Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Vụ Viwasupco cung cấp nước nhiễm bẩn: Đạo đức doanh nghiệp và câu chuyện cạnh tranh, giảm thiểu độc quyền
Lê Quân - 29/10/2019 15:47
 
Vụ nước sinh hoạt do Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp nhiễm bẫn vừa qua đã bộc lộ những bất cập, thiếu sót trong quản lý Nhà nước đối với sản phẩm và dịch vụ công ích, đòi hỏi phải có sự chuyển hướng thay vì quản lý kiểu ra điều kiện mà cần chuyển sang quản lý rủi ro. Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói rõ hơn về quan điểm này.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Ông có bình luận ra sao về cách ứng xử của  Viwasupco trong vụ nước sinh hoạt cung cấp cho khu vực Tây Nam Hà Nội bị nhiễm bẩn?

Nếu nhìn một cách bình thường thì phản ứng như vậy của doanh nghiệp là bình thường, vì lợi ích của họ. Nhưng điều quan trọng nhất hiện nay, trong trường hợp như vậy, nếu chúng ta thực hiện giám sát tốt, thì vụ việc có thể kiểm soát được, ở đây không nói kiểm soát hoàn toàn hoạt động của doanh nghiệp thì hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro.

Khi xảy ra vụ việc như vậy thì trách nhiệm của các bên liên quan cần được xử lý rất kịp thời, chính xác và công khai.

Cho đến nay, không rõ quy trình doanh nghiệp kiểm soát chất lượng nước ra sao, nhưng rõ ràng cần xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp trong vụ việc. Nếu chỉ nhìn theo báo chí phản ánh rằng doanh nghiệp cũng là nạn nhân và doanh nghiệp đã chậm trễ công bố thông tin (nguồn nước nhiễm dầu thải) thì có lẽ chưa đủ để khẳng định vấn đề, nhưng rõ ràng cần xem xét trách nhiệm của các bên.

Câu chuyện này đặt ra vấn đề đạo đức đối với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ra sao?

Đạo đức là vấn đề càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay, nhưng hãy xem xét điều gì thôi thúc doanh nghiệp kinh doanh có đạo đức hơn. Hiện nay, vai trò của các hiệp hội rất quan trọng. Ví dụ, Hiệp hội Rượu bia đề ra bộ quy tắc đạo đức (code), trong đó nghiêm cấm các thành viên thực hiện hoạt động quảng cáo gây ảnh hưởng đến thai phụ, trẻ em, người điều khiển phương tiện và tự các thành viên phải cam kết thực hiện điều này. Nếu vi phạm, thành viên sẽ phải chịu phạt và thậm chí Hiệp hội có biện pháp trừng phạt. Điều này giúp doanh nghiệp ý thức được đạo đức kinh doanh.

Hơn nữa, đạo đức doanh nghiệp chỉ có khi có cạnh tranh. Đối với các sản phẩm, dịch vụ cho xã hội thì phải có thị trường cạnh tranh về mặt dài hạn. Chỉ khi có cạnh tranh trên thị trường, người tiêu dùng mới có quyền quyết định lựa chọn sản phẩm, dịch vụ nào.

Theo quan sát của tôi, tại Australia, thị trường bán lẻ điện đã được vận hành theo nguyên tắc này, nếu người tiêu dùng không hài lòng với nhà sản xuất, kinh doanh điện thì chỉ trong vòng vài giây họ có thể thay đổi nhà cung cấp điện mà vẫn dùng điện từ đường dây và đồng hồ đo điện. Australia làm được, tức là phân biệt được điện do nhà cung cấp nào bán cho người tiêu dùng, thì mình cũng có thể làm được.

Giả sử cơ chế bán nước bây giờ cũng giống như bán điện, nếu người tiêu dùng không thích dùng Nước sạch sông Đà và có cơ hội lựa chọn nhà cung cấp khác, họ có thể sẽ lựa chọn khác và thị trường sẽ trừng phạt những doanh nghiệp làm ăn vô đạo đức.

Do vậy, câu chuyện quan trọng đối với đạo đức doanh nghiệp là phải có thị trường cạnh tranh và giảm thiểu độc quyền. Một khi người tiêu dùng có thêm lựa chọn, thì đạo đức doanh nghiệp phải tốt lên. Còn nếu người tiêu dùng không có sự lựa chọn, họ buộc vẫn phải ăn, tắm nước theo kiểu chưa thấy chết ngay nên vẫn phải chấp nhận.

Sau vụ nước sinh hoạt do Viwasupco cung cấp nhiễm bẩn, có quan điểm cho rằng, cổ phần hóa trong lĩnh vực này là sai lầm và thay vì tư nhân hóa, thì Nhà nước phải là bên trực tiếp cung cấp. Vậy, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Quan điểm trên hoàn toàn không đúng, đi ngược lại với xu hướng, nguyên tắc và chủ trương phát triển kinh tế thị trường. Tôi cho rằng, đó là cách hiểu sai về vai trò của Nhà nước trong việc cung cấp cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm dịch vụ công.

Nước chỉ là thành phần rất nhỏ trong số hàng triệu sản phẩm, dịch vụ công. Hàng ngày, chúng ta sử dụng hàng ngàn loại thực phẩm, uống cả ngàn loại nước, đi rất nhiều phương tiện “từ trên trời dưới đất”… đều có thể gây hại. Đơn giản một chiếc điện thoại di động có thể gây cháy nổ và gây hại đến sức khỏe. Nếu tiếp cận theo quan điểm trên thì tất cả sản phẩm đều phải do Nhà nước cung cấp. Điều này là không thể.

Ai dám đảm bảo rằng nếu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì sự cố vừa rồi không xảy ra. Khả năng sự cố xảy ra là vẫn có thể, thậm chí hậu quả có thể lớn hơn. Với sự cố như vậy nếu không phải doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp niêm yết mà là doanh nghiệp nhà nước, thì ai dám khẳng định liệu thông tin có bị rò rỉ ra bên ngoài không.

Hãy đặt câu hỏi rằng, cơ quan quản lý Nhà nước có công khai thông tin hàng năm thực hiện lấy mẫu nước kiểm tra và hoạt động của hệ thống phòng ngừa và kiểm soát rủi ro ra sao. Làm được như thế thì đó mới là vai trò quản lý Nhà nước, chứ không thể nói là vì tư nhân không làm tốt thì Nhà nước phải thay thế. Không có gì đảm bảo là Nhà nước làm tốt hơn tư nhân và thậm chí có nguy cơ thông đồng hay xung đột lợi ích giữa các cơ quan nhà nước trong việc giám sát sản phẩm, dịch vụ công.

Vậy theo ông, quản lý Nhà nước đối với sản phẩm, dịch vụ công cần điều chỉnh theo hướng nào?

Nhà nước lẽ ra có thể làm tốt hơn trong việc phòng ngừa, xử lý vụ việc vừa rồi. Không chỉ giám sát chất lượng các sản phẩm, dịch vụ công như nước, quản lý Nhà nước còn phải hướng vào các sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, theo nguyên tắc phòng ngừa và quản lý rủi ro.

Thay vì thực hiện theo cách rất “truyền thống” là hàng ngày vài chục cán bộ ở sở, ngành đi khắp nơi kiểm tra, quản lý nhà nước hiện nay trong bối cảnh nguồn lực có hạn, cần hướng đến quản lý theo nguyên tắc rủi ro. Tức là ưu tiên kiểm tra sản phẩm nào có tác động trên phạm vi rộng nếu xảy ra rủi ro, chẳng hạn nước và thực phẩm.

Giả sử đối với công tác kiểm tra an toàn thực phẩm, thì đối tượng ít kiểm tra nhất là khách sạn 5 sao bởi quy trình kiểm tra đã đủ tin cậy, còn ưu tiên kiểm tra những nơi nhiều rủi ro như bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, khu vực đông dân cư hoặc kiểm tra sản phẩm không rõ nguồn gốc…

Đối với quản lý chất lượng nước, thì ngoài tiêu chuẩn kỹ thuật cần phải có các tiêu chuẩn phòng ngừa rủi. Thực tế, các nước đều có sẵn, từ tiêu chuẩn về phòng ngừa rủi ro nguồn nước đến các phương án làm sao để kiểm soát chất lượng nước.

Nhà nước phải đổi mới phương thức quản lý và tăng cường giám sát theo hướng giảm bớt việc ngồi cấp phép trên giấy, mà việc đầu tiên là phải giám sát sản phẩm đầu ra, kiểm soát được chất lượng và độ an toàn của sản phẩm.

[Infographic] Nhìn lại vụ đổ trộm dầu thải xuống đầu nguồn nước sạch sông Đà
Gần 2 tuần qua, vụ xe tải đổ dầu thải xuống đầu nguồn nước sông Đà khiến hàng vạn người dân khu vực Tây Nam TP Hà Nội lao đao trong “cơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư