị chưa lập Đề án đóng cửa mỏ nhưng vẫn được UBND tỉnh cấp mới Giấy phép khai thác khoáng sản, cho phép đơn vị được tiếp tục khai thác khoáng sản tại mỏ cũ như trùng vị trí, diện tích; tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đấu giá các khu vực khoáng sản không có trong Quy hoạch được phê duyệt; các khu vực khoáng sản đã được cấp Giấy phép thăm dò và cấp Giấy phép khai thác (khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản) không đúng quy định; tổ chức đấu giá, tham mưu phê duyệt kết quả trúng đấu giá các khu vực khoáng sản khi chưa phê duyệt kế hoạch đấu giá, trái quy định; tham mưu, quyết định xử phạt không đúng, không đầy đủ hành vi vi phạm qua công tác thanh kiểm tra theo quy định của pháp luật...

“Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân không phát hiện hết các sai phạm khi thực hiện thanh kiểm tra mà Kiểm toán Nhà nước xác định số thuế phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 497 triệu đồng (Công ty TNHH Lý Tuấn 480 triệu đồng; Công ty Xây dựng và Thương mại Lê Nguyên 17 triệu đồng); không kịp thời chuyển thông tin, phối hợp với các đơn vị có liên quan để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét thu hồi giấy phép khai thác theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản và khoản 1 Điều 58 Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 của Quốc hội đối với 13 trường hợp với tổng số tiền nợ tiền cấp quyền hơn 5,2 tỷ đồng”, Kiểm toán Nhà nước đề nghị.

Dùng chiêu “mèo vờn chuột”, né tránh báo chí?

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, như khi vận chuyển khoáng sản ra bên ngoài khu vực tập kết nguyên liệu thành phẩm, phải có phiếu kết xuất dữ liệu từ trạm cân và lập sổ theo dõi, ghi rõ loại, khối lượng khoáng sản, biển số phương tiện vận chuyển, ghi chép đầy đủ thông tin theo từng ngày, tháng, năm để làm cơ sở khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khoáng sản khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản…

Đối với các trường hợp số liệu kê khai, nộp thuế có sai khác nhiều với công suất khai thác khoáng sản theo Giấy phép được cấp, thì Cục Thuế tỉnh Quảng Nam kịp thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm tra, truy xuất dữ liệu lưu trữ từ hệ thống camera giám sát để đối chiếu, so sánh, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng thực tế, bán khoáng sản không xuất hóa đơn, bán không đúng giá niêm yết, khai thác vượt công suất…

Tiếc rằng, những chỉ đạo trên giấy này đã không đủ sức “nắn gân” cấp dưới, nhất là chính quyền cấp cơ sở trong công tác quản lý tại mỏ khoáng sản.

Điển hình là thời gian qua, tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc (do Công ty cổ phần Trường Lợi làm chủ), sau 17h, những xe cát lũ lượt ra khỏi mỏ, không lên trạm cân và camera, trong tình trạng vắng bóng lực lượng chức năng.

Ảnh minh họa
Sau 17h ngày 12/6/2023, đoàn xe ben chở cát tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam không đi qua trạm cân, camera.

Sau khi Báo Đầu tư đăng tải bài viết: “Biến trạm cân, camera thành vật trang trí”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các Phòng chức năng phối hợp với Chi cục Thuế huyện Đại Lộc tổ chức kiểm tra, làm rõ thông tin Báo Đầu tư nêu và việc thực hiện mua, bán khoáng sản, kê khai thuế của Công ty cổ phần Trường Lợi tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10/7/2023.

Sau ngày 10/7/2023, phóng viên Báo Đầu tư liên tục liên lạc với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc để hỏi về kết quả kiểm tra, nhưng không hiểu vì lý do gì, ông này không nghe máy.

Loạt câu hỏi mà chúng tôi về công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn để lại tại Văn phòng UBND huyện Đại Lộc theo đề nghị của ông Quang từ ngày 14/6/2023 đến nay cũng không được trả lời.

Ông Nguyễn Viết Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Đại Lộc cũng im lặng một cách khó hiểu khi phóng viên Báo Đầu tư hỏi biên bản kiểm tra mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc.

Đến ngày 26/7, ông Nguyễn Như Công, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được văn bản báo cáo kiểm tra của UBND huyện Đại Lộc theo Công văn số 4244/UBND-KTN của UBND tỉnh Quảng Nam.

Lúc này, chúng tôi tiếp tục liên hệ với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ông Quang đề nghị chúng tôi lên UBND huyện Đại Lộc để làm việc với ông Huỳnh Hưng Quang, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Đại Lộc vào sáng ngày 27/7.

Tuy nhiên, sáng ngày 27/7/2023, phóng viên có mặt tại UBND huyện Đại Lộc để làm việc thì được bảo vệ UBND huyện cho biết, ông Quang đi họp. Sau 1 giờ đồng hồ chờ đợi tại UBND huyện, chúng tôi vẫn không thấy ông Huỳnh Hưng Quang đâu.

Phóng viên liên hệ qua điện thoại thì ông Quang bảo đang đi họp và đề nghị phóng viên liên hệ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện vì vấn đề này ông chưa nghe Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo.

Phóng viên liên hệ Võ Ngọc Tốt, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc, thì ông này cho biết đang đi kiểm tra các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện. “Về mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, đơn vị đã làm và trình rồi, còn các mỏ khác đang làm”, ông Tốt nói.

Đến 11h ngày 27/7/2023, phóng viên liên hệ lại với ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, nhưng ông này không bắt máy. Phóng viên liên hệ lại với ông Huỳnh Hưng Quang để đặt lịch làm việc, nhưng ông này cũng không phản hồi.

Đáng chú ý, trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Đại Lộc (từ ngày 1/3/2023), ông Huỳnh Hưng Quang là Bí thư Đảng ủy xã Đại Hồng (nơi mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông của Công ty cổ phần Trường Lợi bị UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, làm rõ theo bài điều tra của Báo Đầu tư tại Công văn số 4244/UBND-KTN ngày 3/7/2023 của UBND tỉnh Quảng Nam).

Việc UBND huyện Đại Lộc ứng xử với báo chí như trên càng dấy thêm những nghi ngoặc trong công tác quản lý và điều hành, nhất là cá nhân ông Lê Văn Quang với vai trò là người đứng đầu chính quyền huyện Đại Lộc.

“Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật: Báo cáo đã “bỏ lọt” những gì?
UBND huyện Phú Lộc vừa báo cáo UBND tỉnh về “điểm nóng” khoáng sản lậu xã Lộc Bổn. Tuy nhiên, báo cáo này có nhiều điểm kỳ lạ, có biểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư