Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Vụ việc tại Công ty Xi măng Tân Phú Xuân (Hải Phòng): Uẩn khúc sau những lá đơn
 
Những người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng sẽ rất bất ngờ khi “tự nhiên” thấy tên mình trong danh sách đứng đơn khiếu nại Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân. Nhưng chắc chắn, họ sẽ còn bất ngờ hơn khi biết rằng, cũng với nội dung khiếu nại đó là sự “sốt sắng” hơn mức bình thường của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng.

Bài 2: Ai đứng sau những lời kêu cứu?

Như chúng tôi đã đề cập trong bài viết “Uẩn khúc sau những lá đơn” đăng trên Đầu tư số 2911 (ra ngày 15/7/2015), lá đơn khiếu nại và tố cáo của 40 hộ dân thôn 9, xã Liên Khê nhằm khiếu nại Kết luận số 890/TNMT - KS ngày 29/5/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng về hoạt động của Công ty cổ phần Xi măng Tân Phú Xuân (Công ty Tân Phú Xuân) trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Sau nhiều lần liên lạc và xuất trình đầy đủ giấy giới thiệu, thẻ nhà báo, chúng tôi đã gặp được ông Trần Hùng Tiến, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng để tìm hiểu vụ việc.

Tân Phú Xuân chấp hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác khoáng sản
Tân Phú Xuân chấp hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác khoáng sản

Tiếp chúng tôi với thái độ khá cẩn trọng, ông Tiến cho biết, ông đã nhận được nhiều lá đơn kiến nghị liên quan đến vụ việc kể trên, bởi trong đơn, “riêng phần kính gửi” đã dài cả trang, nên cứ “cẩn tắc vô áy náy”. Trong các văn bản liên quan đến vụ việc mà ông Tiến cung cấp cho phóng viên, có một văn bản khiến chúng tôi đặc biệt chú ý là Báo cáo số 09/BC - LHH ngày 12/6/2015 được hai ông chủ tịch của 2 cơ quan là Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng cùng đóng dấu ký tên gửi Thường trực Thành ủy Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng. Điều đáng quan tâm hơn, thời điểm Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng gửi báo cáo là ngày 12/6/2015, trong khi, đơn kiến nghị của người dân gửi cơ quan chức năng chậm hơn 2 ngày (ngày 14/6/2015). Sự “sốt sắng” của hai quý hội có vẻ như đi ngược trình tự logic thông thường, bởi lẽ, thay vì những người bị ảnh hưởng trực tiếp, đáng lẽ phải bức xúc hơn thì lại chần chừ và chậm chân trong việc lên tiếng để tự bảo vệ mình!

Mặt khác, nhiều nội dung trong đơn kiến nghị của “tập thể nhân dân xã Liên Khê” gần như giống nguyên Báo cáo số 09/BC - LHH. Trong đó, giống nhất là đoạn tố cáo Sở Tài nguyên  và Môi trường TP. Hải Phòng “tổ chức làm việc, kiểm tra theo kiểu TA với TA, không thể hiện tính khách quan, dân chủ, bình đẳng trong quá trình giải quyết đơn thư. Trong buổi kiểm tra thực địa và làm việc không có sự tham gia của đại diện chính quyền, đoàn thể cơ sở; không có sự chứng kiến, tham gia giám sát của đại diện các hộ dân có quyền lợi, bảo vệ quyền lợi cho bản thân, cho địa phương và xã hội…”.

Báo cáo số 09/BC - LHH do TS. Đoàn Trường Sơn (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng) và TS. Hoàng Văn Kể (Chủ tịch Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng) gửi cơ quan chức năng, 2 đơn vị này còn phản bác gay gắt những nội dung trong Kết luận số 890/TNMT – KS ngày 29/5/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng. Đó là, “Đoàn kiểm tra và Sở Tài nguyên và Môi trường không hề lắng nghe kiến nghị của dân, không quan tâm, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của dân và xã hội… Có biểu hiện biện hộ, bao che, dung túng cho các sai phạm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại khu vực này nói chung, nhất là Công ty Tân Phú Xuân”.

Sau khi giải thích với nhóm phóng viên Báo Đầu tư về Kết luận số 890/TNMT - KS ngày 29/5/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng cũng như Báo cáo số 09/BC – LHH ngày 12/6/2015 của Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng, ông Trần Hùng Tiến cho biết, sở dĩ ban đầu ông khá cẩn trọng khi kiểm tra “tư cách nhà báo” bởi thời gian gần đây, ông đã tiếp không ít đại diện cơ quan báo chí và giải trình với cấp trên về vụ việc này, trong khi bản chất câu chuyện lại nằm ngoài nội dung tờ đơn kiến nghị đính kèm chữ ký của 40 hộ dân thôn 9, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (việc này, chúng tôi sẽ xin phép đề cập trong bài viết khác).

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vụ việc này, ông Nguyễn Trần Lanh, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên cho biết, trước đây, ở khu vực lân cận với Công ty Tân Phú Xuân còn có hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty cổ phần Thương mại Thủy Nguyên và hoạt động khai thác khoáng sản của một đơn vị thuộc Bộ Công an. Tuy nhiên, 2 doanh nghiệp này đã hết hạn khai thác khoáng sản và đang thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ. Chỉ có Công ty Tân Phú Xuân được UBND TP. Hải Phòng tiếp tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản (Giấy phép số 797/GP – UBND ngày 17/4/2015).

“Trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Liên Khê, Công ty Tân Phú Xuân là đơn vị chấp hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. Về mặt luật pháp, đây là doanh nghiệp khai thác khoáng sản duy nhất còn đủ tư cách hoạt động ở khu vực này”, ông Lanh khẳng định.

Cụ thể, theo Giấy phép số 797/GP – UBND ngày 17/4/2015 mà UBND TP. Hải phòng cấp cho Công ty Tân Phú Xuân, đơn vị này được khai thác khoáng sản đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích khu vực khai thác 20 ha với thời hạn 10 năm (mức sâu khai thác từ +5,0 m đến -20,0 m, diện tích thiết kế khai thác là 11,8 ha). Doanh nghiệp đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường, giao nộp thiết kế mỏ theo quy định tại khoản 2, Điều 61, Luật Khoáng sản năm 2010; đang hoàn thiện hồ sơ để được thuê đất, ký hợp đồng thuê đất theo quy định tại khoản 1, Điều 31, Luật Khoáng sản 2010.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong khi người dân phủ nhận việc viết đơn khiếu nại hoạt động của Công ty Tân Phú Xuân, thì Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật và Hội Khoa học lịch sử TP. Hải Phòng lại có báo cáo gửi Thường trực Thành ủy Hải Phòng, UBND TP. Hải Phòng phản bác gay gắt Kết luận số 890/TNMT - KS ngày 29/5/2015 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hải Phòng; đồng thời đề nghị dừng thực hiện Giấy phép khai thác khoáng sản số 797/GP – UBND ngày 17/4/2015 của UBND TP. Hải Phòng?

Báo Đầu tư sẽ tiếp tục phản vụ việc này

Cuộc “lật đổ” tại Xi măng Thái Bình
Một nhóm cổ đông Công ty cổ phần Xi măng Thái Bình (TBX - HNX) toan tính lật đổ Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đương nhiệm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư