Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Vụ Protrade xóa sổ 43 ha đất công: Tại sao tổng giám đốc công ty tư nhân bị bắt?
Ngô Nguyên - 07/06/2021 14:33
 
Liên quan sai phạm xảy ra tại Protrade, tổng giám đốc một doanh nghiệp tư nhân đã bị bắt để điều tra hành vi "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Khu đất 43 ha hiện là Dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ Tân Phú do Kim Oanh Group triển khai
Khu đất 43 ha hiện là Dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ Tân Phú do Kim Oanh Group triển khai

Từ những chữ ký bạc tỷ

Căn cứ tài liệu điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) (Báo Đầu tư đã nhiều lần phản ánh), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 4 bị can về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219, Bộ luật Hình sự 2015).

Khi cơ quan công an chưa vào cuộc, mà mới chỉ có Thanh tra tỉnh Bình Dương, ngày 22/10/2019, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc đã có văn bản gửi Thanh tra tỉnh Bình Dương viện dẫn nhiều văn bản để cho rằng, việc mua bán 43 ha đất và 30% vốn góp là hợp pháp.

Ông Hùng cũng đề nghị cơ quan thanh tra sớm ban hành kết luận thanh tra để dư luận sớm được biết, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất - kinh doanh, tránh kéo dài, dẫn đến những phát sinh, thiệt hại không đang có.

Đây là vụ việc liên quan đến việc Protrade bán 43 ha đất công tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương thấp hơn bảng giá đất quy định của UBND tỉnh Bình Dương thời điểm chuyển nhượng vào năm 2016, gây thiệt hại hơn 126 tỷ đồng. Vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố hình sự ngày 16/12/2019, rồi chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra theo thẩm quyền

Đáng lưu ý nhất trong 4 bị can mới bị bắt là Nguyễn Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc (trụ sở quận 1, TP.HCM).

Hồ sơ thể hiện, ngày 1/7/2010, Protrade do ông Nguyễn Văn Minh làm đại diện đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc. Hai bên thỏa thuận thành lập liên doanh mang tên Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú), trong đó Protrade góp 60 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ, để đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu đất 43 ha nêu trên.

Ngày 17/8/2010, Tỉnh ủy Bình Dương có văn bản đồng ý chủ trương cho Protrade góp vốn chiếm 30% vốn điều lệ tại liên doanh. Do Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc chiếm vốn chi phối (70%), nên ông Nguyễn Quốc Hùng kiêm luôn chức Tổng giám đốc Công ty Tân Phú.

Từ năm 2010, trên nhiều lệnh chi và ủy nhiệm chi thể hiện, Protrade đã chuyển “tiền tươi thóc thật” góp vốn liên doanh Công ty Tân Phú, chứ không phải góp bằng 43 ha đất. Tới ngày 30/11/2016, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Protrade chủ trì họp HĐTV, thống nhất bán quyền sử dụng 43 ha đất cho Công ty Tân Phú.

Ngày 8/12/2016, tại Văn phòng Công chứng An Tín (Bình Dương), ông Nguyễn Văn Minh (đại diện Protrade) cùng ông Nguyễn Quốc Hùng (đại diện Công ty Tân Phú) ký hợp đồng chuyển nhượng 43 ha đất, với giá trên 581.000 đồng/m2, thu về hơn 250 tỷ đồng.

Ra lộ trình thâu tóm công phu

Tới tháng 3/2017, trong văn bản xin Tỉnh ủy Bình Dương cho chuyển nhượng phần vốn góp 30% cho Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc, liên quan việc 43 ha đất đã bán, Protrade giải thích rằng, chỉ là “chuyển giao khu đất” nhằm “thuận lợi trong quá trình thực hiện hợp đồng về điều khoản giao khu đất 43 ha”.

Sự mập mờ ngôn từ trên cùng với việc bán đất đã hé ra một lộ trình trước đó mà 2 bên thỏa thuận tại hợp đồng thống nhất liên doanh giữa Protrade và Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc. Đó là 2 bên đã thống nhất hoàn trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng 43 ha đất là 570.000 đồng/m2 và xem mức giá này là giá trị đất. Sau khi liên doanh được thành lập, thì công ty mới (Công ty Tân Phú) thanh toán tiền đền bù cho Protrade. Còn Protrade phải đảm bảo cho Công ty Tân Phú việc bàn giao toàn bộ khu đất để liên doanh nắm chủ quyền hợp pháp.

Vấn đề là, trong thỏa thuận trên, 43 ha đất trên thuộc tài sản của Protrade, lúc này là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tức là nếu bán cho tư nhân hay tổ chức khác, thì phải thực hiện đấu giá theo quy định. Vì vậy, việc đem đất đi liên doanh cùng thỏa thuận trên chẳng khác gì chiêu thức bán rẻ công sản, phạm luật đấu giá, xảy ra rất nhiều ở các doanh nghiệp nhà nước và bị phanh phui thời gian qua.

Chưa nói, như điều tra ban đầu của cơ quan công an, việc Protrade bán đất năm 2016 với giá thấp hơn giá quy định của tỉnh Bình Dương đã làm thiệt hại hơn 126 tỷ đồng.

Nhưng không chỉ dừng ở việc “chuyển giao đất”. Trong văn bản xin Tỉnh ủy Bình Dương nêu trên, Protrade cũng hé lộ: ông Nguyễn Quốc Hùng đại diện Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc đã có Văn bản số 21/AL/2017 ngày 7/3/2017 đề nghị Protrade chuyển nhượng toàn bộ vốn góp 30% tại Công ty Tân Phú cho Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc chủ động tiến hành các giai đoạn tiếp theo dự án. Điều này căn cứ vào Điều 11.1 về việc chuyển nhượng vốn góp tại hợp đồng thỏa thuận thành lập liên doanh giữa 2 bên.

Đồng thời, Protrade cũng xin thoái 30% vốn góp với lý giải là để Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc được sở hữu 100% dự án, thì sẽ chủ động hơn trong việc triển khai sản xuất - kinh doanh, mang lại hiệu quả.

Văn bản xin chủ trương trên của Protrade được đưa ra khi Tỉnh ủy Bình Dương có Công văn 4-7/CV/7/2016 yêu cầu chuyển giao 43 ha đất từ Protrade sang Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương để đơn vị này kế thừa vốn góp sau khi Protrade cổ phần hóa.

Thế nên, với việc đã bán đứt 43 ha đất trước đó cùng với việc xin thoái, bán 30% vốn trong liên doanh cho Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc, Protrade đẩy tỉnh Bình Dương vào thế đã rồi.

Tháng 4/2017, Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương là ông Phạm Văn Cành đã ký Thông báo số 287 thể hiện rằng, Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương cho Protrade chuyển nhượng 30% vốn góp. 4 tháng sau, tháng 8/2017, đại diện Protrade là ông Trần Nguyên Vũ (đã bị khởi tố, bắt giam) cùng ông Nguyễn Quốc Hùng, đại diện Công cổ phần Bất động sản Âu Lạc ký hợp đồng mua bán 30% vốn góp tại nêu trên, với giá trên 161 tỷ đồng.

Như vậy, tới lúc này, tiếng là liên doanh Công ty Tân Phú, nhưng thực chất là Công ty cổ phần Bất đông sản Âu Lạc sở hữu 100% vốn, toàn quyền quyết định đối với dự án 43 ha.

Ngoài Nguyễn Quốc Hùng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 3 bị can khác. Trong đó, theo Bộ Công an, bị can Nguyễn Đại Dương (từng rất "nổi tiếng" khi làm chủ vũ trường New Century tại Hà Nội) đã có hành vi câu kết, thông đồng với cha vợ là ông Nguyễn Văn Minh chuyển nhượng toàn bộ dự án trên khu đất 43 ha từ Nhà nước sang Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc.
Còn bị can Phạm Hữu Hiền, với vai trò là Tổ trưởng Tổ Thẩm định giá, biết Protrade đã chuyển nhượng khu đất 43 ha và đưa khu đất 145 ha vào góp vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Tân Thành là trái với quy định pháp luật, nhưng vẫn giúp Protrade sắp xếp 2 khu đất này vào mục “tài sản chờ thanh lý”, không thẩm định giá, đưa vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, gây thất thoát tài sản nhà nước.

 Như vậy, tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 12 bị can trong vụ án, gồm 3 cán bộ thuế tỉnh Bình Dương và 7 lãnh đạo, cán bộ của Protrade cùng về tội danh “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Vụ án này đã được đưa vào danh sách vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Rồi “sang tay” dự án

Sau khi vụ việc được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương khởi tố hình sự (ngày 16/12/2019), tháng 2/2020, Kim Oanh Group  (đang thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ Tân Phú trên khu đất 43 ha nêu trên) có văn bản liên quan.

Nội dung văn bản đã khiến dư luận tiếp tục “bật ngửa”, khi theo Kim Oanh Group, vào ngày 2/10/2017 và ngày 6/2/2018, Kim Oanh Group và Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc đã ký 2 hợp đồng với nội dung Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc chuyển nhượng toàn bộ 100% vốn góp trong Công ty Tân Phú cho Kim Oanh Group.

Theo Kim Oanh Group, sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, công ty này đã nhanh chóng bắt tay vào đầu tư phát triển dự án. Website của Kim Oanh Group vào tháng 1/2018 đã đăng tin về lễ khởi công dự án và hiện đã phải dừng lại.

Như vậy, Công ty Tân Phú do Công ty cổ phần Bất động sản Âu Lạc giữ 100% vốn không tiếp tục dự án để “mang lại hiệu quả” như đề xuất chuyển nhượng vốn góp của Protrade, mà sau khi thâu tóm xong của công, đã đem bán cho người khác.

Liên quan vụ lãnh đạo PROTRADE bị bắt: Làm rõ việc đem 145 ha đất liên doanh làm sân golf
Vụ việc tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade) lại nóng lên khi cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ khu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư