Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Vua" thanh long vùng Tây Bắc
Thanh Vân - 21/10/2015 13:25
 
Mạnh dạn đưa cây thanh long lên vùng biên giới Tây Bắc, một nông dân ở Cao Bằng đã trở thành triệu phú đầu tiên của người Tày nơi đây.

Để mình nghèo là có tội với đất

Dọc hai bên đường dẫn vào nhà ông Hoàng Văn Chinh, thôn 5, xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng (Cao Bằng) là những vườn thanh long xanh mướt nối nhau dài tít tắp. Ngôi nhà của người triệu phú đầu tiên của dân tộc Tày này được xây chắc chắn. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền.

Chủ nhân của vườn cây đó năm nay đã ngoài 60 tuổi, tính trầm tĩnh, thái độ khoan thai. Là nông dân vất vả sớm hôm nhưng nom ông Chinh nhàn tản như một vị cán bộ về hưu. Cả ngày ông làm bạn với cây cối, ông còn nuôi thêm cả ao cá rộng nghìn mét vuông. Cạnh vườn là dãy chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng bò được làm kiên cố. Tất cả tạo thành mô hình VAC khép kín. Ông Chinh tự hào khoe: “Khi yêu cây, yêu đất, lòng người thanh thản và nhẹ nhàng lắm”.  

Sinh ra trong một gia đình cách mạng, bản thân ông Chinh cũng tham gia chiến đấu. Sau lần bị trúng đạn pháo, ông Chinh bị thương (mức thương tật 2/4) và trở về quê hương xây dựng kinh tế, trăn trở tìm cách làm giàu.  

Ông Hoàng Văn Chinh chăm sóc thanh long trong vườn nhà
Ông Hoàng Văn Chinh chăm sóc thanh long trong vườn nhà

Sau nhiều năm vật lộn với cây và đất, thử nghiệm các loại cây trồng mới nhưng không mấy thành công, cách đây hơn chục năm, có dịp về miền xuôi thăm người quen, ông mua mấy trái thanh long làm quà, khi rút tiền trả ông giật mình vì hơn một yến thóc bán đi mà ông không mua nổi một cân thanh long.

Ông thầm nghĩ, quê mình đất đai rộng mênh mông, mấy quăng dao chưa hết, vậy tại sao mình không đưa cây thanh long về trồng thử. Nghĩ là ông bắt tay vào làm, ông mua thử một ít giống thanh long và tìm hiểu kĩ thuật chăm sóc. “Tôi chỉ nghĩ trồng vài cây ăn thử xem sao, chứ chưa tin giống cây này sẽ mang lại cho mình bát ăn bát để”, ông Chinh nhớ lại.

Tiền triệu ngoài vườn

Bẵng đi 2 năm, lứa thanh long đầu tiên cho ra quả. Đến ngày thu hoạch, ông Chinh hồi hộp bổ quả thanh long ăn thử. Quả thanh long to, nặng cả nửa cân, vỏ mỏng, ruột trong, ăn vào cứ ngọt lịm trên đầu lưỡi. Cái cảm giác nếm thanh long đó đến giờ ông Chinh vẫn còn nhớ như in tựa như nó vừa diễn ra.

Cây thanh long dễ trồng, dễ chăm sóc và sớm cho thu hoạch nằm ngoài sự mong đợi của ông Chinh. Chỉ sau 2 năm, chúng đã lên tốt và rất sai quả. Từ đó, ông Chinh mở rộng dần diện tích trồng thanh long. Chẳng mấy chốc xung quanh nhà ông Chinh đã phủ kín các trụ bê tông trồng thanh long. Cứ mỗi cột bê tông chôn xuống là ông có thêm 2 gốc thanh long. Ông còn kì công tìm giống thanh long ruột đỏ về trồng.

Sau gần chục năm mày mò tỉm hiểu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến giờ ông Chinh đã trồng được gần 400 gốc thanh long. Mỗi năm, thanh long cho thu hoạch 7 lứa, tính trung bình mỗi cây thanh long thu được gần triệu bạc. Vui hơn là vợ chồng ông không có đủ thanh long để bán. Tư thương đến tận nhà mua với giá cao từ 25-30 nghìn đồng/1kg. Riêng thanh long ruột đỏ, cuối vụ vợ chồng ông bán được 84.000đ/1kg – giá trị hơn cả yến thóc. Giờ thì ông Chinh đã tự tin nói về quá trình sinh trưởng và chăm sóc cây thanh long. Năm nay, tổng thu nhập từ mô hình VAC của ông Chinh thu được gần 300 triệu đồng. Quan trọng hơn là từ cách làm của ông Chinh đã giúp hàng trăm bà con người Tày nơi đây có hướng làm giàu. Cái xóm người Tày đó giờ không có hộ nào thuộc diện nghèo nữa, nhiều hộ đã trở thành triệu phú.

Ông Chinh kể, sau vài năm trồng thử nghiệm, ông Chinh mới mở rộng diện tích trồng thanh long. Khi nắm chắc được đặc tính của cây thanh long sống ở vùng xứ lạnh, ông Chinh đã đến từng gia đình vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Điều quan trọng hơn cả là chất lượng thanh long trồng ở đất núi đá này luôn ngọt và ngon hơn so với những nơi khác. Người ta cứ bảo là đất nào nhiều nắng, chúng mới cho nhiều quả, trong khi đó ông Chinh trồng thanh long ruột tím, mỗi năm cho từ 8-10 lứa. Thanh long trắng cho ra khoảng 7 lứa mỗi năm. Năng suất trung bình mỗi khóm thu được 20kg, với giá bán hiện tại là 30.000đ thanh long trắng, 70 nghìn đồng cho mỗi kg thanh long tím, một gốc thanh long thu được cả gần triệu đồng. Theo tính toán của ông Chinh, trồng thanh long cao gấp 10 lần so với trồng lúa, lại nhàn hơn.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thanh long, ông Chinh bước khoan thai, chậm rãi. Ông đưa ánh mắt ấm áp nhìn từng luống thanh long được chăm sóc rất chu đáo. Gốc nào cũng khỏe khoắn. Từng ô, từng luống thanh long vuông vích, thẳng tắp, xanh mướt và ngồn ngộn sức sống. Đưa mắt nhìn ra các hộ xung quanh, từng vườn thanh long nối nhau dài tít tắp. Sự đổi thay nhanh chóng ở đất này đều do bàn tay và khối óc dám nghĩ, dám làm của ông Chinh mà lên.

“Bà con nhiều nơi đổ thanh long ra đường, ông không lo sao?" Nghe tôi hỏi vậy, ông Chinh không lấy làm bất ngờ. Ông nhẹ nhàng đưa tay hái một quả thanh long ruột tím rồi bổ ra, đưa cho tôi nếm thử. Từng miếng thanh long màu tím mịn như bột, đẹp như có người dùng phẩm nhuộm khiến ai nhìn thấy cũng ứa nước miếng. Miếng thanh long vừa chạm đầu lưỡi là cảm giác ngọt lịm, thơm mát đọng lại. Mùi thơm đặc trưng của thanh long sống trên đất núi đá, khó có nơi nào có được.

Ông Chinh khẳng định: “Đây là yếu tố khác biệt quyết định tới sự thành công của các hộ trồng thanh long ở đây. Hiện tại các gia đình không có đủ thanh long để bán”. Cũng theo ông Chinh, nếu diện tích thanh long ở Cao Bằng tăng lên nhanh chóng, theo đó sản lượng cũng tăng lên cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh thôi, chứ chưa thể xuất sang tỉnh khác được. Hơn nữa, dân cao Bằng đã ăn thanh long Cao Bằng rồi thì không muốn mua thanh long ở nơi khác nữa vì thanh long Cao Bằng có vị ngọt đậm rất đặc trưng. Ông Chinh còn dẫn dụ, cây thanh long ở đất Cao Bằng cũng giống như cây cam Vinh, cam chanh trồng ở đất Nghệ An, Hà Tĩnh mới ngon và ngọt, thơm. Đó là lợi thế cạnh tranh mà không phải nơi nào cũng có được.

Nông sản xuất khẩu bị ép giá sau bất ổn đồng nhân dân tệ
Không chỉ giảm số lượng và giá trị, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khi đối tác Trung Quốc ép giá, hoặc các đầu mối trung gian...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư